Rau cúc sữa điều trị xơ gan, ho ra máu và viêm ruột

Theo y học cổ truyền, rau cúc sữa có vị đắng, tính hàn và hơi có độc. Mặc dù vậy, nếu dùng ở liều phù hợp, cây lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu và cầm máu.
03/05/2024 16:17

Vài nét về rau cúc sữa

Rau cúc sữa có tên khoa học là Sonchus oleraceus, thuộc họ Cúc.

Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi là nhũ cúc rau, rau diếp đắng. Ở Trung Quốc, người ta gọi rau cúc sữa là khổ cự thái (nghĩa là rau diếp đắng).

Nhìn bề ngoài, hoa và lá rau cúc sữa gần giống với cây bồ công anh. Thân cây rỗng, nhẵn và thường không cao quá 100 cm. Lá cây xẻ thành nhiều khía với các thùy lá có răng, hoa hình đầu, có màu vàng và quả bế dẹp.

Bộ phận dùng làm thuốc: Với loại rau này, ta dùng toàn cây làm thuốc (thường lá thân, lá) và có thể thu hái quanh năm rồi xắt nhỏ (dùng tươi hay khô đều được).

cucsua

Rau cúc sữa (Ảnh: Caythuoc.org)

Công dụng làm thuốc của rau cúc sữa

Được biết, trong lá và đọt non của cây rau cúc sữa có chứa nhiều chất như chất đạm, chất béo, vitamin C… Ngoài ra, trong dịch sữa tiết ra từ cây còn có chất cao su (khoảng 0,41%).

Dùng uống: Theo y học cổ truyền, rau cúc sữa có vị đắng, tính hàn và hơi có độc. Mặc dù vậy, nếu dùng ở liều phù hợp, cây lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu và cầm máu. Vì vậy, cây hay được dùng điều trị các chứng như:

- Điều trị viêm ruột, đau ruột thừa.

- Điều trị viêm vú, viêm cổ họng, viêm miệng.

- Điều trị nôn ra máu từ ruột.

- Điều trị chảy máu cam.

- Điều trị ho ra máu.

- Điều trị xuất huyết tử cung.

- Điều trị kiết lỵ.

- Điều trị xơ gan và đau gan.

Ngoài ra, ở Châu Phi, cành lá rau cúc sữa còn được biết đến với tác dụng lọc máu, điều trị bệnh trĩ và ngăn chặn tiểu đường (bằng cách nấu lấy nước uống, uống vào buổi sáng).

Liều lượng: Mỗi lần dùng, lấy từ 15 – 30g thuốc, sắc lấy nước uống. Riêng với bệnh xơ gan, nếu không sắc uống, bạn có thể làm thành món ăn gồm 30g rau cúc sữa (rau tươi) và 30g rau chua me (rau tươi), rửa sạch rồi xào với thịt lợn và ăn như các món thông thường.

Dùng ngoài da: Rau cúc sữa còn được dùng ngoài ra trong trường hợp đinh nhọt, viêm mủ da và viêm vú bằng cách lấy cây tươi giã nát, đắp lên (kết hợp với sắc uống theo liều lượng đã kể trên).

Các nghiên cứu đáng chú ý

Tác dụng chống lo âu: Theo Tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy chiết xuất từ cành lá rau cúc sữa (và các bộ phận trên không nói chung) đều có tác dụng tương tự như thuốc chống lo âu.

Tác dụng hạ sốt, chống viêm: Theo Tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả nghiên cứu in vivo cho thấy chiết xuất hydroethanolic từ rau này có tác dụng chống viêm và hạ sốt rõ rệt.

Tác dụng chống oxy hóa: Theo Tạp chí Phytotherapy Research, chiết xuất từ lá cây rau có tác dụng chống oxy hóa đáng kể (tương đương với chiết xuất từ quả việt quất).

Tác dụng chống lão hóa: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá cây có tác dụng chống oxy hóa, ức chế lão hóa sớm do H2O2 stress gây ra (hiệu quả tùy theo nồng độ).

Tác dụng bảo vệ thận: Được biết, cây rau cúc sữa nổi tiếng với công dụng chống oxy hóa và chống viêm. Mặt khác, chiết xuất từ rau này cũng lành tính và không gây độc đối với gan, thận (không những thế còn giúp bảo vệ thận) (theo Tạp chí Oxidative Medicine and Cellular Longevity).

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer