Sau câu chuyện “Nữ sinh lớp 7 tự sinh con trong nhà tắm”: Vẽ đường hay hươu tự chạy

Sau câu chuyện “Nữ sinh lớp 7 tự sinh con trong nhà tắm” xôn xao trên các báo, các diễn đàn ngày hôm qua, mọi người nhất là những ông bố bà mẹ có con trẻ càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính.
14/01/2021 08:29

Khi nhắc đến vấn đề về tình dục và giới tính, tâm lý chung của các bậc phụ huynh Việt là ngại, e sợ hoặc không biết chia sẻ như thế nào. Một số bậc cha mẹ chia sẻ rằng con họ mới ở độ tuổi mẫu giáo hoặc bậc tiểu học nên nói với con điều này là quá sớm.

Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, khi vấn nạn lạm dụng tình dục ở trẻ em đang ở mức đáng báo động, việc giáo dục giới tính cho trẻ sớm là cực kỳ quan trọng và cần thiết, dù bé cưng nhà bạn chỉ mới chập chững biết đi.

Trong nhiều năm qua, tại Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc tranh luận về tầm quan trọng của việc sớm giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ. Dù có một số người phản đối nhưng phần đông các chuyên gia đều tán thành nên dạy cho trẻ từ sớm các vấn đề về giới tính và tình dục.

20190909_040421_333458_giao-duc-gioi-tinh.max-800x800

Hình minh họa

Đối với trẻ từ 2 tuổi trở xuống

Mục tiêu của giai đoạn này là để trẻ cảm thấy thoải mái và không xấu hổ với tất cả các bộ phận trên cơ thể mình. Vì thế, phụ huynh có thể giúp trẻ nhận biết tên gọi (hoặc từ lóng) và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Nếu trẻ không thích mặc quần áo hoặc có thói quen đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm, việc cần làm là đặt giới hạn thời điểm và địa điểm nào có thể và không thể không mặc quần áo hay sờ chạm vào bộ phận nhạy cảm. Ngoài ra, phụ huynh cần giúp trẻ phân biệt sự khác nhau về giới tính.

Đối với trẻ khoảng từ 2 – 5 tuổi

Trong giai đoạn này, trẻ cần biết tên gọi chính xác của các bộ phận trên cơ thể. Việc phân biệt giới tính được đặt lên mức độ mới: bạn trai và bạn gái tuy khác nhau những vẫn sẽ có những điểm giống nhau. Bên cạnh đó, ngoài những chức năng cơ bản, trẻ cần hiểu việc cơ thể mỗi người có thể giúp ta hiểu ta đang cảm thấy và mong muốn điều gì từ đó học cách cảm nhận cơ thể và tôn trọng sự khác biệt. Khái niệm về sự riêng tư đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này, trẻ cần nhận thức sẽ có những bộ phận riêng tư mà mọi người không thể nhìn thấy. Đây là bước đầu giúp trẻ học cách bảo vệ bản thân cũng như tôn trọng sự riêng tư của người khác. Đồng thời, trẻ sẽ bắt đầu tò mò về việc “Con được sinh ra từ đâu?”. Để giải đáp thắc mắc này, phụ huynh có thể trả lời một cách đơn giản, không cần thiết đề cập chi tiết, ví dụ như “Để một em bé chào đời thì nhất định cần có sự góp sức của ba (tế bào/ tinh trùng) và mẹ (tế bào/trứng) để tạo ra “hạt mầm” là con. “Hạt mầm” sẽ dần lớn lên trong tử cung/bụng của mẹ. Bố mẹ rất vui vì có con và rất muốn gặp con. Khi “hạt mầm” đủ lớn và muốn ra ngoài để gặp bố mẹ (khoảng 9 tháng 10 ngày), mẹ sẽ cần sự hỗ trợ của các bác sĩ. Khi đó con được ra đời”. Để hỗ trợ cho trẻ trong độ tuổi này, phụ huynh cần kiên nhẫn và thẳng thắn trong việc giải thích với con. Từ đó, trẻ có thể hiểu ba mẹ là nguồn hỗ trợ đáng tin cậy và dễ dàng “gửi gắm” tâm tư của mình hơn. Ba mẹ có thể tham khảo một số sách truyện giới tính giải đáp cho trẻ nhỏ các thông tin cần thiết một cách sinh động.

Đối với trẻ khoảng từ 5 – 8 tuổi

Ở giai đoạn này trẻ tiếp thu mọi điều từ ba mẹ, vì thế đây sẽ là cơ hội vàng để phụ huynh thiết lập mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đặc biệt trong việc giáo dục giới tính. Ngoài việc giải thích một cách chi tiết hơn, phụ huynh hãy hỏi ý kiến của trẻ để kiểm tra điều trẻ đã biết và tìm hiểu điều trẻ mong muốn biết. Phụ huynh có thể tận dụng các nguồn tư liệu gần gũi xung quanh như người phụ nữ mang thai, cảnh hôn trên truyền hình,… để giáo dục về giới tính cho trẻ. Bên cạnh đó, ở thời điểm này, trẻ cần hiểu các kỹ năng về chăm sóc cơ thể và học cách từ chối cũng như bảo vệ bản thân. Việc phát triển những khái niệm đầu tiên về dậy thì, gia đình, bạn bè, tình yêu giúp trẻ hiểu cơ thể và các mối quan hệ xung quanh sẽ thay đổi khi chúng ta trưởng thành về mặt thể chất và cảm xúc. Một số câu hỏi về hành vi tính dục của trẻ cũng cần phụ huynh giải thích nhằm giúp trẻ nhận thức rõ giới hạn và đâu là những hoạt động chỉ dành cho người lớn. Nếu trẻ vô tình thấy những hình ảnh nhạy cảm trên mạng Internet hoặc những nơi khác, trẻ cần nói với ba mẹ và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.

Đối với trẻ khoảng từ 9 – 12 tuổi

Ở giai đoạn này, việc nhận thức về thời kỳ dậy thì cần được trang bị một cách chi tiết hơn, đặc biệt về mối liên hệ giữa chúng đến quá trình mang thai. Trẻ nữ cần chuẩn bị cho kỳ kinh nguyệt đầu tiên và trẻ nam cần hiểu về sự xuất tinh. Quan trọng hơn hết, trẻ cần học cách phòng tránh việc mang thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ở thời điểm này, trẻ sẽ tò mò về những hành vi tình dục, chính vì thế, phụ huynh cần hỗ trợ trẻ cách sử dụng các thiết bị điện tử một cách an toàn và trao đổi với trẻ quan điểm của ba mẹ, gia đình về khái niệm một mối quan hệ tôn trọng và gắn bó. Đây là thời điểm quan trọng giúp trẻ hiểu giá trị và niềm tin của ba mẹ về những chủ đề liên quan đến tình cảm. Phụ huynh cần đa dạng trong cách giáo dục và tạo điều kiện giúp trẻ phát triển kỹ năng tự quyết định, giao tiếp và kỹ năng đàm phán.

Quan điểm về việc giáo dục giới tính cho trẻ đã thay đổi rất nhiều trong những năm nay. Bởi lợi ích của việc giáo dục giới tính không mang tính “vẽ đường cho hươu chạy” mà ngược lại, sẽ giúp trẻ nhận thức rõ và đưa ra những quyết định tốt hơn nhờ sự hướng dẫn chi tiết từ phụ huynh. Việc xây dựng các cuộc trò chuyện nhỏ, thường xuyên, lặp đi lặp lại với con cái góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ trong tương lai.

Một số câu hỏi trẻ thường thắc mắc về giới tính và tình dục

aceb63b85af9b3a7eae8

Dưới đây là một số câu hỏi mà trẻ thường thắc mắc:

  • Em bé được tạo ra như thế nào?

Hãy trả lời trung thực thay vì nói rằng bạn đã nhặt bé ở ngoài đường hay bé chui ra từ lỗ rốn. Nói với trẻ rằng khi tinh trùng từ cơ thể bố kết hợp với trứng từ cơ thể mẹ trong một khoảng thời gian sẽ phát triển thành em bé.

  • Quan hệ tình dục an toàn là gì?

Nếu con bạn đưa ra câu hỏi này thì bạn hãy cảm thấy may mắn. Nắm bắt cơ hội để chia sẻ với trẻ những điều có thể xảy khi quan hệ tình dục mà không có biện pháp an toàn.

Ngoài ra, bạn cũng nên nói với trẻ về nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, bệnh lậu… khi quan hệ tình dục không an toàn.

  • Chu kỳ kinh nguyệt có nghĩa là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là chủ đề quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ nên giải thích cho con mình. Nói với con bạn đó là chu kỳ hàng tháng bắt đầu khi một bé gái đến tuổi dậy thì. Trong giai đoạn này, con gái sẽ bị chảy máu âm đạo, bị đau bụng và một số khó chịu về thể chất.

  • Tuổi dậy thì là gì?

Bạn nên chia sẻ điều này với con trước khi bé đến tuổi dậy thì. Hãy nói với trẻ mỗi người sẽ bước vào giai đoạn này ở những độ tuổi khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng cần giải thích cho trẻ những thay đổi mà con trai, con gái phải trải qua khi đến tuổi dậy thì.

  • Con sẽ có thai nếu hôn bạn trai?

Đây là câu hỏi phổ biến trong tâm trí của trẻ. Bất cứ khi nào con bạn hỏi câu hỏi này, hãy giải thích cho trẻ rằng hôn bạn trai không thể khiến bé mang thai. Giải thích cho bé rằng một cô gái chỉ có thể mang thai khi trứng tiếp xúc với tinh trùng và điều này chỉ xảy ra khi 2 người có quan hệ tình dục.

  • Nếu màng trinh của con bị rách khi té ngã do đi xe đạp hoặc leo trèo trong khi chơi đùa thì con bị coi là mất trinh?

Đây cũng là một hiểu lầm phổ biến cần được gỡ bỏ. Hãy chia sẻ với con rằng con gái chỉ được coi là mất trinh sau khi quan hệ tình dục lần đầu. Người ta không mất trinh chỉ vì màng trinh bị rách khi chơi hoặc đạp xe.

Lời khuyên cho ba mẹ trong việc giáo dục giới tính cho trẻ

Dưới đây là một số lời khuyên để mà bạn cần nhớ khi nói chuyện với trẻ về tình dục:

  • Không hoảng sợ

Đừng hoảng sợ nếu con hỏi bạn bất cứ điều gì liên quan đến tình dục. Con bạn hỏi không có nghĩa là bé đã làm hoặc muốn làm. Ngược lại, bạn nên cảm thấy may mắn vì bé cảm thấy thoải mái khi nói về tình dục với bạn. Đừng trốn tránh và hãy trả lời trung thực những câu hỏi mà bé đặt ra.

Ngoài ra, bạn cũng cần cung cấp những thông tin thật chính xác, nếu bạn không biết, hãy thành thật nói với trẻ rằng bạn sẽ tìm hiểu và trả lời cho trẻ sau. Tuy nhiên, trước khi trả lời, bạn nên hỏi trẻ lý do tại sao bé muốn biết về điều này.

  • Đặt câu hỏi và lắng nghe

Chuẩn bị tinh thần để lắng nghe những gì con bạn nói. Thay vì hướng dẫn, hãy đặt câu hỏi sau khi nghe những điều bé hỏi? Nếu bé nói điều gì đó liên quan đến một người bạn, hãy hỏi bé xem bé có lo lắng cho người bạn đó không. Bé sẽ cư xử thế nào trong tình huống như vậy?

  • Sử dụng thuật ngữ chính xác cho các bộ phận cơ thể

Bạn nên sử dụng các thuật ngữ chính xác khi giới thiệu các bộ phận riêng tư cho trẻ nhỏ. Bởi nếu bạn dùng các từ thay thế, bé có thể hiểu sai hoặc cảm thấy xấu hổ khi nhắc về những bộ phận này.

  • Đưa ra những điều tích cực

Bạn nên tránh nói những điều tiêu cực về tình dục với trẻ nhỏ. Bởi những điều này sẽ khắc sâu vào tâm trí trẻ và gây ra những trở ngại về tâm lý. Tuy nhiên, ngoài việc chia sẻ những mặt tốt, bạn cũng nên cho trẻ biết những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn của các bệnh lây truyền qua đường tình dục và việc mang thai ngoài ý muốn.

Thu Hằng ( Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer