Sự thay đổi này trong phân của trẻ có thể là dấu hiệu của bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể chết người

Do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu nên dễ bị các vi khuẩn tấn công, đặc biệt gây ra các bệnh về đường tiêu hóa. Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ chu đáo, để ý cả sự thay đổi của phân sau khi trẻ đi vệ sinh vì đây có thể là các dấu hiệu bất thường về tiêu hóa. Trong đó cần đặc biệt chú ý việc trẻ đi ngoài có máu nhầy.
23/03/2021 19:28

Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh vô cùng yếu ớt, dễ bị tác động bởi các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Trong những năm đầu đời, các vi khuẩn gây nên bệnh lý về tiêu hóa khiến trẻ dễ bị tổn thương, gây nên các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Trong đó sự thay đổi về hình dáng và màu sắc của phân trẻ sau khi đi vệ sinh cũng là một trong các dấu hiệu của các bệnh lý này, đặc biệt, trẻ đi ngoài ra máu.

tre di ngoai co mau

Theo các nghiên cứu, trẻ đi ngoài ra máu đa phần báo hiệu một tình trạng bệnh lý nguy hiểm cụ thể:

Kiết lỵ: Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp ở đường tiêu hóa làm bé đi tiêu phân có máu. Đây là bệnh do đường ruột bị tấn công bởi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và động vật nguyên sinh, trong đó hay gặp nhất là amip Entamoeba histolytica và trực khuẩn Shigella. Thông thường, bệnh kiết lỵ chia ra làm hai dạng:

+ Kiết lỵ amip: Trẻ mắc bệnh này sẽ có biểu hiện đau quặn bụng từng cơn, có thể sốt nhẹ/ không sốt, đi ngoài nhiều lần trong một ngày. Trong phân của trẻ có chất nhầy và kèm theo máu.

+ Kiết lỵ trực trùng: Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, tiêu chảy nhẹ, phân lỏng, hậu môn đau rát, phân có nhầy và máu, trẻ muốn đi đại tiện nhiều lần trong ngày.

Bên cạnh biểu hiện tiêu phân lỏng kèm theo máu, trẻ bị kiết lỵ còn có các triệu chứng khác như đi đại tiện nhiều lần trong ngày,  phân có lẫn dịch nhầy, bọt hơi và trẻ hay quấy khóc khi đại tiện do đau rát hậu môn.

Polyp đại – trực tràng: Đây là bệnh lý thường gặp ở người lớn nhưng cũng có thể xuất hiện ở nhóm đối tượng trẻ em béo phì, ăn nhiều chất béo, ít chất xơ và thói quen ăn thịt đỏ. Khi mắc bệnh này, trẻ cũng xuất hiện tình trạng đi ngoài ra máu nhầy. Do đó, các bậc cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời.

Lồng ruột: Lồng ruột cấp tính là căn bệnh thường gặp ở trẻ từ 4-9 tháng tuổi. Đây là giai đoạn bé từ bú sữa sang ăn dặm, nên ruột dễ bị co bóp thất thường. Cụ thể, hiện tượng này xảy ra là khi một đoạn ruột bị lộn ngược rồi chui vào bên trong của đoạn ruột gần kề, sau đó làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột.

Biểu hiện của lồng ruột cấp tính: đau bụng dữ dội, trẻ khóc thành từng cơn, nôn mửa, bỏ ăn, bụng trướng và phân đại tiện có chất nhầy và máu…

Thương hàn: Đây là bệnh lý nhiễm trùng hệ tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella Typhi gây nên. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt cao (thường hơn 40 độ C), xuất hiện ban toàn thân, tiêu chảy kèm theo phân có máu, đổ mồ hôi bất thường...

Viêm đại tràng: Việc trẻ đi ngoài ra máu nhầy cũng có thể do mắc viêm loét đại tràng. Loại bệnh này gây nên các biến chứng gây nguy hiểm như suy dinh dưỡng, tắc nghẽn đường ruột, viêm khớp, viêm da,…

Đặc biệt, trẻ còn có thể bị viêm ruột hoại tử nếu phân có sợi máu. Đây là trường hợp nghiêm trọng, thường xảy ra ở trẻ sinh non.

Ngoài nguyên nhân do bệnh lý gây ra, trẻ đi ngoài ra máu nhầy cũng có thể là biểu hiện của thiếu Vitamin K. Đây là một phần của hệ thống đông máu trong cơ thể, nếu thiếu hụt sẽ dẫn đến một số rối loạn gây chảy máu và có thể gặp tình trạng phân có máu.

 Lưu ý: Để biết được nguyên nhân chính xác việc trẻ đi ngoài có máu là bệnh gì, các bậc phụ huynh nên đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hương Giang (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer