Tác dụng của châm cứu, bấm huyệt Bỉnh Phong đối với sức khỏe

Huyệt Bỉnh Phong nằm ở phần thân trên, là huyệt thứ 12 của kinh Tiểu Trường. Y học Cổ Truyền đã nghiên cứu và chỉ ra huyệt vị này có tác dụng chủ đạo chữa các bệnh liên quan đến chi trên như đau bả vai, tê bì tay…
07/10/2022 09:01

Huyệt Bỉnh Phong là huyệt gì?

Xuất xứ: Giáp Ất Kinh.

Đặc tính: Huyệt 12 của kinh Tiểu Trường, là huyệt giao hội với kinh Đại Trường, Tam Tiêu và Đởm.

Huyệt Bỉnh Phong nằm trong hệ thống huyệt của kinh tiểu trường có tác dụng chủ trị bệnh liên quan đến phong khí. Theo Trung Y Cương Mục thì huyệt này là nơi dễ bị phong khí tác động vào, khi tác động huyệt giúp tán khí nên có tên gọi là Bỉnh Phong.

Huyệt Bỉnh Phong nằm ở đâu và cách xác định cụ thể

Huyệt Bỉnh Phong nằm ở chỗ lõm trên gai xương bả vai, trên đường thẳng nối với chỗ dày nhất của gai xương sống bả vai. Nếu xác định dựa trên vị trí các huyệt đạo xung quanh thì huyệt Bỉnh Phong nằm trên huyệt Thiên Tông, giữa huyệt Cự Cốt và huyệt Khúc Viên.

huyet-binh-phong

Y học giải phẫu cho thấy tại điểm huyệt, bên dưới da là cơ thang, cơ trên gai xương bả vai. Thần kinh vận động cơ chính là nhánh của dây thần kinh sọ não XI, nhánh đám rối cổ sâu và một phần nhánh dây thần kinh trên vai. Vùng da huyệt bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

Cách xác định vị trí huyệt như sau:

Người bệnh giơ hai tay lên cao, để vai lộ rõ hõm trên gai xương bả vai.

Vị trí huyệt chính ở giữa điểm lõm, phía thẳng với chỗ dày nhất của gai xương sống bả vai.

Tác dụng của huyệt với sức khỏe

Huyệt nằm ở ở thân trên, thuộc mạch của kinh Tiểu Trường có tác động chủ yếu vào hai tay, phần vai gáy. Tác động huyệt chủ trị một số bệnh lý do phong khí gây ra. Cụ thể:

Trị đau khớp vai: Người bệnh gặp phải tình trạng viêm khớp vai, đau khớp, đau bả vai có thể bấm hoặc châm cứu vào huyệt Bỉnh Phong để tán khí, loại bỏ cơn đau.

Tay bị tê bì: Hai tay bị tê bì, mất cảm giác, châm cứu huyệt vị này có thể lấy lại cảm giác nhanh chóng.

Trị đau vai không giơ tay lên được: Kết hợp tác động với huyệt Vân Môn – Theo Bị Cấp Thiên Kim Phương.

Như vậy huyệt Bỉnh Phong có tác dụng chủ đạo với các bệnh liên quan đến xương khớp vùng chi trên. Ngoài ra khi tác động vào huyệt đạo này còn giúp đả thông kinh lạc, tăng cường tuần hoàn máu giúp người bệnh khỏe mạnh hơn.

Cách tác động huyệt Bỉnh Phong an toàn và hiệu quả

Tác động đúng huyệt, đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị của bệnh nhân. Một số trường hợp kỹ thuật thực hiện kém không đạt đắc khí phải châm cứu lại nhiều lần, gây tổn thương huyệt đạo. Chưa kể đến đâm kim lệch vào dây thần kinh dẫn đến bại liệt bộ phận, những huyệt đạo quan trọng có thể liệt toàn thân.

Do đó khi quyết định điều trị các bệnh lý bằng châm cứu hay bấm huyệt Bỉnh Phong người bệnh cần hết sức lưu ý. Nên chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo tính hiệu quả cũng như tránh được các biến chứng về sau.

Riêng đối huyệt Bỉnh Phong, các bác sĩ chuyên khoa châm cứu, bấm huyệt chia sẻ cách tác động huyệt như sau:

Bấm huyệt: Xác định vị trí huyệt, ấn nhẹ đầu ngón tay vào huyệt rồi thực hiện thao tác xoay tròn quanh huyệt theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện trong vòng 1 – 2 phút, sử dụng kèm tinh dầu để gia tăng hiệu quả.

Châm cứu: Xác định vị trí huyệt sau đó châm thẳng kim sâu 0.5 – 1 thốn, chú ý không được đâm sâu quá tiêu chuẩn làm tổn thương các cơ dưới huyệt. Để nguyên kim cứu 3 – 5 tráng, ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút rồi rút kim ra.

Đối với châm cứu huyệt, người bệnh cần đạt cảm giác đắc khí, thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra những vùng xung quanh thì mới đúng kỹ thuật. Trường hợp chưa đắc khí, bác sĩ cần thực hiện một số thủ thuật để dẫn khí, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Mỗi huyệt đạo trên cơ thể đều có những công dụng của riêng nó, huyệt Bỉnh Phong cũng vậy. Người có bệnh về xương khớp liên quan đến tay, vai gáy có thể áp dụng phương pháp điều trị châm cứu, bấm huyệt Bỉnh Phong. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà, tránh để xảy ra những biến chứng không mong muốn.

Theo Tạp chí Y học cổ truyền

comment Bình luận

largeer