Tác hại nghiêm trọng của khói hương đối với cơ thể

Tại Việt Nam, thắp hương (nhang) tại nhà để thờ cúng ông bà tổ tiên hay thắp hương tại đình chùa, miếu mạo đã trở thành phong tục đi sâu vào cuộc sống từ nhiều đời. Tuy nhiên, khói hương tỏa ra mặc dù có mùi thơm ngát nhưng không phải ai cũng có thể ngửi được.
28/12/2020 09:59

Đối với nhiều người Việt, không chỉ ngày lễ, Tết, giỗ chạp, mà ngay khi đi xa về, hoặc khi sắp xuất hành, hay khi gặp niềm vui, sự buồn cũng thắp lên bàn thờ nén hương để báo cáo với tổ tiên, giúp cái tâm được thanh thản. Chính vì thế, hương chính là vật dụng không thể thiếu trên ban thờ của mồi gia đình.

Nguồn gốc của tục thắp hương: Theo lịch sử ghi lại, việc thắp hương bắt nguồn từ khoảng năm 3700 BC từ Ấn Độ. Đến năm 618 AD vào đời nhà Tần mới có một vị Tăng đem hương trầm qua Trung Quốc, từ đó hình thức đốt nhang được phát triển mạnh mẽ và hưng thịnh nhất vào đời nhà Minh, sau đó được phổ biến đến khắp các nước láng giềng. 

khoi huong

Khói hương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. (Hình minh họa)

Tại Việt Nam, hương truyền thống được sản xuất từ các loại thảo mộc, nghiền thành bột trộn lại với nhau, sau đó qua nhiều bước để tạo thành cây hương hoặc hương vòng. Khi đốt hương sẽ tạo ra mùi thơm nồng nàn của thảo mộc, giúp làm ấm không gian lạnh lẽo.

Tuy nhiên, ngày nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại hương trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Việc sử dụng các hóa chất tạo mùi thay thế các thảo mộc như có thể gây hại đến sức khỏe con người.

Thậm chí, mới đây đã có nghiên cứu chỉ ra, khói hương có tác hại độc hơn cả khói thuốc lá.  Theo Daily Mail, các sản phẩm hương phổ biến trên thị trường hiện nay thường được sản xuất từ que tre bọc mùn cưa có tẩm tinh dầu hoặc hóa chất tạo mùi thơm. Khi đốt hoặc thắp hương, các hạt hóa chất được giải phóng vào không khí dưới dạng khói. Nếu những hạt này được hít thở vào cơ thể, chúng có thể mắc kẹt trong phổi và gây ra phản ứng viêm.

Trả lời trên VietQ, Th.S-BS Dương Minh Ngọc (bộ môn nội tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM; Khoa Nội phổi - Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: Khói từ chất đốt nói chung (trong đó có khói hương) có chứa các khí và chất dạng hạt gây độc hại cho cơ thể người, nhất là tác động trên hệ hô hấp.

Tùy theo thành phần chất đốt là gì mà tác động của khói sẽ gây ra các hậu quả khác nhau. Khói có thể gây kích ứng đường thở, gây ho, hắt hơi, chảy mũi và có thể gây khó thở. Ở bệnh nhân hen, khói có thể gây khởi phát cơn hen cấp tính, và nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Ngoài ra, khói từ chất đốt sinh học (củi, rơm rạ…) là một trong số các yếu tố nguy cơ (bên cạnh hút thuốc lá) gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người ta còn nhận ra rằng, tiếp xúc với một số loại khói trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư.

Cụ thể, nhiều vật liệu hóa chất được thêm vào hương để tăng hương thơm, khả năng đốt cháy như axit photphoric, benzen... Các chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi, chóng mặt, buồn nôn. Nếu tiếp xúc lâu, hệ thần kinh, gan, thận cũng bị ảnh hưởng và có thể tấn công các vật chất di truyền, biến đổi tế bào, đột biến gene gây ung thư.

Trả lời trên báo chí trước đó, nhà nghiên cứu kiêm phó giáo sư y khoa  Danxia Hu làm việc tại Trung tâm Y tế tại Đại học Vanderbilt, Nashville, Hoa Kỳ cho biết ngay cả khi tiếp xúc với nồng độ CO thấp, bạn cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Nếu đóng kín cửa, lượng khí này sẽ mãi luẩn quẩn trong phòng và khiến bạn gặp nhiều vấn đề sức khỏe.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, không nên đốt hương trong phòng kín, những người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng cũng nên hạn chế tiếp xúc với khói hương để tránh sự gia tăng bệnh tình.

Đặc biệt, trong thời điểm dịp Tết Nguyên Đán cận kề, là dịp chúng ta thắp hương nhiều nhất trong năm, do vậy, cần lựa chọn các loại hương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở uy tín để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Hồng Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer