Thanh Hóa triển khai Chương trình OCOP sáng tạo, hiệu quả góp phần tích cực đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đã thực sự thổi một làn gió mới làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) và người dân khu vực nông thôn. Kết quả này đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở mỗi địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
29/03/2023 08:44

Xây dựng chương trình OCOP là điểm nhấn của mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh

Là một trong những điểm nhấn của mục tiêu XDNTM, Chương trình OCOP được tỉnh triển khai từ năm 2018 một cách đồng bộ, hiệu quả. Từ 10/27 huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng, đến nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã có sản phẩm OCOP, với sự tham gia của hơn 226 chủ thể sản xuất. Tỉnh đã bố trí bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực từ nội lực cộng đồng đến quy trình triển khai, xúc tiến thương mại... Bước sang giai đoạn 2021-2022, Chương trình OCOP đã có bước đột phá, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với XDNTM.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển được 317 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao quốc gia, 54 sản phẩm 4 sao và 262 sản phẩm 3 sao.

Để hỗ trợ, “rộng đường" cho sự phát triển của các sản phẩm OCOP được công nhận, các sở, ngành, địa phương đã chú trọng, quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại. Nhiều chương trình hội chợ, triển lãm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng, thị trường, như: các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại: siêu thị Co.opMart, Khách sạn Sao Mai, Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Hà Nội; bãi biển Sầm Sơn trong dịp khai trương hè Sầm Sơn…

Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều sản phẩm OCOP đã mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP sản xuất và chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, Công ty TNHH Việt Trang (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và bán tại các siêu thị ở Hoa Kỳ; Ghế tre thư giãn cao cấp của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina (Hà Trung) đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu; sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu…

161d4103607t48767l0 (2)

Ông Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Yến Sào Xứ Thanh, tại hội chợ các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã thu hút sự quan tâm, trải nghiệm và mua sắm của người tiêu dùng tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, nhiều đối tác trên địa bàn tỉnh bạn đã đến tham quan, tìm hiểu cũng như mong muốn hợp tác tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất

Trên địa bàn tỉnh đã có 16 cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử cũng được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Các sản phẩm OCOP đã được bán rộng rãi trong cả nước bằng hình thức trực tiếp hoặc qua mạng (thương mại điện điện tử), điển hình tới các tỉnh, như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Qua khảo sát đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 15%, có những đơn vị tăng doanh số gấp đôi, như: HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, HTX dịch vụ sản xuất Miến gạo Thăng Long, Cơ sở Đông Y Quang Anh... Đến nay, nhiều thương hiệu sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, như: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia; Bánh gai Lâm Thắm; Mật ong Hưởng Hoa; Cam đường canh, cam xã Đoài Như Xuân; Miến gạo Thăng Long; Trà Hoàng Thảo Mộc; Lá xông cảm lạnh, Ngâm chân Mộc Việt...

unnamed

Công ty TNHH DVTM Dũng Lan đã vinh dự có sản phẩm nem chua đầu tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, là đơn vị đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, vinh dự có mặt tại Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOPViệt Nam lần thứ 18

Hằng năm, tỉnh cũng tổ chức các chương trình, hội nghị trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản thế mạnh, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, gia tăng thêm cơ hội cho các chủ thể nâng cao năng lực quảng bá, kết nối và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 66 sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 38 sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Phát triển sản phẩm OCOP góp phần tích cực cho phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị

Năm 2019, khi 2 sản phẩm mật ong Bình Sơn và trà xanh sạch Bình Sơn được lựa chọn là sản phẩm “tiền” OCOP cấp tỉnh của huyện Triệu Sơn, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Sơn đã mở rộng diện tích trồng chè, gia tăng số lượng đàn ong mật và hướng tới những quy trình sản xuất sạch để tạo nguồn nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP. Xã cũng hướng dẫn liên kết các hộ sản xuất lớn tại địa phương, tái cơ cấu tổ chức HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn để làm chủ thể phát triển các sản phẩm này. Với sự đầu tư bài bản từ khâu sản xuất đến chế biến và quảng bá những sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương được vực dậy, trở thành những sản phẩm hàng hóa có uy tín, chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2020, 2 sản phẩm đều được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, mở ra hướng phát triển sản xuất quy mô hàng hóa cho xã vùng khó Bình Sơn. Được cấp mã số, mã vạch và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là bước ngoặt để nâng tầm giá trị và là “giấy thông hành” để các sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường. Người dân nuôi ong mật và trồng chè truyền thống tại địa phương cũng vì thế có thêm thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống và góp phần XDNTM tại địa phương.

Giám đốc HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn Lê Đình Tú cho biết: Sau khi tham gia và đạt được sao OCOP, các sản phẩm không chỉ được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh mà còn vươn tới nhiều tỉnh, thành phố trong nước; doanh thu sau 1 năm đạt OCOP đã tăng 2,5 lần so với thời điểm trước đó. Vì vậy, người sản xuất có thêm thu nhập để mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới bao bì, nhãn mác để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Được biết, với sự phát triển mạnh mẽ của thương hiệu chè Bình Sơn, hơn 400 hộ trồng chè trên địa bàn xã đã gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Lê Xuân Linh cho rằng: Với việc phát triển bền vững diện tích trồng chè thương phẩm và xây dựng thành công “thương hiệu” chè Bình Sơn, thu nhập của người dân được nâng cao. Tính đến hết năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 49,6 triệu đồng/người/năm. Khi thu nhập của người dân nâng cao, diện mạo NTM cũng thay đổi.

Với huyện Nga Sơn, nhiệm vụ tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn trong XDNTM được chú trọng. Những năm qua huyện đã gặt hái nhiều thành công nhờ các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn, mà điển hình là Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Phần lớn hàng thủ công mỹ nghệ của công ty đều được xuất đi thị trường Hoa Kỳ. Mỗi tháng đều đặn khoảng 50 container hàng thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây của công ty được chở đi Cảng Hải Phòng để đưa sang thị trường khó tính bậc nhất thế giới bằng đường biển. Tại nước bạn, 4 doanh nghiệp lớn đã phân phối để đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ huyện Nga Sơn đến khách hàng tại hệ thống 64 siêu thị. Hiện nay, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh được đánh giá là 1 trong 20 doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tốt nhất Việt Nam.

thanh-hoa-ocop-314

Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hoá

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng cao tại nước bạn, công ty liên tục thay đổi mẫu mã và các hoa văn họa tiết cho sản phẩm. Nếu tính cả số lao động của tỉnh Ninh Bình và các huyện lân cận đang sản xuất, Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh đang giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động nông thôn với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng, tùy vào thời gian tham gia và tính hiệu quả của từng người. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng giúp huyện Nga Sơn phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi như yêu cầu của Chương trình XDNTM. Người trồng cói trong huyện có việc làm và thu nhập ổn định, hoạt động sơ chế, thu mua cũng mang lại lợi ích cho các tiểu thương. Tiếp đó là khâu sản xuất, khâu vận chuyển và xuất khẩu sản phẩm đều được diễn ra liên hoàn, tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân.

177d4100045t82596l0 (2)

Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh tạo việc làm cho nhiều lao động

Có nhiều sản phẩm độc đáo từ chính cây cói quê nhà, huyện Nga Sơn đã vận động để phía doanh nghiệp này đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP. Từ năm 2020 đến nay công ty tích cực tham gia và lần lượt có 5 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn OCOP. Xét thấy có tiềm năng và đã được xuất khẩu bền vững, UBND tỉnh cũng vừa có văn bản đề nghị Trung ương xét chọn 3 sản phẩm của công ty gồm: Bình cói Nga Sơn, Đĩa cói Nga Sơn và Rổ cói Nga Sơn thành sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trong tỉnh. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh cũng có những bước tăng trưởng khá, với doanh thu bình quân, lãi bình quân, thu nhập bình quân của thành viên trong các HTX tăng.

Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa Bùi Công Anh cho biết: "Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, gắn phát triển sản phẩm OCOP vào nhiệm vụ XDNTM của mỗi địa phương. Do đó, văn phòng đã và đang hướng dẫn các địa phương tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Đây cũng chính là điều kiện hình thành vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng cao cho phát triển sản phẩm thế mạnh, sản phẩm tiền OCOP của địa phương.

Sự nỗ lực, vươn lên của các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất cộng với cách làm sáng tạo, quyết liệt của tỉnh trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây chính là “đòn bẩy” để tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, để người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà có chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn".

Trang Nguyễn

comment Bình luận

largeer