Thế giới: Hơn 115.000 nhân viên y tế chết vì COVID-19

Nhân viên y tế và điều dưỡng chiến đấu để cứu hàng triệu người và ít nhất 115.000 người trong số họ đã chết vì COVID-19 từ đầu đại dịch.
25/05/2021 09:17

Thế giới đã ghi nhận 167.953.950 ca nhiễm COVID-19 và 3.486.135 ca tử vong, tăng lần lượt 424.923 và 8.150, trong khi 149.362.156 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

"Gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và điều dưỡng trên toàn thế giới đã đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết. Họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác. Dù cố gắng hết sức, nhiều người trong số họ đã gục ngã, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) hôm 24/5.

"Nhiều người tự nhiễm virus. Báo cáo còn ít ỏi nhưng chúng tôi ước tính ít nhất 115.000 nhân viên y tế và điều dưỡng đã qua đời khi chữa trị cho những người khác", ông nói thêm.

Theo người đứng đầu WHO, từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều nhân viên y tế đã cảm thấy "thất vọng, bất lực và không được bảo vệ, thiếu khả năng tiếp cận với các thiết bị bảo hộ cá nhân và vaccine". Ông cũng mô tả sự bất bình đẳng tổng thể trong việc tiếp cận vaccine, đồng thời cảnh báo việc này đang "kéo dài đại dịch". Hơn 75% tổng số vaccine COVID-19 đang ở 10 quốc gia.

"Số lượng liều được sử dụng toàn cầu hiện đủ cung cấp cho tất cả nhân viên y tế và người lớn tuổi nếu chúng được phân phối công bằng. Một nhóm nhỏ các quốc gia sản xuất và mua phần lớn vaccine trên thế giới kiểm soát số phận phần còn lại của thế giới", Tedros cho hay, và kêu gọi các quốc gia dự trữ vaccine lớn chia sẻ và hợp tác nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất, phân phối.

WHO dẫn đầu chương trình chia sẻ vaccine Covax, nhưng chương trình này bị thiếu hụt nghiêm trọng và phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể, trì hoãn nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng ở các nước nghèo hơn.

"Chúng tôi đã vận chuyển từng liều một trong số 72 triệu liều mà chúng tôi có thể đưa đến 125 quốc gia và nền kinh tế. Nhưng những liều lượng đó chỉ đủ trang trải cho 1% tổng dân số ở những quốc gia đó", ông nói. "Hôm nay, tôi kêu gọi các quốc gia thành viên ủng hộ một cuộc thúc đẩy lớn để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số mọi quốc gia vào tháng 9".

who-6858-1621898914

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.915.089 ca nhiễm và 604.304 ca tử vong do COVID-19, tăng 14.457 ca nhiễm và 217 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Mỹ hôm 24/5 cảnh báo công dân không đến nước chủ nhà Olympic Nhật Bản, với lý do nguy cơ ngày càng tăng của đại dịch COVID-19 ở quốc gia châu Á chỉ hai tháng trước khi Thế vận hội bắt đầu. Quyết định này chủ yếu dựa trên khuyến cáo y tế của chính phủ, cũng như "các yếu tố phụ như tính khả dụng của chuyến bay thương mại, hạn chế nhập cảnh của công dân Mỹ và trở ngại để có kết quả xét nghiệm COVID-19 trong ba ngày". 

Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số vào ngày 4/7. Nhưng tốc độ đã chậm lại và chính quyền địa phương, bang và liên bang đang tìm cách để nhiều người tiêm phòng hơn, đôi khi hợp tác với các nhà hàng và các doanh nghiệp khác.

Nhiều bang như Ohio, Maryland, New York mở chương trình xổ số để kêu gọi người dân đến tiêm vaccine. Các chương trình khuyến mãi khác bao gồm bia miễn phí, bánh rán miễn phí, vé bóng chày miễn phí và trái phiếu tiết kiệm cho những người tiêm chủng.

Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 26.947.496 ca nhiễm và 307.249 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 195.815 và 3.498 ca.

Khủng hoảng y tế đã hạ nhiệt ở các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai, số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Ấn Độ cũng giảm dần sau khi đạt đỉnh hôm 9/5. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nước này có thể phải đối mặt đợt bùng phát dịch lần ba trong những tháng tới, do Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng ở các khu vực nông thôn và bang miền nam, trong khi nhiều bang không thể tiêm chủng cho người dưới 45 tuổi vì thiếu nguồn cung.

Ấn Độ đã tiêm hơn 196 triệu liều vaccine COVID-19 kể từ giữa tháng 1, nhưng mới chỉ có 3,8% trong tổng dân số 1,3 tỷ người được tiêm đủ hai mũi vaccine.

"Số người chết sẽ luôn tăng trễ hơn số ca nhiễm mới. Những người có xét nghiệm dương tính sẽ nhập viện, một phần trong đó sẽ chết và được ghi nhận sau một thời gian", giáo sư sinh học Gautam Menon thuộc Đại học Ashoka của Ấn Độ nhận xét.

Đợt bùng phát dịch cũng đi kèm với hàng nghìn ca nhiễm nấm đen (mucormycosis), chủ yếu ảnh hưởng tới những người mắc bệnh tiểu đường. Khoảng hơn 5.000 đến gần 9.000 bệnh nhân COVID-19 đang mắc căn bệnh này trên khắp Ấn Độ, so với ít 20 trường hợp mỗi năm trước đại dịch.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hôm 24/5 thông báo có kế hoạch tặng ba triệu liều vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển trong năm nay thông qua chương trình chia sẻ toàn cầu Covax.

"Chúng tôi mua khá nhiều loại vaccine nên chúng tôi có khả năng tiêm chủng cho người dân Đan Mạch, tiêm chủng lại vào mùa thu nếu cần thiết và tặng vaccine", bà nói khi đến Brussels dự hội nghị thượng đỉnh EU, song cho biết Đan Mạch vẫn chưa quyết định loại vaccine nào sẽ được tài trợ cho Covax.

Quốc gia này đang sử dụng các loại vaccine gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson, Pfizer/BioNTech và Moderna trong chương trình tiêm chủng của mình. Dịch bệnh được coi là trong tầm kiểm soát ở Đan Mạch và phần lớn những người có nguy cơ mắc bệnh và các chuyên gia y tế đều đã được tiêm phòng.

Theo số liệu mới nhất, 20% trong tổng số 5,8 triệu dân của Đan Mạch được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 32% đã được tiêm liều đầu tiên. Frederiksen hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ EU nhất trí tặng tổng cộng 100 triệuliều vaccine COVID-19 cho Covax.

Nhật Bản, quốc gia hiện ghi nhận 718.864 ca nhiễm và 12.312 ca tử vong, đã mở các trung tâm tiêm chủng đại trà đầu tiên để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, hai tháng trước khi Thế vận hội Tokyo bắt đầu. Hai trung tâm do quân đội điều hành ở Tokyo và Osaka sẽ thực hiện hàng nghìn mũi tiêm mỗi ngày.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản bị chỉ trích vì chương trình tiêm chủng chậm chạp. Hiện chỉ có 2% trong tổng dân số 125 triệu người Nhật Bản được tiêm phòng đầy đủ, so với khoảng 40% ở Mỹ và 15% ở Pháp.

Nhật Bản đã chứng kiến đợt bùng phát tương đối nhỏ, với khoảng 12.000 trường hợp tử vong, nhưng sự gia tăng ca nhiễm gần đây khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng căng thẳng. Tokyo, Osaka và 8 khu vực khác đang trong tình trạng khẩn cấp hạn chế hoạt động thương mại cho đến cuối tháng 5, và các biện pháp này có thể được gia hạn thêm ba tuần nữa.

Dư luận phần lớn phản đối tổ chức Thế vận hội vào mùa hè này, nhưng các nhà tổ chức nói rằng sự kiện này có thể được tổ chức một cách an toàn. Phần lớn các vận động viên và những người khác trong làng Olympic sẽ được tiêm phòng trước khi nhập cảnh Nhật Bản, nhưng việc tiêm chủng là không bắt buộc.

Tại Đông Nam Á, Malaysia ngày 23/5 ghi nhận thêm 6.509 ca nhiễm mới và 61 ca tử vong, nâng tổng số ca lên lần lượt 518.600 và 2.309.

Kể từ ngày 25/5, các cửa hàng từ tiện lợi cho tới tiệm giặt là và trung tâm mua sắm ở Malaysia sẽ bị giới thời gian được phép hoạt động từ 8h tới 20h mỗi ngày, thay vì đóng cửa lúc 22h như trước. Các trạm xăng dầu cũng chỉ hoạt động trong thời gian này, trừ những trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.

Malaysia đã tăng hơn 6.000 ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày trong gần một tuần liên tiếp khiến Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) nhất trí thắt chặt kiểm soát đi lại và hạn chế hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, nhằm nỗ lực làm phẳng đường cong dịch.

Thái Lan, báo cáo 132.213 ca nhiễm và 806 ca tử vong vì COVID-19, sau khi ghi nhận 2.713 người nhiễm và 30 người chết trong 24 giờ qua.

Giới chức Thái Lan hôm 23/5 thông báo sẽ siết kiểm soát biên giới sau khi phát hiện các ca nhiễm mang biến chủng COVID-19 lần đầu được ghi nhận ở Nam Phi B.1.351, bắt nguồn từ vượt biên trái phép.

Chính phủ Thái lan khẳng định sẽ tăng cường nhân lực, các trạm kiểm soát và giám sát dọc tất cả biên giới đất liền cũng như yêu cầu quan chức cứng rắn hơn với nạn nhập cư bất hợp pháp.

Huyền Lê (Theo AFPWorldometer)

comment Bình luận

largeer