Thủ tướng yêu cầu tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế đánh giá, có biện pháp phù hợp để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
03/03/2022 16:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại buổi họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ngày 3/3, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều phát biểu, chỉ đạo quan trọng liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết; Bộ Y tế cần đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, đến nay tỷ lệ tử vong/số ca mắc đã giảm. Một khảo sát gần đây nêu tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.

Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia nhận định chưa thể kiểm soát được Covid-19 trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, trong bối cảnh gần đây các ca F0 liên tục tăng nhanh, lây lan rộng ở Hà Nội và hầu khắp các tỉnh, thành. Tuy nhiên, các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin mũi 3 tương đối cao.

Người mắc COVID-19 hiện nay có biểu hiện nhẹ, sức khỏe không quá ảnh hưởng, từ đó có nhiều ý kiến cho rằng nên xem COVID-19 là bệnh thông thường, tránh việc cách ly, gây ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống, xã hội.

Một số chuyên gia y tế đề xuất: "Những người F0 vẫn được đi làm, sinh hoạt bình thường nhưng tuân thủ quy tắc 5k, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc... Những người nào nặng thì đến bệnh viện điều trị".

"Có như vậy thì việc tiêm vắc xin mới phát huy hiệu quả. Hiện nay, hầu hết ca F0 đều rất nhẹ nhưng nếu cứ cách ly như trước chẳng phải việc tiêm vắc xin là như không...", một chuyên gia y tế nêu ý kiến.

Thống kê cho thấy, đợt dịch thứ tư bùng phát từ tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 3,7 triệu ca nhiễm Covid-19; trong đó 2,5 triệu ca được công bố khỏi bệnh.

Cả nước đã tiêm được tổng số 195 triệu liều vaccine. Ở nhóm dân số từ 18 tuổi, số mũi một được tiêm là 70 triệu liều; mũi hai là 67 triệu liều; mũi bổ sung 13 triệu liều; mũi ba 1,4 triệu liều. Ở nhóm trẻ từ 12 - 17 tuổi, đã tiêm được gần 17 triệu liều, trong đó 8,6 triệu liều mũi một; mũi hai 8 triệu liều.

Lập tổ công tác giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine, ổn định giá xăng dầu

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Nhiệm vụ thứ tư là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…

comment Bình luận

largeer