Tình trạng nước mưa ngập trên địa bàn thành phố Hải Phòng: Cần đồng bộ hệ thống thoát nước (kỳ 2)

Ngập úng là “bài toán” không chỉ đơn thuần cần lời giải từ phía các cơ quan chức năng mà cần sự chung tay của cả người dân và doanh nghiệp, phối hợp hành động một cách đồng bộ, giải quyết thực trạng này.
16/01/2024 09:18

Kỳ 2: Giải quyết ngập úng - Đồng bộ các giải pháp

Việc cần làm ngay

Ông Vũ Đức Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng đề xuất: Trước mắt cần đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa dưới lòng đường D1000 - D1500 dài khoảng 600m, nối từ ngã 6 Quán Trữ đến chân cầu Lãm Khê đồng thời nâng cao độ nền đường tại những vị trí có cao độ thấp. Về lâu dài cần đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước đường Trường Chinh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn thoát nước mưa bổ sung cho hệ thống cống hiện trạng đã xuống cấp. Còn tại tuyến đường Trần Tất Văn và một số tuyến trên địa bàn phường Tràng Minh, cần nghiên cứu tách hệ thống thoát nước mưa và nước thải, đồng thời, xây thêm hệ thống thoát nước mưa tại các tuyến, để giảm áp lực tiêu thoát nước mưa từ núi Cột Cờ cho tuyến đường Trần Tất Văn. Với hai tuyến đường Trần Thành Ngọ và Phan Đăng Lưu, đề nghị UBND quận Kiến An cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đoạn từ ngã 4 Hiệu sách đường Trần Thành Ngọ, qua đường Lê Quốc Uy đến chợ Bến Phà thoát ra sông Lạch Tray và Dự án xây dựng hệ thống thoát nước từ đường Phan Đăng Lưu qua đường Hoàng Quốc Việt ra sông Lạch Tray.

Empty
z4933321723066_694a6953d132f48ff2e8124c9040dc36
z4933319762361_2d39bab18d6ddaf5ddce37c146fd2f58

Công nhân công ty Công cộng nạo vét, vệ sinh đường cống thoát nước trên địa bàn

Xác định việc vận hành hệ thống thoát nước là một trong những yếu tố then chốt của công tác thoát nước 4 quận trên địa bàn thành phố. Do đó, Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng đã hợp tác với thành phố Kitakyushu của Nhật Bản để đưa ra bộ quy trình vận hành hệ thống thoát nước: mương, hồ điều hòa, trạm bơm… đảm bảo khoa học, không bỏ sót công việc, đạt hiệu suất cao trong công tác quản lý công việc; Quán triệt cán bộ công nhân viên phải vận hành đảm bảo, đúng quy trình. Thực hiện thường xuyên việc thu dọn bùn, rác miệng ga hàm ếch tại các tuyến đường, xóm ngõ, khu tập thể để đảm bảo việc tiêu thoát nước. Vận hành, bảo dưỡng các cống ngăn triều, trạm bơm nước mưa (Máy Đèn, Vĩnh Niệm), trạm bơm nước thải để điều tiết nước trong mương hồ nhằm ứng phó kịp thời khi có mưa, bão xảy ra. "Cùng với đó, công ty chuẩn bị thực hiện dự án với Ngân hàng thế giới lắp đặt cánh phai chắn ở hai đầu sông Tam Bạc biến sông Tam Bạc thành hồ điều hòa tiêu thoát nước cho khu vực Nhà hàng Gia Viên đến bờ hồ Tam Bạc", chia sẻ của Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng.

Tăng cường các giải pháp trung và dài hạn

Liên quan đến hệ thống thoát nước trên địa bàn quận Kiến An, ông Vũ Đức Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng đề xuất: Thành phố từng bước tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tổng thể. Song song với đó, gấp rút cải tạo một số hệ thống thoát nước tại các điểm ngập lụt cục bộ. Đồng thời, nghiên cứu  bổ sung hệ thống thu gom xử lý nước mưa trên đường Trần Tất Văn.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng mong muốn thành phố tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo một số tuyến cống cũ, bé và sớm triển khai Dự án phát triển hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Hải Phòng, sử dụng nguồn vồn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, sẽ lắp đặt cánh phai tại hai đầu của sông Tam Bạc để đưa đoạn sông trên thành hồ điều hòa điều tiết tiêu thoát nước cho khu vực đô thị lõi của quận Hồng Bàng.

z4929806678009_e2e353494009e10a6bf90925fe29e735

Theo Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/3/2023 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng rõ: Cao độ nền khống chế tính theo mực nước tính toán đối với khu dân cư, khu trung tâm, khu công nghiệp kho tàng là P=1%, khu cây xanh cách ly, công viên, thể dục thể thao  là P=10%. Đối với khu đô thị hiện hữu đã xây dựng ổn định giữ lại cao trình hiện trạng; đối với khu đô thị phát triển mới, khu công nghiệp, kho tàng tần suất P=1% kết hợp giải pháp bố trí trạm bơm và hồ điều hòa. Cùng với đó, đến giai đoạn 2020-2030, bảo đảm 90% đường đô thị có hệ thống thoát nước mưa, giai đoạn 2030-2040, đảm bảo 100% đường đô thị có hệ thống thoát nước mưa.

Theo thông tin từ Sở Xây Dựng, định hướng quy hoạch thành phố Hải Phòng tại Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện hiệu quả, phù hợp và đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị hóa của thành phố, ngày 16/6/2023 UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND triển khai thực hiện các quy hoạch sau điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị - chuyên ngành thoát nước thải đô thị, và Điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị - chuyên ngành quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, cần triển khai thực hiện và hoàn thành giai đoạn năm 2023-2024 làm cơ sở đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường tiêu thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có tính đến sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên địa bàn thành phố theo đúng định hướng: Bố trí không gian giữ nước, các hành lang xanh ven sông và kênh rạch chính ở khu vực phát triển đô thị; xây dựng mới các hồ điều hòa, bảo đảm đất mặt nước đạt từ 8%-10% tổng diện tích đất xây dựng trong đô thị; tăng khả năng điều hòa nước tại chỗ kết hợp với tiêu động lực. Gắn phát triển đô thị mới với việc xây dựng bổ sung hồ điều hòa cho đô thị. Xác định 07 lưu vực thoát nước chính, hướng thoát nước mặt ra các tuyến sông Đá Bạc, sông Cấm, sông Lạch Tray, sông Văn Úc, sông Thái Bình, sông Hóa thoát ra biển. 

Như vậy, trước mắt, để giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ sau những cơn mưa lớn, kéo dài, các công ty quản lý tăng cường công tác nạo vét, tu sửa hệ thống thoát nước tránh để chất bẩn, rác thải gây ách tắc dòng chảy. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác ra các hồ điều hòa, xả chất bẩn xuống hệ thống thoát nước, thiết thực chung tay vào việc giải quyết tình trạng ngập lụt hiện nay. Về lâu dài, thành phố Hải Phòng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, chỉ đạo các sở, ban, ngành sớm thực hiện theo đồ án quy hoạch hạ tầng cao độ nền và thoát nước mặt để cùng giải quyết triệt để tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố khi có mưa lớn.

Thanh Thương - Đăng Huỳnh

comment Bình luận

largeer