Tình yêu đã chôn chặt cùng với tuổi thanh xuân của cô gái thủ tiết chờ người yêu Liệt sĩ

Cô thôn nữ ở miền sơn cước Hà Tĩnh đem lòng yêu một người lính. Chưa kịp nói lời thương, chàng trai đã phải cầm súng ra trận. Tình yêu lớn dần trong mưa bom, bão đạn nhưng chàng trai ấy đã một đi không trở lại, để người con gái thủ tiết chờ đợi suốt 55 năm qua.
29/07/2024 08:22

Tình yêu đã chôn chặt cùng với tuổi thanh xuân

Cô thôn nữ năm nào với câu chuyện tình yêu cảm động ấy, bây giờ là bà Cao Thị Hoá - người hơn 55 năm qua vẫn thủ tiết chờ người yêu đã hy sinh.

Cô sinh ra tại quê nghèo xóm Kim Thành, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cô Hoá đem lòng yêu chàng trai khôi ngô, tuấn tú Nguyễn Mai Tán.

“Tôi thương lắm, gia đình anh ấy rất hoàn cảnh, anh mất mẹ từ sớm, ở với cha, nhà có hai anh em thì đều ra chiến trường và hy sinh”, bà Hoá bùi ngùi tâm sự.

Empty

Hình ảnh phục dựng Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán

Tình yêu đã chôn chặt cùng với tuổi thanh xuân mà cô gái miền sơn cước Cao Thị Hoá dành cho Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán. Suốt những lá thư gửi đi theo năm tháng không có hồi đáp. Ngày nhận giấy báo tử của anh, cả gia đình như chết lặng, cô Hoá xin bố mẹ được chịu tang anh và gói lại tình yêu cùng nguyện ước đợi anh về “Mình cùng làm đám cưới nha em”.

Khi Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán hy sinh, cô gái Cao Thị Hoá mới tròn 23 tuổi. Độ tuổi xinh đẹp nhất của một người con gái nhưng cô nguyện một lòng vì người mình thương yêu.

Thế nhưng chiến tranh đã khiến giấc mơ bình dị ấy không thể trở thành hiện thực. Lời hẹn của anh Nguyễn Mai Tán đang còn dang dở, ước mơ về ngày đoạn tụ gia đình đã không còn nữa. Năm 1967, đồng chí Nguyễn Mai Tán đã anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường.

Anh đã mãi mãi không trở về...

Cô gái trẻ như hóa đá khi cầm trên tay tờ giấy báo tử của người yêu. Cô gục ngã, chông chênh nhưng rồi tự vực mình dậy...

Chưa một ngày được sống nghĩa vợ chồng, cũng khao khát có với nhau một đứa con nhưng có lẽ trong vô vàn những nỗi đau đã trôn vùi cùng với tuổi thanh xuân của người con gái ấy là niềm khát khao nhỏ nhoi...

Empty
Empty

Tấm ảnh đã sờn cũ chụp bà Cao Thị Hoá và Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán khi còn trẻ

“Ai cũng có cảm giác cảm xúc thế. Mình nghĩ cuộc đời mình kết thúc ở đây rồi. Tại tôi dại, nhút nhát, nếu không mà có đứa con tôi cũng sẵn sàng dù có cưới hay là không cưới. Rất nhiều người hỏi cưới nhưng tôi nguyện ở vậy”, nói rồi nước mắt bà Hoá chan hoà.

Thời gian bà Hoá bên người yêu chỉ tính bằng ngày, bằng giờ, bằng tháng nhưng nỗi nhớ nhung, khắc khoải, chờ đợi thì kéo dài mấy chục năm. Câu chuyện tình yêu của họ thật giản dị, chân thật và vô cùng xúc động. Họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng mình, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, đấu tranh vì hòa bình và độc lập dân tộc.

Kỷ vật duy nhất là 2 tấm ảnh

Năm tháng chồng chất năm tháng, cô gái trẻ trung ngày nào giờ đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, tóc đã bạc hết mái đầu. Bà Cao Thị Hoá nay đã 78 tuổi vẫn ngày đêm thui thủi với căn nhà do chính bố đẻ và bố của Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán xây dựng nên. 55 năm đã trôi xa, bà vẫn ôm di ảnh người thương để sống.

Empty

Bà Cao Thị Hoá hiện đã 78 tuổi

Chọn cuộc sống chăn đơn gối chiếc, hàng ngày lẻ bóng nhưng chưa một lần bà than thở nuối tiếc. Bà cất giữ những kỷ niệm về người yêu như cất giữ những báu vật. Nhìn lên bàn thờ có mỗi bát nhang, bà rơi lệ: “Kỷ vật duy nhất của anh mà tôi còn giữ được là tấm ảnh chân dung của anh và tấm ảnh chúng tôi chụp chung”, bà chia sẻ.

Từ đó bà chỉ còn bức ảnh truyền thần của người yêu đã hy sinh. Ký ức, kỷ vật ít ỏi nhưng là nhựa sống cho bà suốt 55 năm qua. Chính kỷ niệm tình yêu với người bà chưa một lần được gọi là chồng đã giúp bà vượt qua bao cô đơn, tủi hờn trong cuộc sống...

Empty

Chàng trai Khuất Văn Hoàng - người phục dựng ảnh chụp bà Cao Thị Hoá và Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán khi còn trẻ

Chàng trai Khuất Văn Hoàng đã mang đến trao tận tay bức ảnh người yêu của bà được phục dựng lại để bà có thêm nghị lực tiếp tục cuộc sống hiu quạnh. Khi đã hoàn thành 2 tấm ảnh: anh trai Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán là Liệt sĩ Nguyễn Mãn và Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán được đặt trang trọng trên bàn thờ, ai ai trong gia đình cũng khóc cạn hết nước mắt.

Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ngần ấy thời gian, người lính ra đi vì nghĩa lớn nhưng bà Hoá vẫn trọn vẹn một lời thề thủy chung son sắc.

z5676561464182_37196317e84972c6628074170d350619_450x600

Chàng trai trẻ Khuất Văn Hoàng và bà Nguyễn Minh Đức chụp ảnh tại nhà bà Cao Thị Hoá

Bà Nguyễn Minh Đức, con Liệt sĩ Nguyễn Mãn chia sẻ: “Cha đi bộ đội khi tôi 2 tuổi, rồi được lệnh đi vào miền Nam chiến đấu, khi tôi là con gái đầu được 3 tuổi, còn em gái Nguyễn Mỹ đang còn trong bụng mẹ. Đi đến đâu cha cũng gửi thư về cho ông nội và 3 mẹ con. Từ năm 1965 đến năm 1970, gia đình không còn nhận được thư của cha. Lá thư cuối cùng cha viết là vào ngày 20/8/1965. Cha tôi hy sinh ngày 18/9/1965 mà mãi đến năm 1970 gia đình mới nhận được giấy báo tử. Chị em tôi đã đi tìm mộ nhưng đều chưa tìm được. Đến nay, gia đình được Khuất Văn Hoàng phục dựng cho ảnh cha Nguyễn Mãn và chú Nguyễn Mai Tán thật tuyệt vời. Nguyện vọng của con gái đã toại nguyện dù là không nhớ hình ảnh của cha vì lúc đó còn quá nhỏ nhưng nay đã có ảnh để thờ, có hình bóng cha để tưởng nhớ”.

Chàng trai Khuất Văn Hoàng chia sẻ: “Hành trình này kéo dài suốt 6 tháng và 450 km. Bức ảnh chụp chung của cô Hoá với Liệt sĩ Nguyễn Mai Tán được cô giấu kỹ đến hôm vừa rồi mới mang ra. Khi nghe cô nói ‘…giá như cô và bác bạo dạn hơn có 1 người con’... và cô chỉ xin tấm ảnh để trong phòng ngủ mỗi lần nhớ bác đều thấy bên mình... thực sự tôi không kìm được nước mắt. Cơ duyên để mọi người biết tôi là dịp Tết cô Nguyễn Minh Đức có nhắn tin nhờ làm ảnh tôi có trao tặng gia đình Liệt sĩ Nguyễn Mãn. Tuy nhiên vừa rồi có chuyến công tác ở Hà Nội vào Nghệ An, Hà Tĩnh. Tôi có ghé thăm cô Đức ở Nghệ An và đón cô vào Hương Sơn, Hà Tĩnh thắp hương cho Liệt sĩ và thăm gia đình. Khi kể chuyện thì cả cô Đức và em gái đều bật khóc. Vì bố ra chiến trường khi cô Đức mới 3 tuổi, em gái chưa biết mặt bố, tấm ảnh cũng cũ nát giờ đây mới biết hình hài bố mình như nào rồi nước mắt của hai cô cứ chảy dài. Khi chứng kiến tôi cũng nghẹn ứ cổ họng và không nói nên lời. Ngày giúp gia đình cô Đức tôi vẫn còn đang đi học phải tận dụng hết số buổi nghỉ học dù ốm không dám nghỉ để 3 ngày phép nghỉ vào Nghệ An thăm và gửi ảnh cho gia đình”.

Nguyễn Trang - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer