Tổng kết năm học 2022-2023: Nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố.
19/08/2023 08:58

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện việc triển khai nhiệm vụ năm học trong năm vừa qua, những giải pháp khắc phục những vấn đề còn bất cập và các nhiệm vụ lớn để thực hiện thành công kế hoạch năm học mới và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của ngành. Lắng nghe các ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu đánh giá về những kết quả, cũng như những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đã làm được của địa phương và trên cơ sở đó tham góp các giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học tới.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Vượt khó hoàn thành các nhiệm vụ năm học

Báo cáo kết quả năm học 2022-2023, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GDĐT”, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Bộ GDĐT đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn tiện GDĐT nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được. Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn, nghiêm túc đánh giá kết quả và tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GDĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GDĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GDĐT. Đồng thời, Bộ GDĐT đã tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GDĐT vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Các địa phương và các cơ sở giáo dục đã phát huy tính chủ động, linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ giáo viên đã cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi của khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Đối với giáo dục đại học, thêm một năm học, tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GDĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026. Bộ GDĐT cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương hiện nay.

Đặc biệt, Bộ GDĐT đã trình và đã được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trong năm học 2022-2023, toàn ngành đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, trước thềm năm học mới 2023-2024, Bộ GDĐT lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023”. Đây là dịp để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước với khoảng 40 nghìn điểm cầu và hơn 1 triệu nhà giáo.

Trong năm học 2022-2023, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học đạt được nhiều kết quả cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: tình trạng thiếu giáo viên; tình trạng thiếu trường lớp, quá tải tại các trường học tại các thành phố lớn, các khu đông dân cư; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả; tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận; và vẫn còn đầy thách thức, nhiều khó khăn khác cần tiếp tục nhận diện, có giải pháp phù hợp để khắc phục trong thời gian sắp tới…

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ trọng tâm với với chủ đề năm học là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Từng bước tháo gỡ khó khăn thực hiện đổi mới giáo dục

Tại hội nghị, đại biểu đến từ địa phương, các bộ, ngành, trường đại học đã có các tham luận, trao đổi xung quanh các vấn đề về cơ chế, chính sách nhà giáo; chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc, miền núi; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thúc đẩy xã hội học tập; phát triển giáo dục đại học…

Nhận định ngành giáo dục và đào tạo năm học vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết: Xác định giáo dục là quốc sách và cần đầu tư, phát triển, ngay đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã triển khai hiệu quả những nghị quyết, đề án, chính sách của trung ương, địa phương về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Mạng lưới, quy mô lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý, thu các điểm lớp lẻ về điểm trường chính. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ngày càng tăng lên.

Đối với giáo dục phổ thông, tỉnh Yên Bái đã triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo đúng lộ trình. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tại địa phương, tỉnh Yên Bái đã triển khai các giải pháp như giáo viên biệt phái, giáo viên dạy liên tỉnh, thu hút tuyển dụng đối với các giáo viên trẻ, tổ chức đào tạo cử tuyển ngành sư phạm.

Đối với giáo dục đại học, tỉnh Yên Bái thực hiện sát nhập các trường, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm phát triển nguồn nhân lực vùng. Với 100% các cơ sở giáo dục thực hiện chuyển đổi số, ngành giáo dục là đơn vị đi đầu về chuyển đổi số tại tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành giáo dục Yên Bái cũng đứng trước những thách thức trong việc tuyển dụng giáo viên, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ vùng sâu, vùng xa; chính sách đặc thù cho học sinh miền núi; in ấn, phát hành tài liệu địa phương cho Chương trình GDPT 2018…

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chia sẻ: Năm học 2022-2023 được xem là một năm ngành giáo dục Thủ đô đạt được kết quả cao ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với gần 2,2 triệu học sinh, tỉ lệ tăng dân số cơ học nhanh, Hà Nội đề nghị với Chính phủ những chính sách về quỹ đất dành cho giáo dục và nới mở những quy định về số tầng, số lớp trên đơn vị đất, đơn vị trường được thực hiện, xây dựng để tháo gỡ những bất cập thời gian qua.

Với số học sinh dân tộc thiểu số chiếm 58,4% tổng số học sinh toàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc thông tin: Năm học vừa qua, công tác đổi mới, quản lý đối với các đơn vị liên quan đến ngành giáo dục của địa phương được nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội. Năm học vừa qua, tỉnh Kon Tum thực hiện kiên cố hóa đối với 312 phòng học, giảm 29% số phòng học tạm trên địa bàn.

Đề cập đến những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh Kon Tum, bà Y Ngọc cho hay: Hầu hết giáo viên vùng sâu, vùng xa đều thiệt thòi về nhà ở. Việc duy trì học sinh vùng dân tộc thiểu số đến trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt là học sinh cấp trung học cơ sở. Bên cạnh đó, những chính sách về hỗ trợ học phí cho học sinh, chính sách đặc thù cho giáo viên, tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập.

Nhấn mạnh hành trình tự chủ đại học thời gian qua có nhiều kết quả rất tích cực, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân nhận định: chất lượng đào tạo giáo đục đại học đã không ngừng được cải tiến với nhiều minh chứng cụ thể về số lượng công bố quốc tế, số lượng chương trình được kiểm định quốc tế và số trường đại học có tên trên bảng xếp hạng quốc tế đều tăng nhanh.

Tại Việt Nam, thời gian qua giáo dục đại học cũng đứng trước những thách thức rất lớn, chủ yếu liên quan đến tài chính đại học. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, nếu không có giải pháp đồng bộ về vấn đề này sẽ giới hạn tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời điều này cũng khiến các trường đại học chạy theo các ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực phát triển quốc gia trong tương lai.

Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm học 2022- 2023 với điều kiện hết sức khó khăn, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cũng đánh giá cao sự lắng nghe, cầu thị của Bộ GDĐT trong quá trình triển khai năm học vừa qua. Đặc biệt, chương trình gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các nhà giáo được nguyên Phó Chủ tịch nước đánh giá là “cuộc đối thoại dũng cảm” khi những vấn đề bất cập, tồn tại hiện nay của ngành giáo dục được nêu và trao đổi thẳng thắn.

Đối với những tồn tại, bất cập, bà Nguyễn Thị Doan cho rằng: Bộ GDĐT cần sớm có những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động thật cẩn thận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp để biết được thực chất của sự đổi mới với học sinh, giáo viên như thế nào. Bên cạnh đó, những bất cập về tự chủ đại học, giáo dục đại học, chính sách phát triển, thu hút sinh viên ngành khoa học cơ bản, triển khai, nhân rộng học tập suốt đời, quan tâm đến giáo dục thường xuyên… cũng được bà Nguyễn Thị Doan đề cập.

Kết quả giáo dục đóng góp vào thành quả chung của đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Cụ thể, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo Nghị quyết 29 được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả. Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì và nâng lên.

Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhiều đổi mới, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Năm học 2022-2023, mặc dù phải đối mặt với rất gặp nhiều khó khăn, thách thức - nhất là sau đại dịch Covid-19 ngành Giáo dục đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được; nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc, ra sức phấn đấu và đạt nhiều kết quả nổi bật.

Một số kết quả cụ thể được Thủ tướng dẫn ra như: Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển GDĐT tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng; chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao; Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng công phu, nghiêm túc, triển khai ở tất cả các cơ sở giáo dục, bước đầu mang lại chuyển biến tích cực; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên lan toả tích cực…

“Thay mặt Chính phủ, tôi đánh giá cao, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GDĐT trong năm học 2022-2023 và thời gian vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp thành quả chung của đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ ra một số tồn tại hạn chế, cùng với nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng lưu ý 6 vấn đề ngành Giáo dục cần tập trung triển khai trong trước mắt và lâu dài. Đó là: Kiên trì, kiên quyết không để ma tuý vào trường học; khắc phục tình trạng bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh; sách giáo khoa phải đổi mới nhưng đảm bảo chuản mực, ổn định phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa giáo dục đại học, cao đẳng, thường xuyên; rà soát môn học giáo dục công dân trong trường phổ thông; có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học tạo vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GDĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, bảo đảm đầy đủ, toàn diện, nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.

Đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non, trang bị cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học đang bị thiếu, xuống cấp, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp từng địa phương. Sớm thống nhất về tăng phụ cấp cho giáo viên.

Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành cùng ngành Giáo dục, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo đồng thuận xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.

Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022-2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đối để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề.

Đối với các địa phương, Thủ tướng chỉ đạo, cần chú trọng tới lĩnh vực giáo dục và đào ạo trên địa bàn, có chiến lược, kế hoạch, chương trình, bố trí con người, nguồn lực cho giáo dục, để vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa phát triển giáo dục lâu dài.

Gửi gắm tới các thầy cô giáo và các cháu học sinh, sinh viên, Thủ tướng chia sẻ: Giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách “dạy chữ, dạy người” cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi cán bộ công chức, viên chức làm công tác giáo dục, đào tạo; mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, cần nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt.

Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập. Phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi - không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sẽ lĩnh hội, quán triệt và triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.Đặc biệt là những lưu ý về những điểm còn cần phải khắc phục.

Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, chỉ đạo. Cảm ơn các bộ, ban, ngành trung ương đã phối hợp và hỗ trợ. Cảm ơn các địa phương, các tỉnh/thành phố đã quan tâm và ra sức triển khai các nhiệm vụ trong kế hoạch thường xuyên, cũng như các nhiệm vụ đổi mới. Đồng thời, ghi nhận và cảm ơn các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nưđã nỗ lực, cố gắng, sáng tạo và đổi mới.

12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. 5. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.

6. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

7. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

8. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.

9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

11. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

12. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer