TP. HCM không lơ là, chủ quan trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Ngày 13/6, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã làm việc tại TP. HCM về chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
14/06/2023 08:54

Tại đây, Bộ trưởng đã tới kiểm tra công tác chuẩn bị tại Điểm thi Trường THPT Trưng Vương, Trường Trung học thực nghiệm Sài Gòn, điểm in sao đề thi và làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 TP. HCM.

Cùng làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 TP. HCM và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Làm thi không sáng tạo, bám sát đúng quy chế, quy định của Bộ GDĐT

Điểm thi Trường THPT Trưng Vương có 30 phòng thi với số thí sinh dự thi là 675 thí sinh, điểm thi không có thí sinh tự do. Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ GDĐT, thầy Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phương án dự phòng, máy phát điện, vị trí để đồ của học sinh đảm bảo cách 25m theo quy định…

Điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn có 20 phòng thi với 418 thí sinh dự thi. Công tác chuẩn bị của điểm thi cũng đã hoàn tất và sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tại các điểm thi, Đoàn công tác của Bộ GDĐT đã có những trao đổi, lưu ý liên quan đến công tác ôn tập, bù đắp kiến thức cho học sinh; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là những điều kiện cần thiết như máy phát điện, phòng y tế…; tập huấn cho đội ngũ làm thi…

Bộ trưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn. Ảnh: Trung tâm truyền thông giáo dục

Bộ trưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường Trung học thực hành Sài Gòn. Ảnh: Trung tâm truyền thông giáo dục

Báo cáo với Đoàn công tác về công tác chuẩn bị của TP. HCM, Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi của thành phố được thực hiện chặt chẽ, chu đáo theo đúng quy chế, hướng dẫn của Bộ GDĐT. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo từ sớm với thành phần gồm lãnh đạo các sở/ngành, UBND 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Thành phố vừa hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với quy mô 86.000 thí sinh, gần tương đương với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT - đây được coi là cuộc tập dượt trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trưởng điểm thi tuyển sinh lớp 10 cũng sẽ là trưởng điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp tới đây.

Thành phố đã thực hiện quy hoạch các điểm thi. Theo đó, năm 2023, TP. HCM có 156 Điểm thi, trong đó có 71 Điểm thi có thí sinh tự do. Toàn thành phố có 85.453 thí sinh THPT, 9.194 thí sinh giáo dục thường xuyên và 3.373 thí sinh tự do sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Kỳ thi năm nay, TP. HCM có 9.985 thí sinh miễn thi ngoại ngữ.

Thành phố dự kiến huy động gần 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi. Trong đó khoảng 11.280 cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi và 2.370 nhân viên phục vụ tại các điểm thi. Riêng lực lượng công an tham gia làm nhiệm vụ tại Kỳ thi khoảng hơn 400 người.

Các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi. Giám đốc Sở GDĐT TP. HCM cho biết, đã làm việc với Điện lực để đảm bảo không bị gián đoạn về điện trong những ngày tổ chức thi. Sở Giao thông Vận tải thành phố cũng đã bố trí phà riêng để đảm bảo qua phà Cần Giờ không bị ách tắc trong những ngày diễn ra Kỳ thi.

“Ban Chỉ đạo thi thành phố quán triệt chung đến các Hiệu trưởng nhà trường, làm thi không sáng tạo, bám sát đúng quy chế, quy định của Bộ GDĐT. Mỗi điểm thi đều có một tập tài liệu đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đảm bảo tất cả các quy trình đúng quy định”, Giám đốc Sở GDĐT TP. HCM Nguyễn Văn Hiếu cho hay.

Không chủ quan, chuẩn bị càng chu đáo càng có điều kiện làm tốt

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi TP. HCM, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Hàng năm ngành Giáo dục có nhiều kỳ thi, riêng Kỳ thi tốt nghiệp THPT có quy mô, tính chất quan trọng, diễn ra đồng thời cùng thời điểm trên toàn quốc. Do đó, làm thật tốt các khâu trở thành yêu cầu rất cao đối với cả hệ thống từ Ban chỉ đạo quốc gia đến các Ban Chỉ đạo tác nghiệp các địa phương.

Theo Bộ trưởng, một trong những khâu quan trọng quyết định thành công của Kỳ thi là công tác chuẩn bị toàn diện, mọi mặt các điều kiện. “Năm nào cũng thi nhưng năm nào cũng phải nhắc nhau cẩn thận, chuẩn bị với điều kiện tốt nhất”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời đánh giá: qua kiểm tra tại điểm thi, địa điểm in sao đề thi và qua báo cáo, trao đổi của Ban Chỉ đạo thi thành phố, tổng quan cho thấy thành phố đã xác định được tầm quan trọng của Kỳ thi và đã tích cực, chủ động, chu đáo và nghiêm túc trong công tác chuẩn bị Kỳ thi.

Với số lượng thí sinh dự thi, điểm thi lớn, khối lượng công việc nhiều, Bộ trưởng mong TP. HCM sẽ tiếp tục rà soát các công tác chuẩn bị, đặc biệt là công tác phối hợp chuyên môn giữa các cấp, ngành. “Không thể chủ quan, cố gắng không phát sinh gì. Chuẩn bị càng chu đáo sẽ càng có điểu kiện làm tốt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi TP. HCM lưu ý đặc biệt cho khâu tập huấn đối với cán bộ làm thi. Với những thầy cô đã có kinh nghiệm nhiều năm tham gia vẫn phải tập huấn đầy đủ, tránh tâm lý càng tham gia nhiều càng chủ quan, dù cán bộ làm thi cũ hay mới đều phải tập huấn như nhau, bao gồm cả lực lượng dự phòng. Trong các khâu tập huấn cho cán bộ coi thi, cần lưu ý tới phòng chống gian lận sử dụng công nghệ cao.

Về chuẩn bị cơ sở vật chất cho Điểm thi, Bộ trưởng lưu ý tới việc chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, quạt, đảm bảo thông thoáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, khoảng cách nơi để đồ dùng của học sinh… theo đúng quy định.

Riêng với công tác in sao đề thi, lấy ví dụ về trường hợp in mờ đề thi xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới đây của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng yêu cầu ưu tiên đầu tư trang thiết bị tốt. Theo Bộ trưởng, máy móc chuẩn bị chu đáo, kết hợp với con người cẩn trọng kiểm tra mới yên tâm được.

Đối với việc ôn tập, bổ trợ kiến thức cho học sinh trong giai đoạn còn một vài tuần nữa đến kỳ thi, Bộ trưởng đề nghị, Ban Chỉ đạo thi thành phố lưu ý các nhà trường tận dụng thời gian còn lại để hỗ trợ cho học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, có học lực chưa thật yên tâm, ôn luyện để các em thi tốt nhất, bởi lứa học sinh dự thi năm nay là những em chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.  

Việc kiểm tra, nhắc nhở thí sinh khi các em vào phòng thi để tránh các sơ suất không đáng có cũng được Bộ trưởng lưu ý với nhấn mạnh, khâu nhắc nhở, kiểm tra làm kỹ cũng không thừa.

Bộ trưởng cũng đã có một số lưu ý liên quan tới công tác y tế và công tác an ninh, an toàn. Theo đó, mặc dù đã trong trạng thái mới, những vẫn phải đề cao những biện pháp phòng chống dịch bệnh, dự phòng các tình huống phát sinh và lưu tâm tới sức khoẻ cho cả cán bộ làm thi và học sinh. Với TP. HCM một trong những vấn đề cần lưu ý là giao thông đi lại trong những ngày diễn ra kỳ thi, cố gắng đảm bảo không thí sinh nào đến muộn do kẹt xe, tắc đường.

“Mong các đơn vị tập trung hỗ trợ. Tinh thần tổng quan là đúng kịch bản, đúng trách nhiệm từng khâu, từng việc”, Bộ trưởng nói, đồng thời nhắc tới một số chữ “thông” trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Đối với cán bộ làm thi phải thông thạo; đối với thí sinh là thông tỏ các quy định trong quy chế; giao thông phải thông suốt; chủ động trong truyền thông; liên lạc trong chỉ đạo từ Bộ đến Ban Chỉ đạo địa phương tới Điểm thi thông suốt và vượt lên mọi thứ, Kỳ thi phải đảm bảo thông thường.

Cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo, trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác Bộ GDĐT, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức, Trưởng Ban Chỉ đạo thi TP. HCM cho biết: Việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất. Dù là việc “đến hẹn lại lên” nhưng thành phố sẽ làm với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, để xã hội yên tâm.

Trung tâm Truyền thông giáo dục

comment Bình luận

largeer