Tranh cãi đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội: 'Nói mãi ý tưởng cũ'

Đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội đang gây tranh cãi, tuy nhiên theo các chuyên gia đây là ý tưởng cũ và đưa ra đề xuất nhiều lần.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
28/10/2021 08:53
Tranh cãi đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội.

Tranh cãi đề xuất lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội.

Dư luận đang xôn xao về thông tin Hà Nội đề xuất đặt 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô, gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu đây là ý tưởng cũng từng được đề xuất từ nhiều năm trước đây, được lặp đi lặp lại và vấp phải nhiều phản đối từ các chuyên gia giao thông và người dân.

Ý tưởng cũ được đề xuất lặp đi lặp lại

Một chuyên gia giao thông chia sẻ: Đây là ý tưởng cũ, từng được Sở GTVT Hà Nội đưa ra nhiều lần xong không có tính khả thi bởi hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

"Trước đây Hà Nội cũng đưa ra ý tưởng hạn chế xe máy đi vào nội đô, giờ lại đến lượt lập trạm thu phí ô tô... người dân lấy tiền đâu mà chi phí?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, nên ủng hộ tất cả các đề xuất giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đề xuất phải hợp lý, có tính khả thi.

Với đề xuất lập trạm thu phí vào nội đô, ông Liên nói, đây không phải là đề xuất mới được đưa ra và trước đây, ông đã có ý kiến về việc này.

đề án lập trạm thu phí chưa thể làm được bởi hiện hạ tầng giao thông của thủ đô còn rất yếu, kém, ùn tắc giao thông thường xuyên, các phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng các dự án như đường sắt còn kéo dài và muốn thực hiện đề án này phải đi kèm với các đề án thành phần khác. Do đó, việc thực hiện đề án này phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ và có thời gian chuẩn bị cho chu đáo", ông Liên nêu.

Ông Liên cũng dẫn chứng tại nhiều nước phát triển như Singapore cũng đã triển khai thu phí và đạt được hiệu quả. Khi xe được gắn thẻ thu phí lưu thông qua trạm thì sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản ngân hàng. Thậm chí, lái xe có thể lựa chọn đi trên làn đường 80 hay 100km/h, có giá tiền khác nhau.

"Tuy nhiên, Singapore áp dụng công nghệ 4.0, giao thông thông minh để điều hành hệ thống giao thông đô thị cũng như thu phí nên rất thuận tiện, đi lại không bị ùn tắc.

Trong khi đó, mình lại đề xuất lập 87 trạm thu phí thì tôi thấy không ổn và chưa thực sự phù hợp với phát triển thành phố thông minh.

Chưa kể, chủ trương này động chạm trực tiếp đến quyền lợi của người dân, do đó, phải có sự đánh giá bằng thăm dò dư luận xã hội kết hợp tuyên truyền để người dân thông suốt, ủng hộ.

Song muốn người dân ủng hộ thì phải có điều kiện về phương tiện giao thông công cộng cần đáp ứng được nhu cầu của họ", ông Liên nói thêm.

Không có tính khả thi

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng: Việc thực hiện quy hoạch một cách đồng nhất giao thông nội đô Hà Nội, tức, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc và nâng cao phương tiện công cộng là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, việc triển khai phải có lộ trình, mục đích và đích đến chứ không nên làm một cách lan man, không có cơ sở khoa học, thực tiễn.

"Cá nhân tôi cho rằng, việc đề xuất tổ chức các trạm thu phí xe ô tô vào nội thành Hà Nội, dù có là trạm không dừng cũng hơi vội vàng, nếu không muốn nói thiếu hợp lý, thiếu tính khả thi, chưa đúng với tình hình thực tế ở thủ đô. Chúng ta cần phải có sự đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ căn cứ khoa học, thực tế", TS Thủy nói.

Ông phân tích, thực tế, một số nước trên thế giới có thực hiện việc thu phí vào trung tâm thành phố trong các giờ cao điểm. Song, đa phần các nước này, hệ thống giao thông công cộng đều phát triển tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, ở Hà Nội, hiện nay, có đến 80 - 90% người dân phải dùng các phương tiện cá nhân để di chuyển còn các phương tiện công cộng mới chỉ chiếm khoảng 10% và không đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự thuận tiện với người dân.

"Nếu chúng ta hạn chế phương tiện cá nhân thì người dân đi bằng gì? Giao thông công cộng của thủ đô hiện đáp ứng đến đâu? Xe buýt có đúng giờ không? Đường sắt đô thị hiện nay ra sao rồi? Một tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cả chục năm nay chưa có cho người dân đi rồi tuyến Nhổn - ga Hà Nội vẫn đang chậm tiến độ. Nhìn tất cả lại mới thấy, hiện nay, giao thông công cộng của Hà Nội còn quá nhiều vấn đề.

Do đó, tôi cho rằng, chưa nên nghĩ đến việc thu phí phương tiện vào nội đô của người dân", TS Thủy nêu và thông tin, từ đầu năm 2012, lãnh đạo Bộ GTVT lúc đó cũng từng đề xuất phương án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm nhưng chưa thực hiện được.

Vị chuyên gia này đề nghị, trong thời điểm hiện tại và sắp tới, thay vì đề xuất lập trạm thu phí, Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, để đáp ứng được nhu cầu của người dân.

"Đến khi nào mà các tuyến đường sắt đô thị hoạt động, kết nối tốt việc đi lại, xe buýt chạy đúng giờ, thuận tiện cho người dân thì chúng ta hãy nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân.

Đồng thời, tôi cũng nghĩ rằng, khi phương tiện công cộng đáp ứng được tốt nhu cầu người dân thì tự động họ sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân", TS Thủy nêu thêm.

comment Bình luận

largeer