Từ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức rõ hơn về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2021), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
08/08/2021 11:07

 Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2021), trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Thế giới đang chứng kiến hàng loạt biến động, bất an do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên khắp hành tinh, nhưng nhân dân ta vẫn đang có được cuộc sống, lao động và học tập trong môi trường an toàn, an tâm, an ninh, tự do và hạnh phúc. Qua đó, chúng ta càng thấm thía hơn về giá trị của chủ nghĩa xã hội và niềm tin sâu sắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn. Bài viết có tác động to lớn, sâu rộng đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với tiêu đề giản dị: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhưng bài viết đã bao hàm tất cả những vấn đề cơ bản, cốt lõi về tư tưởng, lý luận, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trên cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Bài viết đã có những kiến giải sâu sắc về: Tính tất yếu Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Chủ nghĩa xã hội là gì; Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Ý nghĩa thực tiễn đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra.

tong bi tu nguyen phu trong

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

  • Tính tất yếu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chống ngoại xâm theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau tuy phát triển mạnh mẽ, nhưng đều thất bại. Trong bối cảnh đó, người thanh niên xứ Nghệ - Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) lên đường sang phương Tây tìm đường cứu nước. Sau 10 năm bôn ba (1911 – 1920), Người đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc – con đường cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Suốt 10 năm tiếp theo (1920 – 1930), Nguyễn Ái Quốc đã tìm cách đưa con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn vào Việt Nam. Thông qua các hoạt động viết báo, truyền bá lý luận cách mạng, xuất bản sách, huấn luyện và đào tạo cán bộ, sau đó đưa về nước hoạt động cách mạng… Đầu năm 1930, những tư tưởng, lý luận cách mạng đó đã “thấm nhuần” trong phong trào cách mạng Việt Nam dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cộng sản Việt Nam luôn khẳng định con đường đi lên của cách mạng Việt Nam: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng cộng sản và của nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

Thực tiễn Việt Nam đã chứng minh việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản, tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, với ý nguyện của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã từng bước giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập dân tộc, thống nhất, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và thắng lợi bước đầu của công cuộc đối mới đất nước hiện nay. Bằng những luận cứ khoa học, thực tiễn, Tổng Bí thư đã có những phân tích sắc bén, mang tính thuyết phục về xu thế phát triển của thời đại và tính tất yếu, khách quan lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến nhiều biến động: Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu, phong trào cách mạng thế giới thoái trào..., trong khi đó, “chủ nghĩa tư bản nhờ có những điều chỉnh trong chính sách đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sản xuất, phát triển khoa học công nghệ”. Mặc dù có những bước tiến bộ, nhưng chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó: Các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, xã hội y tế, năng lượng, lương thực, môi trường… Đặc biệt là cuộc khủng hoảng về y tế hiện nay khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp các nước trên thế giới đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội loài người. Qua đó đã “phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc…”

Từ những phân tích nêu trên, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Những giá trị mà nhân dân ta cần ở đây là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội,.. sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên,… cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đó cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

  • Chủ nghĩa xã hội là gì?

Qua thực tiễn đổi mới, cho đến nay chúng ta đã dần hình thành nhận thức tổng quát về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải một cách tổng quát về chế độ xã hội chủ nghĩa là một chế độ xã hội mang bản chất tốt đẹp, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm, dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn so với các xã hội cạnh tranh nhằm chiếm đoạt lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm. “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.

  • Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Xuất phát từ thực tiễn đổi mới, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã có bước đột phá, sáng tạo khi đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.”

Phát triển kinh tế thị trường phải gắn liền với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kinh tế thị trường có vai trò trong phân bổ hiệu quả nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất, nhưng mặt trái của nó là phân hóa giàu nghèo, gây nên các bất công xã hội…

Cùng với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người.

          Về xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khách hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, do dó cần và có điều kiện để xây dựng đồng thuận xã hội thay vì đối lập, đối kháng xã hội.

tong bi thu nguyen phu trong tiep xuc cu tri tai ha noi thang 5.2021. Anh TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngày tiếp xúc cử tri tại Hà Nội tháng 5/2021

  • Yếu tố đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Tổng Bí thư nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.”

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, cần đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. “Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa v.v..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa v.v... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.”

Vai trò của nhân dân, sức mạnh dời non, lấp biển của quần chúng nhân dân khi được tổ chức thành lực lượng thống nhất nhận thức, ý chí, và hành động. “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.

Kết thúc bài viết, Tổng Bí thư khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là cuộc cách mạng vĩ đại, lâu dài, khó khăn nhưng nhất định chúng ta sẽ vượt qua: "Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển".

Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tầm cao trí tuệ, kết tinh những giá trị lý luận và thực tiễn hơn 90 năm lãnh đạo của Đảng và 35 năm đổi mới đất nước. Đây chũng chính là thông điệp gửi đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

                                                                                  Thạc sỹ Vũ Văn Chương

 

comment Bình luận

largeer