Vi khuẩn Salmonella - mối nguy cho sức khỏe

Vi khuẩn Salmonella có thể gây ngộ độc thực phẩm khi con người tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng máu và thậm chí tử vong.
26/06/2025 09:58

Salmonella là gì?

Salmonella là một loại vi khuẩn hình que, thuộc nhóm trực khuẩn Gram âm, có khả năng di động nhờ nhiều lông xung quanh thân. Đây là vi khuẩn phổ biến trong đường ruột của người và động vật, được thải ra ngoài qua phân và tồn tại rộng rãi trong môi trường.

Loại vi khuẩn này có khả năng sống sót rất cao trong nhiều điều kiện khác nhau. Salmonella có thể tồn tại hàng tuần trong thực phẩm khô như sữa bột, sống lâu hơn trong thực phẩm đông lạnh như thịt gia cầm, và có thể tồn tại từ 2 - 3 tuần trong nước, thậm chí đến 2 - 3 tháng trong nước đá hoặc phân. Tuy nhiên, chúng sẽ bị tiêu diệt khi đun ở 50°C trong 1 giờ hoặc ở 100°C trong 5 phút.

Empty

Nhiễm Salmonella được xem là một dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn (Ảnh minh họa)

Con đường lây truyền của vi khuẩn Salmonella

Vi khuẩn Salmonella lây nhiễm chủ yếu qua hai con đường chính, trong đó phổ biến nhất là qua đường tiêu hóa. Con người có thể bị nhiễm khuẩn khi ăn uống thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, đặc biệt là các món chưa nấu chín kỹ, đồ sống hoặc thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), khoảng 94% các trường hợp nhiễm Salmonella bắt nguồn từ việc tiêu thụ thực phẩm nhiễm khuẩn, khiến đây trở thành con đường lây truyền quan trọng nhất và dễ bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, vi khuẩn cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với phân, tay chân hoặc chất thải của người hay động vật nhiễm bệnh, cũng như qua các vật dụng, bề mặt hoặc môi trường bị ô nhiễm.

Những triệu chứng thường gặp khi nhiễm khuẩn Salmonella

Triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella thường khởi phát trong vòng 6 - 72 giờ sau khi ăn phải thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm. Biểu hiện phổ biến nhất là đau bụng dữ dội kèm co thắt, tiêu chảy (có thể lẫn máu hoặc chất nhầy), buồn nôn và nôn mửa, gây mất nước nghiêm trọng nếu không được bù nước kịp thời.

Người bệnh thường sốt cao từ 39 - 40°C, kèm theo mệt mỏi, ớn lạnh và suy giảm thể lực. Tiêu chảy kéo dài còn gây khô miệng, khát nhiều, chóng mặt và tụt huyết áp, đặc biệt ở trẻ em và người già. Đây là giai đoạn dễ dẫn đến suy kiệt nếu không được theo dõi sát.

Trong những trường hợp nặng, vi khuẩn có thể gây viêm đại tràng, sốc nhiễm trùng hoặc lan vào máu (nhiễm khuẩn huyết). Người có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.

Empty

Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn là các triệu chứng phổ biến khi bị nhiễm khuẩn Salmonnella (Ảnh minh họa)

Biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella

Để phòng tránh nhiễm khuẩn Salmonella, cần chú trọng vệ sinh cá nhân và an toàn thực phẩm. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chế biến thực phẩm là nguyên tắc cơ bản. Ưu tiên sử dụng nguồn nước sạch, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và luôn nấu chín kỹ, đặc biệt tránh ăn đồ sống.

Giữ gìn vệ sinh khu bếp, dụng cụ nấu nướng và rửa sạch rau quả dưới vòi nước chảy giúp hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Khi mắc bệnh, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc, không dùng chung đồ dùng và tuyệt đối không nấu ăn cho người khác để tránh lây lan. Việc rửa tay thường xuyên trong thời gian bệnh cũng rất cần thiết.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với vật nuôi hoặc môi trường sống của chúng, cần rửa tay ngay sau đó, tránh đưa tay lên miệng hoặc ôm hôn động vật. Trẻ nhỏ, người già và người có hệ miễn dịch yếu nên hạn chế tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao và giữ môi trường sống sạch sẽ để bảo vệ sức khỏe.

Yến Vy (tổng hợp)

comment Bình luận