Vụ người nước ngoài vỗ mông phụ nữ trong thang máy: Phạt 200.000 đồng quá nhẹ

Các chuyên gia, ĐBQH cùng nêu quan điểm về việc phạt 200 nghìn đối với kẻ vỗ mông phụ nữ trong thang máy là quá nhẹ, thậm chí xúc phạm nạn nhân.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
25/11/2020 09:42
Empty

Phạt 200 nghìn đồng chỉ làm nạn nhân cảm thấy bị xúc phạm

Vụ việc người đàn ông nước ngoài vỗ mông phụ nữ trong thang máy chung cư ở TP HCM bị xử phạt 200 nghìn đồng vừa qua khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Vụ việc xảy ra ở trong thang máy của chung cư The Sun Avenue (quận 2, TP HCM) thêm một lần nữa như tiếng còi báo động tình trạng sàm sỡ phụ nữ, trẻ em trong thang máy của các chung cư nói riêng và tình trạng các phụ nữ, trẻ em gái bị đe dọa xâm phạm thân thể nơi công cộng ngày càng gia tăng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đổi lại những kẻ gây ra tổn thương tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em lại chỉ phải chịu 1 mức phạt khá nhẹ, thậm chí có phần "bôi bác" (theo lời chuyên gia) là phạt 200.000 đồng.

Còn nhớ hồi tháng 3/2019, tại chung cư Golden Palm (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng từng xảy ra vụ việc một nữ sinh viên bị kẻ lạ sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy. Tuy nhiên, sau đó bất chấp những phải đối, lên án của xã hội, kẻ sàm sỡ nữ sinh 20 tuổi chỉ bị xử phạt mức 200.000 đồng.

Nữ sinh viên 20 tuổi bị kẻ lạ sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy chung cư Hà Nội nhưng đối tượng chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng.

Nữ sinh viên 20 tuổi bị kẻ lạ sàm sỡ, cưỡng hôn trong thang máy chung cư Hà Nội nhưng đối tượng chỉ bị xử phạt 200 nghìn đồng.

Thời gian sau đó, dư luận các chuyên gia, ĐBQH đồng loạt lên án và cho rằng mức phạt có phần "bôi bác" và xúc phạm nạn nhân. Nhiều người thậm chí kêu gọi cải cách luật nhưng sau đó sự việc đã rơi vào im lặng.

Tiếp đến là vụ việc nổi đình nổi đám Nguyễn Hữu Linh "nựng" bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 (đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP HCM). Kết quả sau cùng cựu Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng đã phải lĩnh án 1 năm 6 tháng tù giam, giữa những tranh cãi cho rằng mức án quá nhẹ...

Do đó, vụ việc người đàn ông nước ngoài vỗ mông phụ nữ trong thang máy chung cư ở TP HCM bị xử phạt 200 nghìn đồng như giọt nước tràn ly khiến dư luận thêm một lần phản ứng. Thậm chí chia sẻ với báo chí, nạn nhân trong vụ việc còn nói rằng, đã muốn giữ im lặng vì mức phạt quá nhẹ nhưng vì không chịu đựng nổi nên đã trình báo cơ quan chức năng.

Là người thường xuyên theo dõi và bày tỏ chính kiến trước những vụ việc trẻ em, phụ nữ bị xâm hại, sàm sỡ, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), chia sẻ cảm giác thất vọng khi thấy mức xử phạt 200.000 đồng tiếp tục được áp dụng trong vụ người đàn ông nước ngoài vỗ mông phụ nữ đi cùng thang máy.

Bà Hồng ví mức xử phạt này “như một trò đùa”, không có nhiều giá trị và không mang tính chất răn đe đối tượng vi phạm.

“Với cơ chế và khung pháp luật thế này, những người yếu thế như phụ nữ sẽ không được bảo vệ, họ dù muốn cũng không thể bảo vệ được chính mình”, bà Hồng nói.

Nhắc lại hàng loạt vụ việc tương tự xảy ra hồi đầu năm ngoái, bà Hồng cho biết dư luận đã có những phản ứng rất mạnh mẽ, các cơ quan cũng yêu cầu báo cáo, sửa đổi nghị định để hình phạt có hiệu quả răn đe hơn, song cho đến nay, quy định về việc này vẫn chưa được sửa đổi.

“Nhìn lại vụ việc vừa xảy ra ở TP.HCM, một người đàn ông ngoại quốc đến nước ta, sàm sỡ phụ nữ nhưng sau đó chính nạn nhân lại tìm cách né tránh người đàn ông vi phạm, vì họ sợ rắc rối, vì họ bị đe dọa. Đó là một sự thật rất trớ trêu khi quy định pháp luật chưa đủ mạnh để bảo vệ người dân”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà, nếu chế tài không được sửa đổi, nếu mức phạt không được nâng lên, có các chế tài xử phạt đi kèm, thì người dân dù có ý thức và phản ứng, họ cũng không thể bảo vệ được mình do thiếu cơ chế và công cụ pháp luật.

Theo bà Hồng, mức phạt 200.000 đồng cho hành vi này phải được thay đổi vì nó khiến những kẻ có dã tâm vi phạm không bao giờ biết sợ.

“Rất nhiều trường hợp xảy ra và chúng ta đã lên tiếng, nhưng nay vẫn tiếp tục có sự việc thế này. Chúng ta phải thay đổi, đừng để pháp luật bất lực trong bảo vệ người dân, đừng để an toàn của người dân không được ưu tiên. Đất nước có nằm trong top 5, top 10 về kinh tế cũng sẽ không có ý nghĩa khi người dân sống luôn phải bất an như vậy”, bà Hồng nêu quan điểm.

Bà kiến nghị các cơ quan chức năng cần sửa đổi pháp luật cụ thể hơn, kịp thời hơn để pháp luật thực sự là công cụ trừng trị, xử lý những hành vi xâm hại danh dự và thân thể phụ nữ, trẻ em.

Phải xử lý hình sự

Từng trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, luật phải đi vào cuộc sống, phải có sức răn đe, tuy nhiên việc áp dụng cũng không nên cứng nhắc, cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay hơn với những hành vi sàm sỡ phụ nữ, trẻ em nói trên.

Vụ án Nguyễn Hữu Linh

Vụ án Nguyễn Hữu Linh "nựng" bé gái trong thang máy ở TP HCM.

Trên tờ Zing.vn, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói: "Đây chính là hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ. Tuy nhiên, trong luật chưa có quy định về tội danh này nên rất khó để xử lý hình sự".

Việc xử lý được căn cứ theo Nghị định 167 ra đời từ năm 2013 nhưng quy định này đã không kịp cập nhật tình hình mới, không có sự tương thích với bối cảnh nên xã hội hiện nay nên cần sớm sửa đổi.

Ông Nhưỡng cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua quy định mức phạt 30 triệu đồng cho hành vi quấy rối, sàm sỡ phụ nữ, trẻ em, nhưng quy định này đến đầu năm 2022 mới có hiệu lực.

Trong khi quy định chưa có hiệu lực, các hành vi như lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác; xâm phạm sức khỏe người khác… chỉ bị xử phạt 100.000-300.000 đồng theo Nghị định 167 của Chính phủ.

Dù mức xử phạt bất hợp lý và chưa đủ sức răn đe, ông Nhưỡng cũng cho rằng vẫn cần xử phạt hành vi của các đối tượng này để “ghi vào hồ sơ”, coi đó là căn cứ để nếu họ tái phạm, sẽ xem xét xử lý hình sự. Ông cũng kiến nghị Bộ luật Hình sự nên cụ thể hóa và có những quy định mạnh mẽ, cứng rắn để xử lý được các vi phạm tương tự như hành vi dâm ô.

Mặt khác, cần có những hình phạt về mặt đạo đức, như bắt người vi phạm xin lỗi công khai, thậm chí dán ảnh những người vi phạm ở thang máy, nơi họ vi phạm, để người dân ở đó cảnh giác.

“Trên là đạo đức, dưới là pháp luật, cần chế tài cho cả hai khía cạnh đó mới đủ mạnh để có thể bảo vệ người dân, chấm dứt sự việc tương tự”, ông Nhưỡng nói.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua đã nâng mức xử phạt đối hành vi vi phạm an ninh trật tự, an toàn xã hội như quấy rối, sàm sỡ trẻ em, phụ nữ lên 30-40 triệu đồng. Nhưng thực tế, hành vi đó vẫn chỉ bị xử phạt 200.000 đồng, đó là bất cập đang tồn tại và cần sớm xem xét, xử lý.

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer