Âm khí là gì? Thể chất của bạn thuộc nhóm âm hay nhóm dương?

Âm dương cân bằng là sự kết hợp tuyệt vời nhất của cơ thể con người, nếu cơ thể thiên về âm hoặc dương đều là có bệnh. Nếu âm – dương hài hòa, bạn sẽ không phải lo lắng vì bệnh tật.
16/11/2020 16:15

 Âm khí là gì?

Trước hết, trong Đông y, khí là vật chất cực nhỏ hoạt động rất mạnh liên tục trong cơ thể, duy trì và điều tiết chuyển hóa trao đổi chất của cơ thể, duy trì các hoạt động sống của cơ thể, vận động của khí dừng có nghĩa là sự sống chấm dứt.

Theo đó, âm khí là một dạng trường năng lượng mang tính âm. Dù là các công trình xây dựng, cơ thể con người, động vật hay máy móc… đều mang âm khí trong mình.

Về mặt khoa học, không có cái nào gọi là “khí âm”, nhưng có cái gọi là năng lượng xấu. Năng lượng xấu như độc tố tích tụ vào từng tế bào và dần gây ra các căn bệnh quái ác trong cơ thể con người.

am khi la gi

Hình minh họa.

Có hai loại năng lượng xấu là nội sinh và ngoại sinh. Năng lượng xấu nội sinh xuất phát từ trong người do lo lắng buồn phiền quá mức, thần kinh căng thẳng. Năng lượng xấu ngoại sinh từ bên ngoài nhập vào gồm tác nhân khí hậu như gió, lạnh, nắng, ấm, hanh, nóng – là sáu khí của vũ trụ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Năng lượng xấu do đường ăn uống, những thức ăn mang nhiều hoá chất độc hại trong cơ thể mà cơ thể không phân huỷ đào thải kịp cũng là năng lượng xấu ngoại sinh.

Theo Đông y, khi cơ thể suy yếu lại càng tạo cơ hội cho năng lượng xấu bên ngoài và bên trong kết hợp lại với nhau cản trở sự lưu thông các kinh mạch, nhẹ thì ốm yếu bệnh tật, nặng thì gây đột tử, hoặc phát sinh ra những bệnh rất khó chữa trị, trong đó có ung thư.

Theo lương y Vũ Quốc Trung: "Theo quan niệm của y học cổ truyền, trong cơ thể con người luôn luôn tồn tại khí âm và khí dương. Đại diện cho âm là phần huyết, còn đại diện cho dương là phần khí. Khi cơ thể khỏe mạnh, sinh lý bình thường thì âm dương trong cơ thể cân bằng với nhau. Vì một lý do nào đó như, do ảnh hưởng của điều kiện môi trường, hay do yếu tố bên trong về mặt tình cảm, hoặc do ăn uống, lao động, làm việc, ngủ nghỉ... thất thường sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng âm - dương trong cơ thể một cách tương đối, khi đó sẽ dẫn tới tình trạng bệnh lý".

Một khi âm dương của cơ thể mất cân bằng sẽ xảy ra một trong hai trạng thái: dương thịnh - âm suy (dương tương đối mạnh hơn âm); và âm thịnh - dương suy (âm tương đối mạnh hơn dương). Khi âm suy (hư) sinh nội nhiệt thì bên trong cơ thể nóng. Khi âm thịnh sinh ngoại hàn, lúc này bên trong cơ thể sẽ lạnh. 

Âm - dương luôn tồn tại trong một cơ thể và được phân chia như sau: Nam dương – nữ âm; ngoại dương – nội âm; lưng dương – bụng âm; đầu dương – tay chân âm; ngoại hình dương – nội trạng âm; da dương – cơ bắp âm.

Thể chất của bạn thuộc nhóm âm hay nhóm dương?

Đông y đã sớm phát hiện ra rằng thể chất của mỗi người không giống nhau và được chia thành hai nhóm: nhóm dương và nhóm âm. Nhóm thiên về nhiệt là nhóm thể chất dương, nhóm thiên về hàn là nhóm thể chất âm.

duong khi

Hình minh họa.

Người thể nhiệt thường có xu hướng mập, tính cách hướng ngoại, sợ nóng, hay khát và thích uống nước mát, ăn ngon miệng, sắc mặt hồng nhuận, tinh thần dễ hưng phấn, thể lực khỏe, nhiều mồ hôi, nói nhiều, khả năng tình dục mạnh mẽ, huyết áp, mỡ máu và đường máu có xu hướng cao hoặc hơi cao.

- Người thể nhiệt (nhóm thể chất dương) nói chung có một nền tảng sức khỏe ổn định hơn người thể hàn nên chỉ cần thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, có chọn lọc và hoạt động thể chất hợp lý là hoàn toàn có thể tự cân bằng được cơ thể của mình.

- Người thể hàn (nhóm thể chất âm) tay chân rất dễ bị lạnh, nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, sắc mặt nhợt nhạt hơn những người bình thường, thích uống đồ nóng, rất ít có cảm giác khát. Thậm chí trong những ngày hè nóng nực, bước chân vào phòng điều hòa cũng cảm thấy lạnh, luôn thích uống trà nóng hay mặc thêm áo khoác ngoài mới cảm thấy dễ chịu.

Do hệ thống tuần hoàn máu không tốt nên những người thuộc thể hàn dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, nồm ẩm và hay mắc các bệnh về cơ, xương, khớp… khả năng miễn dịch kém, rất dễ bị cảm lạnh và hay bị lặp đi lặp lại liên tục khó khỏi dứt điểm.

Khả năng tiêu hoá kém, dễ bị tiêu chảy, phù nề, hay tiểu đêm, khả năng sinh sản suy giảm, khí hư nhiều, kinh nguyệt thường bị trễ và nhiều máu đông. Người thể hàn do âm khí quá thịnh, các chức năng của cơ thể kém, sức lực kém nên rất cần bồi bổ dương khí. Đông y cho rằng thận là cơ quan dương khí của cả cơ thể, tì là để tiếp nhận dinh dưỡng, đột biến sinh huyết là cội nguồn của năng lượng.

Ăn uống phù hợp với thể tạng cơ thể

Nguyên tắc đầu tiên dành cho mọi thể tạng là phải ăn đầy đủ các chất, không quá lạm dụng một loại thực phẩm và cũng không bỏ qua loại nào. Ăn quân bình hoặc chế biến để đưa thức ăn về lại tính bình nhằm giữ cho thể tạng ổn định. Quan trọng là lượng sử dụng và kết hợp thực phẩm sao cho phù hợp.

thuc pham

Hình minh họa.

Người thể hàn thường cảm thấy mát mẻ, ít khi có cảm giác khát nước hay nóng nực. Trong ăn uống, người thể hàn cảm thấy dễ chịu khi ăn những thực phẩm tính ấm, nóng. Đặc biệt khi ăn nhiều các thực phẩm có tình hàn như thịt vịt, cá, tôm, cua, ốc, lươn… người thể hàn có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc buồn nôn.

Vậy nên, để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa, người thể hàn không nên ăn thường xuyên và ăn nhiều thực phẩm có tính hàn hoặc nếu dùng thì cần chế biến để đưa món ăn về trạng thái bình. Ví dụ như khi chế biến và khi ăn cần ăn kèm thêm các gia vị có tính ấm như gừng, sả, ớt…

Đối với người thể nhiệt nên thường xuyên sử dụng các loại rau, củ, nấm như nấm hương, mộc nhỉ, nấm rơm…. Đây là nguồn cung cấp nhiều chất khoáng vi lượng, vitamin, chất xơ, hoạt chất sinh học có ích cho sức khỏe.

Một thực phẩm cũng rất tốt cho người thể nhiệt là rong biển vì có chứa nhiều chất giúp giải nhiệt, giải độc, rất cần thiết và quý giá đối với sức khỏe. Ngoài ra, các loại trái cây ít ngọt là nguồn cung cấp nhiều vitamin C, beta-caroten, chất xơ, khoáng vi lượng cần thiết cho sức khỏe, giúp giải khát, giải nhiệt có hiệu quả cho người thể nhiệt.

Bạch Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer