Bảo tồn hậu môn cho bệnh nhân ung thư trực tràng

Một bệnh nhân 74 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện FV TP HCM sử dụng kỹ thuật xạ trị VMAT loại bỏ khối u trực tràng ác tính nhưng vẫn bảo tồn được hậu môn.
18/12/2020 08:52

Bà Phương, quận 1, TP HCM có 50 năm mắc bệnh trĩ và chưa một lần đến cơ sở y tế khám bệnh. Đến cuối năm 2019, cứ ăn xong là bà đi ngoài có máu, bà nghĩ do biến chứng của bệnh trĩ. Nửa tháng sau, lo lắng cho bệnh tình của mẹ, các con đưa bà Phương đưa đến một phòng khám tại quận 1.

Tại đây, bác sĩ kê đơn thuốc cho bà Phương về uống nhưng các triệu chứng trên không thuyên giảm. Bà tiếp tục đến một phòng khám khác gần nhà để tiến hành nội soi, bác sĩ phát hiện có một khối u tại trực tràng có kích thước to, nguy hiểm đến tính mạng. Họ yêu cầu bà Phương cần đến bệnh viện tuyến cuối mổ gấp.

Theo chẩn đoán, kết quả sinh thiết của một bệnh viện lớn tại TP HCM xác định bà Phương bị ung thư trực tràng, không liên quan đến bệnh trĩ, cần phẫu thuật gấp và khó giữ được hậu môn. Không muốn bà Phương phải cắt bỏ hậu môn, gia đình tìm hiểu nhiều nơi, quyết định đến Bệnh viện FV (TP HCM) như hy vọng cuối cùng để bà vừa chữa bệnh ung thư trực tràng vừa giữ lại hậu môn.

"Bác sĩ có tư vấn những rủi ro, biến chứng sau phẫu thuật mà mẹ tôi có thể gặp phải nhưng hứa sẽ cố gắng hết sức để giữ hậu môn cho bà. Lúc đó cả nhà mừng lắm và tin tưởng vào tay nghề bác sĩ" - chị Châu (con gái của bà Phương) nhớ lại.

Bác sĩ CKII Phan Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV cho biết, bà Phương bị ung thư trực tràng thấp (gần hậu môn). Đó là khối u ác tính, lớn như quả chanh, xâm lấn ra bên ngoài, xếp giai đoạn u T3. Với trường hợp này, đa phần sẽ chỉ định cắt bỏ hậu môn, mở thông đại tràng ra da ở bụng vĩnh viễn, nhưng ekip đã dùng kỹ thuật đo đạc chính xác bờ khối u, áp dụng xạ trị trước mổ, kỹ thuật phẫu thuật tỉ mỉ để điều trị cho bệnh nhân.

bac si

Bà Phương đang trao đổi với bác sĩ Thái trong một lần tái khám. Ảnh: Bệnh viện FV TP HCM.

Do khối u to, xâm lấn nên trước ca mổ, bác sĩ Thái đã hội chẩn liên chuyên khoa cùng chuyên gia ở khoa Chẩn đoán Hình ảnh và khoa Ung Bướu Bệnh viện FV để tiến hành xạ trị "gom" khối u lại, quan trọng là tăng khả năng giữ lại hậu môn cho bệnh nhân. Nhờ vào kỹ thuật xạ trị VMAT có độ chính xác cao, kết quả xạ trị đạt như mong đợi, tỷ lệ giữ hậu môn sau phẫu thuật lên đến 90%.

Vài ngày sau, bệnh nhân bước vào cuộc mổ nội soi lần thứ nhất kéo dài 5 tiếng để cắt bỏ trực tràng và một phần cơ thắt trong hậu môn, khâu nối đại tràng với ống hậu môn. Trong lần mổ này, bác sĩ Thái đã mở hậu môn nhân tạo tạm thời cho bệnh nhân, nhằm tránh xì rò miệng nối.

Vì khối u nằm sâu nên quá trình mổ nội soi từ ổ bụng phải cần đào sâu tới ống hậu môn. Đây là một kỹ thuật quan trọng, đòi hỏi bác sĩ phải mổ đúng lớp, nếu bị lấn vào trong gây rách lá bao mỏng quanh trực tràng sẽ phạm vào vùng có nguy cơ chứa tế bào u, nếu trật ra ngoài thì tổn thương mạch máu. Bước sang quá trình mổ từ ống hậu môn, kỹ thuật cắt một phần cơ thắt hậu môn phải đảm bảo tỉ mỉ, chính xác để làm sao diện cắt cách u đủ xa đảm bảo sạch tế bào u, phần hậu môn giữ lại không bị hư hại đảm bảo chức năng tốt sau phẫu thuật.

Dù ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng bà Phương nhanh chóng bình phục, không cảm thấy đau đớn sau phẫu thuật. Bà về nhà nghỉ dưỡng 2 tuần trước khi quay trở lại bệnh viện để mổ lần 2 đóng hậu môn nhân tạo. Ca mổ lần 2 đơn giản hơn, bà nhẹ nhàng vượt qua. Sau nhiều lần tái khám, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, không có dấu hiệu tái phát.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer