Bé trai 3 tuổi bị chó cắn rách đùi trong Công viên Yên Sở

Đi chơi cuối tuần cùng gia đình tại Công viên Yên Sở, một bé trai 3 tuổi đã bị con chó thả rông cắn rách đùi phải nhập viện.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
04/04/2021 18:34
Nhiều người sợ hãi với tình cảnh chó thả rông tại các công viên. (Ảnh minh họa).

Nhiều người sợ hãi với tình cảnh chó thả rông tại các công viên. (Ảnh minh họa).

Sự việc bé trai 3 tuổi đi dạo Công viên Yên Sở bị chó cắn xảy ra vào cuối tuần trước (28/3). Nạn nhân là cháu Hoàng Trung Q. (3 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội).

Anh Thắng (bố cháu bé) cho biết, chiều 28/3, vợ chồng anh cùng 2 con vào công viên Yên Sở để vui chơi cuối tuần. Trong lúc gia đình đi dạo ven hồ ở Công viên, bất ngờ một con chó lạ từ đâu lao tới, cắn vào đùi cháu Hoàng Trung Q. khiến cháu bé bị chảy nhiều máu.

Ngay sau đó, gia đình anh đưa bé vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị vết thương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của Q. dài khoảng 15 cm, chạm vào phần cơ, phải theo dõi biến chứng nhiễm trùng.

Cũng theo anh Thắng, dù sự việc xảy ra ở Công viên Yên Sở nhưng tới nay, đã nhiều ngày trôi qua, gia đình anh chưa hề nhận được lời hỏi thăm, động viên từ phía đơn vị quản lý của công viên này cũng như chưa tìm được chủ chó.

Một bảo vệ tại Công viên Yên Sở cho biết, khi người dân dắt chó vào công viên đều được bảo vệ nhắc nhở đeo rọ mõm. Bảo vệ nhận định, có thể con chó tấn công bé Q. vào chiều 28/3, đã chạy từ ngoài vào công viên.

Trong khi đó Công an phường Yên Sở cho biết, sau khi nhận được trình báo, đơn vị đã cử cán bộ ra để xác minh.

Tuy nhiên, mỗi buổi chiều có rất nhiều người dân dắt chó ra công viên Yên Sở để tập thể dục nên việc truy tìm nguồn gốc con chó cắn cháu Q. gặp nhiều khó khăn.

Hiện đơn vị đã trao đổi với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân khi dắt chó ra đường phải đeo rọ mõm đảm bảo an toàn cho mọi người.

Theo các luật gia nguyên nhân dẫn đến thiệt hại sẽ là căn cứ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.

Nếu thiệt hại do vật nuôi gây ra (chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi không kiểm soát được, để vật nuôi gây thiệt hại) thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng vật nuôi phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Nếu thiệt hại do lỗi hoàn toàn của nạn nhân; do sự kiện bất khả kháng hay những trường hợp khác quy định trong Bộ luật dân sự 2015, chủ vật nuôi sẽ không phải bồi thường.

Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi, ví dụ như dắt chó không phải của mình đi dạo và để chó cắn người, thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Nếu người này và chủ súc vật đều có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Mức đền bù thiệt hại được xác định theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm những chi phí như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị.

Nếu nạn nhân mất khả năng lao động, cần có người thường xuyên chăm sóc, thiệt hại sẽ bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc nạn nhân.

Ngoài ra, chủ gia súc còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 50 lần mức lương cơ sở, tức 74,5 triệu đồng.

Thậm chí, luật sư cho biết chủ chó còn có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

comment Bình luận

largeer