Bình Phước ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu

Ngày 15/12, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về phát triển công nghiệp dược, dược liệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
28/12/2022 15:12

Mục tiêu chung của kế hoạch là đánh thức tiềm năng, xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý. Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường. Tạo việc làm cho người dân tỉnh nhà, đặc biệt đối với nguồn lực lao động tại chỗ (dược sĩ đại học, cao đẳng dược, trung cấp dược, kỹ thuật viên dược). Đồng thời, ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất thuốc để phát triển công nghiệp dược. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc. Phát huy lợi thế nguồn dược liệu trong tỉnh, đặc biệt là các loại dược liệu đặc hữu, quý, có giá trị kinh tế cao.

c2

(Ảnh minh họa)

Tại kế hoạch này, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2025: Thu hút đầu tư nhằm đạt được 1 - 2 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 35ha nuôi trồng dược liệu, trồng tập trung tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp. Hình thành một chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới.

Đến năm 2030, thu hút đầu tư nhằm đạt được từ 3 - 5 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 40 - 50ha với nhiều hình thức như: Vườn thực nghiệm, vườn độc canh, vườn xen canh. Đồng thời, chú trọng phát triển đa dạng các loại giống dược liệu ưu tiên các giống bản địa nhằm đáp ứng một phần nhu cầu nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược.

Đến năm 2045, cùng với sự nâng cấp, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư nhằm tăng thêm số nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP (8 - 10 nhà máy) và tăng diện tích vùng trồng, khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. Ngành công nghiệp dược, sản xuất dược liệu đóng góp một phần vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, để đạt được những mục tiêu trên, kế hoạch đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Giải pháp về thể chế, pháp luật; giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp thông tin, truyền thông; giải pháp về nguồn vốn.

Công Sơn

comment Bình luận

largeer