Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn và khai thác nguồn gen dược liệu

Theo số liệu của Viện Dược liệu trong giai đoạn 2011 đến 2016, công tác bảo tồn nguồn gen dược liệu đã điều tra, thu thập bổ sung được 279 nguồn gen thuộc 167 loài đưa về trồng bảo tồn tại các vườn bảo tồn trong hệ thống có điều kiện tự nhiên phù hợp
26/12/2022 16:38

Trong đó, thu thập được một số loài theo tập đoàn phục vụ công tác chọn, tạo giống. Đánh giá, kiểm kê và chỉnh lý tên khoa học của các nguồn gen trong toàn hệ thống. Triển khai lưu giữ và bảo tồn được 1531 nguồn gen thuộc 884 loài tại 8 vườn cây thuốc trên toàn hệ thống, trong đó mạng lưới bảo tồn trực thuộc Viện Dược liệu lưu giữ 1168 nguồn gen thuộc 760 loài. Lưu giữ 443 mẫu hạt của 205 loài cây thuốc trong kho lạnh. Nghiên cứu bảo tồn in vitro 15 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng và các nguồn gen có năng suất và chất lượng cao. Xây dựng 659 phiếu đánh giá ban đầu, 417 phiếu đánh giá chi tiết, 41 phiếu đánh giá cây thuốc có nguy cơ bị tuyệt chủng, bổ sung 1403 ảnh màu và hoàn thiện lý lịch giống cho 55 loài bảo tồn trọng tâm. Thông kê của Viện Dược liệu cho thấy, đến năm 2015, cả nước phát hiện 5117 loài thuộc 1823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật có công dụng làm thuốc. Trong số này, thực vật bậc cao chiếm 5084 loài, trong đó số loài mọc tự nhiên là 4524 loài, cây thuốc được trồng là 521 loài.

Tính đến năm 2016, hệ thống mạng lưới bảo tồn nguồn gen cây thuốc Việt Nam gồm 7 vườn tại các khu vực sinh thái khác nhau bao gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng tại Hà Nội; Vùng Trung du phía bắc tại Vĩnh Phúc; Vùng núi cao phía bắc tại Lào Cai; Vùng Bắc trung bộ tại Thanh Hóa; Vùng Đông nam bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh; Vùng Tây nguyên tại Lâm Đồng; Vùng Duyên hải nam trung bộ tại Phú Yên.

c1

(Ảnh minh họa)

Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chế biến và chiết xuất dược liệu

Căn cứ vào thông tư 14/2009/TT-BYT ngày 03/9/2009 về hướng dẫn triển khai áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và thu hái dược liệu đảm bảo tiêu chuẩn GACP-WHO đã được triển khai như vùng trồng Đinh lăng, Đan sâm, Hà thủ ô tại Gia Lai; Actiso, Xuyên khung tại Lào Cai; Quế tại Yên bái; Rau đắng đất tại Phú Yên; Kim tiền thảo tại Bắc Giang; Hoài Sơn tại Phú thọ.

Công nghệ chiết xuất đã được nghiên cứu và ứng dụng ở quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot đến quy mô công nghiệp để chiết xuất dược chất từ dược liệu.

Việt Nam đã chiết xuất thành công nghiều hoạt chất từ dược liệu như: rutin từ Hoa hòe; berberin từ Vàng đắng, Hoàng bá, Hoàng Liên; balmatin từ Hoàng đằng; D-strophantin từ quả Sừng dê; rotundin từ Bình vôi; mangiferin từ lá Xoài; strychnine và brucine từ Mã tiền; scopolamine và hyoscyamine từ Cà độc dược; beta-caroten và lycopene từ Gấc; vinblastine và vincristine từ Dừa cạn; artemisinin từ Thanh cao hoa vàng; taxol từ Thông đỏ; andrographolid từ Xuyên tâm liên; shikimic acid từ Hồi; curcumin từ Nghệ; steviosid từ Cỏ ngọt; eotenone từ Dây mật; resveratrol từ Cốt khí củ. Hiện nay, ngoài công nghệ chiết xuất bằng các phương pháp chiết truyền thống như chiết xuất bằng phương pháp ngấm kiệt, Soxhlet, nhiều công nghệ chiết với dây truyền thiết bị hiện đại, khép kín sử dụng dung môi thân thiện với môi trường với tỷ lệ thu hồi dược chất và dung môi cao như chiết xuất bằng công nghệ sóng siêu âm, công nghệ vi sóng, công nghệ sử dụng dung môi siêu tới hạn.

TS. Trần Thị Oanh

comment Bình luận

largeer