Cách bấm huyệt Huyết Hải trị đau khớp gối

Huyệt Huyết Hải là huyệt vị trên đường kinh Tỳ, tác dụng chính là thanh huyết, hạ tiêu, điều huyết, chủ trị kinh nguyệt không đều, mẩn ngứa ngoài da. Vì vậy mà y học cổ truyền luôn đánh giá cao huyệt này và xem là một trong những vị trí đặc biệt giúp kiểm soát hiệu quả lưu thông máu của cơ thể.
19/09/2022 09:06

Huyệt Huyết Hải là gì?

Tên gọi khác: Huyết khích, bách trùng sào, bách trùng oa.

Đường kinh vị: Huyệt thứ 10 của đường kinh Tỳ.

Huyệt huyết hải nằm ở chân khu vực gần đầu gối, trùng với vị trí của đường kinh Tỳ. Theo quan điểm của Đông y, huyết hải chứa “bể huyết”, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều tiết hoạt động của cơ thể.

Các tài liệu y học cổ truyền giải thích tên gọi “Huyết Hải” như sau: “Huyết là máu, hải là biển – nơi các cửa sông, dòng sông tụ họp. Trong khi đó huyệt này lại có tác dụng thúc đẩy, điều chỉnh hoạt động của Tỳ, kiểm soát lưu thông các “dòng sông” khác nhau, chúng sẽ đổ ra biển. Bởi vậy mà huyệt vị này được gọi là huyết hải (biển huyết)”.

huyet-huyet-hai-la-gi

Vị trí của huyệt Huyết Hải

Huyết Hải nằm ở má trong của đầu xương bánh chè, đây là vị trí giữa cơ may và cơ rộng trong. Để xác định vị trí của huyệt vị này, mỗi người có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:

Bước 1: Đứng thẳng, quan sát mặt trong đùi và nắm lấy đầu gối.

Bước 2: Từ vị trí xương bánh chè đầu gối đo lên 2 thốn (1 thốn tương đương chiều dài 1 ngón tay trỏ).

Bước 3: Huyệt huyết hải nằm trong khe lõm chính giữa cơ may và cơ rộng. Khi nhấn vào sẽ có cảm giác đau tức khó chịu.

* Lưu ý: Thầy thuốc có thể xác định huyệt vị này bằng cách ngồi đối diện với bệnh nhân, rồi dùng tay phải đặt lên xương bánh chè của người bệnh. Trong đó, chỉnh ngón tay cái lên đùi, 4 ngón tay còn lại để lên đầu gối. Điểm chạm của đầu ngón tay cái chính là vị trí của huyệt.

Công năng, tác dụng phối hợp Huyết Hải với huyệt vị khác

Trong các ghi chép của y học cổ truyền, huyệt Huyết Hải có tác dụng thanh huyết, điều huyết, hạ tiêu. Từ đó, huyệt vị này có tác dụng chủ yếu với các bệnh như xung huyết, đau dây thần kinh đùi, đau khớp gối, kinh nguyệt không đều, dị ứng,…

Theo các cuốn y thư cổ như Linh Giang Phú, Tư Sinh Kinh, Trung Quốc châm cứu học,… khi kết hợp bấm huyệt huyết hải và một số huyệt vị khác giúp điều trị nhiều bệnh lý. Dưới đây là một số gợi ý:

Huyết Hải + Đái Mạch: Trị kinh nguyệt không đều.

Huyết Hải + Địa Cơ: Chủ trị kinh nguyệt không đều.

Huyết Hải + Khí Hải: Trị ngũ lâm.

Huyết hải + xung môn: Trị chứng trưng hà, tích tụ.

Huyết Hải + Túc Tam Lý + Lương Khâu + Lăng Tuyền: Trị viêm khớp gối.

Huyết Hải + Hợp Cốc + Khúc Trì + Tam Âm Giao: Chủ trị ban sởi.

Huyết Hải + Cơ Môn + Lệ Đoài: Chủ trị viêm háng (bẹn).

Huyết Hải + Tam Âm giao + Khúc Trì + Liệt Khuyết + Túc Tam Lý: Chủ trị mề đay, phong ngứa.

Cách bấm huyệt Huyết Hải trị đau khớp gối

Đau khớp gối do tình trạng thoái hóa khớp gối gây nên. Đây là bệnh lý thường gặp ở những người sau tuổi 40 với các triệu chứng phổ biến nhất là ê nhức khó chịu, cử động không linh hoạt. Biểu hiện của bệnh sẽ rõ nét hơn vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy hoặc những khi ngồi lâu một chỗ.

Để cải thiện tình trạng đau khớp gối bằng huyệt Huyết Hải, người bệnh có thể thực hiện như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị ở tư thế nằm hoặc ngồi sao cho cơ thể thoải mái nhất.

- Bước 2: Hơi co gối lại, lấy một tay đỡ gối, lấy ngón cái của tay còn lại nhấn vào huyệt để khí huyết được lưu thông.

Ngoài cách trên, người bệnh cũng có thể co gối rồi dùng 2 ngón tay cái nhấn vào vị trí huyệt của 2 chân. Lặp lại động tác trong 2-3 phút để đem lại hiệu quả.

Huyệt Huyết Hải nằm trong hệ thống các huyệt vị quan trọng trên cơ thể con người. Với vai trò kiểm soát lưu thông khí huyết, huyết hải được y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi trong chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương khớp và máu. Điều này giúp nhiều bệnh nhân cải thiện hiệu quả tình trạng bệnh mà ít phải nhờ đến sự hỗ trợ của các loại thuốc tân dược.

Theo Tạp chí Y học cổ truyền

comment Bình luận

largeer