Cập nhật tình hình mưa lũ miền Trung: Những ám ảnh tang thương

Mưa lũ miền Trung đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản, cơ quan chức năng cũng đang nỗ lực tìm kiếm 13 người mất tích ở Thuỷ điện Rào Trăng 3.
By Nguyễn Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
14/10/2020 15:27
Mưa lớn, nước lũ dâng cao bao quanh khu vực Đại Nội Huế. (Ảnh: Kenh14.VN).

Mưa lớn, nước lũ dâng cao bao quanh khu vực Đại Nội Huế. (Ảnh: Kenh14.VN).

Mưa lũ miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản

Tin mới về tình hình mưa lũ miền Trung, theo báo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai: Đến nay, mưa lũ ở miền Trung đã làm 28 người chết, 12 người mất tích; hơn 400 nhà bị sập đổ, hư hỏng và hơn 130.000 nhà bị ngập.

Ngoài ra, mưa lũ còn làm 137 điểm quốc lộ, hơn 11.000m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng; 244 điểm trường bị ngập. Gần 600ha lúa, hơn 4.000ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; gần 3.600ha thủy sản bị thiệt hại; gần 300 con gia súc, hơn 155.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Mưa lũ ảnh hưởng chủ yếu từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Hiện nay, các tỉnh đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0);20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Ám ảnh những cái chết thương tâm

Trong đợt mưa lũ lịch sử này, đã có nhiều trường hợp bị lũ cuốn mất tích thương tâm. Có thể kể đến là trường hợp của sản phụ ở Thừa Thiên - Huế bị lũ cuốn tử vong trên đường đi sinh nở.

Hay mới đây nhất là trường hợp của anh Lê Tự Quốc (26 tuổi) và chị Lê Thị Hoài Sương (23 tuổi, ở xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bị lũ cuốn trôi ngày 11/10 sau khi dự đám cưới ở huyện Duy Xuyên trở về nhà. Cặp vợ chồng bị lũ cuốn bỏ lại con gái nhỏ 2 tuổi là cháu Lê Lưu Thanh Trúc.

Cháu bé Lê Lưu Thanh Trúc bỗng trở thành trẻ mồ côi khi cả cha lẫn mẹ đều bị lũ cuốn. (Ảnh: Dân trí).

Cháu bé Lê Lưu Thanh Trúc bỗng trở thành trẻ mồ côi khi cả cha lẫn mẹ đều bị lũ cuốn. (Ảnh: Dân trí).

Đây là trường hợp bị lũ cuốn rất đáng thương. Theo thông tin gia đình cung cấp, chiều ngày 10/10, sau khi đi dự đám cưới về, vợ chồng anh Lê Tự Quốc di chuyển đến đoạn đường ĐT609B thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc thì gặp nước lớn.

Dù lực lượng chức năng đã cấm người qua lại nhưng vì nhớ con nhỏ ở nhà nên vợ chồng quyết định gửi xe máy lại nhà người quen gần đó để lội qua dòng nước lũ đang chảy xiết và không may bị cuốn trôi mất tích.

Nhận thông tin, chính quyền địa phương huy động lực lượng để cùng người dân tổ chức tìm kiếm. Đến khoảng 9h ngày 11/10, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể chị Sương. Hơn một tiếng đồng hồ sau, thi thể anh Quốc cũng được tìm thấy cách đó không xa.

Ở Bình Phước: Sáng 13/10, lực lượng chức năng xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cùng người dân đã tìm thấy thi thể anh Điểu Nhung (SN 1983) và Điểu Quy (SN 1998, người địa phương) bị nước lũ cuốn trôi.

Trước đó, tối 10/10, anh Điểu Nhung và Điểu Quy cùng một nhóm bạn rủ nhau đi cắm câu ở khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Glun (xã Bù Gia Mập). Sau khi cắm câu xong, 2 người ra về trước. Đến 20h tối cùng ngày, anh Điểu Nhung, Điểu Quy và một người bạn ra về sau, lúc này trời mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về.

Khi cả 3 người bơi qua suối thì anh Điểu Nhung và Điểu Quy bị nước lũ cuốn trôi, người còn lại may mắn thoát nạn.

13 người mất tích ở Thủy điện Rào Trăng 3, có cả tân Chủ tịch huyện

Khoảng 12h ngày 11/10 đã xảy ra sự việc sạt lở núi khiến nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị vùi lấp.

Nhận được thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra, xác minh để có phương án cứu hộ, cứu nạn, gồm 21 người. Trong số 21 người có lãnh đạo UBND tỉnh, Cục cứu hộ cứu nạn/Bộ tổng tham mưu, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan.

Đoàn xuất phát lúc 14h ngày 12/10 từ Huyện ủy Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Đến 16h cùng ngày, đoàn đến ngầm tràn 71, ô tô không qua được. Đoàn để lại ô tô, đi bộ vào thủy điện Rào Trăng 3 (cách đó khoảng 13 km).

Khu vực thủy điện Rào Trăng 3, nơi nghi đang có sự cố sạt lở khiến 13 người mất tích. (Ảnh: IT).

Khu vực thủy điện Rào Trăng 3, nơi nghi đang có sự cố sạt lở khiến 13 người mất tích. (Ảnh: IT).

Đến 21h cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ. Theo thông tin báo cáo về UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lúc 22h ngày 12/10, đoàn dừng nghỉ tại nhà kiểm lâm. Nhà có 4 gian gồm 3 gian nghỉ và 1 gian bếp.

Đến 0h ngày 13/10 có tiếng nổ lớn, sụt toàn bộ núi, đất đá trùm lên tòa nhà đoàn đang nghỉ. Theo thông tin ban đầu, 8 người đã thoát được ra ngoài và 13 người hiện còn mất tích. Trong số 13 người mất tích, có 11 cán bộ quân đội và 2 cán bộ địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế - là một trong 13 người mất tích trong lúc đi xác minh sự cố sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3.

Đại nội Huế bị ngập trong biển nước

Do tình hình mưa lũ kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường ở TP Huế chìm trong biển nước, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, nước sông dâng cao cộng với mưa lớn khiến nhiều khu vực tại Kinh thành Huế ngập nặng, ngay cả Đại nội Huế cũng bị chìm sâu trong mênh mông biển nước.

Phía trước Ngọ Môn (TP Huế) bị ngập do nước từ hồ Thái Dịch tràn lên bờ. Nhiều bạn trẻ vẫn đi dạo trong cơn mưa tầm tã. (Ảnh: BÙI TOÀN - PLO).

Phía trước Ngọ Môn (TP Huế) bị ngập do nước từ hồ Thái Dịch tràn lên bờ. Nhiều bạn trẻ vẫn đi dạo trong cơn mưa tầm tã. (Ảnh: BÙI TOÀN - PLO).

Nhiều khu vực tại Kinh thành Huế ngập nặng. (Ảnh: BÙI TOÀN - PLO).

Nhiều khu vực tại Kinh thành Huế ngập nặng. (Ảnh: BÙI TOÀN - PLO).

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer