Cây rau diếp đắng yếu điều trị áp xe phổi, mụn nhọt, phù thũng

Trên các nương rẫy bỏ hoang hoặc trên các bờ ruộng, thỉnh thoảng người ta thấy một loài cây thấp bé, hoa vàng như hoa cúc, lá xanh thuôn thuôn như lá rau diếp, đó là cây rau diếp đắng yếu (hay còn gọi là cây kim anh yếu, cây thảo cúc lá thìa… Ở nước ta, rau này mọc hoang dại ở một số tỉnh phía Bắc
04/12/2023 18:10

Vài nét về cây rau diếp đắng yếu

Cây có tên khoa học là Ixeris debilis, thuộc họ Cúc (đồng nghĩa Ixeris japonica).

Đặc điểm: Thân cây cao chưa đến 50cm và cũng không phân nhánh. Khi ngắt ngang cây, từ cây sẽ tiết ra chất mủ trắng. Hoa có hình đầu, có màu vàng và nhìn như hoa cúc.

Đặc biệt, lá cây rau diếp đắng yếu thì lại không giống như lá của nhiều loại cúc mà lại giống như lá rau diếp. Nó có phần cuống khá dài và phiến lá thì có hình giống như cái muỗng, dài không quá 10cm và mép lá có răng cưa thưa.

Cây rau diếp đắng yếu. Ảnh: Caythuoc.org

Cây rau diếp đắng yếu. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng của rau diếp đắng yếu

Với loại rau này, ta dùng cả cây làm thuốc (thường thu hoạch vào mùa hạ hoặc thu, tùy trường hợp mà dùng tươi hoặc khô).

Dùng ngoài da: Với chứng nhũ ung, đinh độc, người Trung Quốc thường hái cây tươi, rửa sạch, giã nát rồi đắp ngoài da. Ngoài ra, khi bị mụn nhọt ngoài da, da làm mủ, viêm và ngứa ngáy, ta cũng có thể dùng cây tươi rửa sạch, giã nát ra rồi thoa, đắp lên.

Dùng làm thuốc uống:

Theo y học cổ truyền, rau diếp đắng yếu có vị đắng, tính mát và nổi trội ở các công dụng sau:

- Thanh nhiệt, giải độc.

- Lợi tiểu, tiêu thũng.

- Điều trị viêm khí quản.

- Điều trị áp xe phổi.

- Điều trị viêm loét cổ họng.

- Điều trị viêm ruột thừa.

- Điều trị viêm kết mạc cấp tính.

- Điều trị phù thũng.

Liều dùng: Mỗi ngày, lấy từ 15 đến 30g rau diếp đắng yếu, nấu lấy nước uống.

Các bài thuốc kết hợp

Điều trị viêm tuyến mang tai

Chuẩn bị: Rễ cây rau diếp đắng yếu (chỉ lấy rễ 15g) và trứng gà (1 quả trứng nhưng chỉ lấy lòng đỏ).

Thực hiện: Cho rễ cây vào nồi, nấu lấy nước rồi cho tiếp lòng đỏ trứng gà vào, nấu chín thì uống.

Điều trị áp xe phổi

Chuẩn bị: Cây tươi (cả cây 30g), rau diếp cá (30g) và cây mũi mác (cũng 30g).

Thực hiện: Rửa sạch ba vị trên rồi cho vào ấm, nấu lấy nước uống trong ngày.

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc, rau diếp đắng yếu được gọi là “tiễn đao cổ” và được tìm thấy nhiều ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông… Về công dụng, tiễn đao cổ cũng được biết đến là cây thuốc có vị đắng, tính hàn, quy về vị và thận, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, điều trị thủy thũng và tiểu tiện bất lợi.

Cách dùng: Nấu lấy nước uống từ 10 đến 15g mỗi ngày.

Phân biệt: Cây rau diếp đắng yếu (Ixeris japonica) được nói đến trong bài viết này khác với:

- Cây rau diếp đắng núi (tức cây kim anh Trung Quốc), có tên khoa học là Ixeridium chinense. Lá cây này không có cuống.

- Cây rau diếp đắng răng nhỏ, có tên khoa học là Paraixeris denticulata. Cây này phân nhánh ở phần trên.

- Cây rau diếp đắng nhiều đầu, có tên khoa học là Ixeris polycephala. Cây này các lá ở gốc có cuống dài trong khi các lá trên thân lại không có cuống, phiến lá thon nhọn, hoa mọc thành cụm và tạo thành dạng chùy.

- Cây rau diếp đắng lá răng (tức cây kim anh răng), có tên khoa học là Ixeridium dentatum. Cây này có các lá ở gốc xẻ thùy (thùy cao và hẹp dần về phần gốc lá tạo thành cuống lá dài); các lá ở thân hình dải (thỉnh thoảng cũng thấy những lá hình bầu dục thon), hoa của cây mọc thành cụm, dạng tán thưa.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer