Chong chóng hồng 2024: “Gọi gió – Đón yêu thương”

Năm 2024, chương trình hiến máu "Chong chóng hồng" tiếp tục diễn ra với thông điệp đầy ý nghĩa: “Gọi gió – Đón yêu thương”. Đây không chỉ là một chương trình tình nguyện, mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa những tấm lòng nhân ái, cùng nhau góp phần cứu sống những bệnh nhân cần máu.
18/08/2024 09:17

"Chong chóng hồng" là sự kiện được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp cùng Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 15/10 tổ chức. Kể từ lần đầu ra mắt vào năm 2013, chương trình đã ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng cộng đồng, trở thành một hoạt động nhân văn và thiết thực, giúp mọi người gần gũi hơn với việc hiến máu tình nguyện. Năm nay, chương trình tiếp tục hành trình của mình trong hai ngày 14 và 15/8/2024 tại Nhà sinh hoạt cộng đồng số 04 (101 E5 Tạ Quang Bửu, Hà Nội).

CCH2

Rất nhiều người đến từ sớm chờ được hiến máu

Đến với chương trình còn có các đại sứ mang thông điệp nhân ái. Người hiến máu sẽ được có cơ hội giao lưu với những vị khách mời nhiệt huyết và nhận được những phần quà hấp dẫn đến từ các nhà tài trợ.

Anh Mai Quốc Bảo, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 15/10, Đội trưởng Đội Thanh niên vận động hiến máu Khát vọng Bách Khoa, chia sẻ: "Chong chóng hồng 2024 được tổ chức với sứ mệnh trao những giọt máu yêu thương đến cho những người bệnh cần máu. Đồng thời, chương trình cũng nhằm nâng cao nhận thức về hiến máu nhân đạo cho người dân, sinh viên trên địa bàn và thanh niên Thủ đô. Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu".

Để chương trình diễn ra suôn sẻ và đạt hiệu quả cao nhất, Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 15/10 đã tận dụng lực lượng tình nguyện viên đông đảo, đầy nhiệt huyết, đồng thời đẩy mạnh các công tác vận động hiến máu, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại khắp các khu vực trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông, tìm kiếm nhà tài trợ và chuẩn bị hậu cần cũng được chú trọng để đảm bảo cho ngày chính hội diễn ra tốt đẹp.

CCH1

Mỗi người sẽ được kiểm tra sức khỏe trước khi hiến máu

Anh Trần Vũ Nam Giang là chỉ huy trưởng phụ trách chương trình “Chong chóng hồng” năm nay chia sẻ: “Hiến máu tình nguyện là một việc làm rất nhân văn. Khi làm tình nguyện viên vận động hiến máu, tôi biết có rất nhiều người bệnh khó khăn cần máu nên càng muốn lan tỏa hành động ý nghĩa này. Mong rằng chúng tôi có thể mang lại hạnh phúc từ tình yêu thương của cộng đồng đến với người bệnh”.

“Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng máu nhóm O tại nhiều bệnh viện trên cả nước tăng cao, khiến lượng máu dự trữ nhóm O giảm dần. Để lan tỏa lời kêu gọi nhóm máu O trong cộng đồng, chúng tôi đã tích cực kết nối với người dân sống trên địa bàn quận qua nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội Facebook, Zalo, Tik Tok… Đồng thời chia thành nhiều nhóm tình nguyện viên có mặt tại các ngã tư, công viên, tòa chung cư, cổng trường đại học để “tuyên truyền nóng” vận động sinh viên, người dân tham gia, Nam Giang chia sẻ thêm.

CCH

Khu vực ăn nhẹ sau khi hiến máu đều được chuẩn bị rất cẩn thận, chu đáo

Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, "Chong chóng hồng 2024" đã đón tiếp rất nhiều cá nhân, đơn vị đến hiến máu. Đặc biệt là các bạn sinh viên, luôn đến từ rất sớm để có thể hiến giọt máu đào cứu giúp những bệnh nhân cần máu. Sau chương trình, "Chong chóng hồng 2024" đã thành công thu về 266 đơn vị máu.

Hạnh phúc thực sự không chỉ đến từ việc nhận, mà còn từ việc cho đi, từ những hành động nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, góp phần vào cuộc sống của những người khác. Có thể thấy, thành công của chương trình đã truyền đi thông điệp tốt đẹp về hiến máu tình nguyện, kết nối những tấm lòng nhân ái.

Đây thực sự là một hoạt động ý nghĩa, lan tỏa thông điệp: "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", thể hiện truyền thông sự tương thân, tương ái giúp đỡ và giàu lòng yêu thương. Chương trình Chong Chóng Hồng là một minh chứng rõ ràng khi mỗi đơn vị máu được trao đi là một tia hy vọng, một cơ hội sống mà chúng ta mang đến cho những người bệnh đang cần.

Thu Trang (Ảnh: NVCC)

comment Bình luận

largeer