Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nhân Việt Nam

Các đây 78 năm, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi giới công – thương Việt Nam, Người đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của họ trong tiến trình xây dựng, kiến thiết nước nhà.
11/10/2023 20:48

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của giới công thương trong tiến trình xây dựng, kiến thiết nước nhà. Trong suốt cuộc đời hoạt động, lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài viết, bài nói, điện, thư gửi các nhà máy, xí nghiệp và giới công – thương (doanh nhân) Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của giới doanh nhân cũng là một lực lượng không thể thiếu trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, ngay từ năm 1930, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương tập hợp, đoàn kết lực lượng cách mạng, trong đó có bộ phận tư bản An Nam: “Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng họ, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến, v.v.) thì phải đánh đổ” 1

hcm_voi_doanh_nhan

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ giới doanh nghiệp, doanh nhân Hà Nội ngày 18/9/1945

Từ việc đánh giá cao vai trò của doanh nhân trong công cuộc kiến thiết nước nhà, ngay sau khi rời khu giải phóng Việt Bắc về Hà Nội, ngày 25/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn căn nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô để ở và làm việc cho chính phủ lâm thời. Cũng tại nơi đây, Người đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước cộng hòa đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Trong bộn bề công việc của nhà nước vừa mới giành độc lập, với nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của giới công thương đối với sự nghiệp kiến thiết đất nước, ngày 18/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ giới doanh nghiệp, doanh nhân Hà Nội nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ đối với việc khôi phục, phát triển kinh tế nước nhà. Chính vì vậy, trong “Tuần lễ vàng” (từ 17/9 – 24/9/1945), giới doanh nhân Hà Nội cùng với nhân dân trong cả nước đã quyên góp ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời 370kg vàng và 60 triệu đồng. Riêng gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô trong suốt quá trình đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, hiến căn nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội) cho cách mạng. Qua đó bước đầu góp phần giảm bớt khó khăn về tài chính cho nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buổi đầu thành lập.

Để tiếp tục phát huy vai trò của giới công thương trong sự nghiệp kiến thiết đất nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi giới công thương và trân trọng gọi họ là “các Ngài”. Mở đầu bức thư Người rất vui mừng vì những việc làm vừa qua của giới công thương đối với cách mạng, đồng thời khẳng định doanh nhân là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức “Công thương cứu quốc đoàn” là một thành viên của hệ thống chính trị - thành viên của mặt trận Việt Minh: “Cùng các Ngài trong giới công thương, Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”2.

Bác chỉ rõ trách nhiệm của giới doanh nhân nước nhà là phải làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công – Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối quan hệ giữa công việc của giới doanh nhân với sự nghiệp của đất nước, việc nước việc nhà luôn phải đi đôi với nhau, công thương phải có trách nhiệm trong “công cuộc ích quốc lợi dân”. Phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân vừa là trách nhiệm xã hội, vừa là yêu cầu cơ bản của đạo đức, văn hóa kinh doanh của giới công thương theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”4. Từ đó Người kêu gọi: “Vậy tôi mong giới Công – Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công – Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”5.

Để phát huy vai trò của giới công thương trong sự nghiệp kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan công quyền cần phải tận tâm giúp đỡ đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”

Mặc dù bận “trăm công nghìn việc”, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành kháng chiến chống thực dân và đế quốc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu quan tâm đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của giới công thương. Thông qua các bài viết, bài nói, thư gửi giới công – thương, các nhà máy xí nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, khen ngợi, đánh giá những thành tích mà họ đã đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ những khuyết điểm, thiếu sót cần khắc phục, sửa chữa và các giải pháp giúp nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp phát triển. Ngày 09/11/1955, trong bài “Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp” trên Báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên những phẩm chất cần có của người đứng đầu xí nghiệp, doanh nghiệp, đó là “Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính. Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp. Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân,…dùng phương pháp dân chủ mà đẩy mạnh phong trào thi đua và tiết kiệm”6.

bac ho noi chuyen tai nha may co khi duyen hai

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) ngày 16/3/1961

Ngày 31/5/1956, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua ngành thương nghiệp lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự và phát biểu, Bác căn dặn ngành thương nghiệp: “Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho Nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ Nhân dân,…”7. Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp, ngày 22-1-1960, Người căn dặn: “... các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: Vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương”.

Cùng với việc khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, giáo dục tư tưởng chính trị đối với họ. Doanh nhân cũng là một lực lượng của dân tộc, tuy họ không tham gia trực tiếp vào công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nhưng họ lại có vai trò to lớn trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Việc giáo dục tư tưởng chính trị cho doanh nhân, điều quan trọng nhất là phải biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Người chỉ rõ, doanh nhân Việt Nam “phải hy sinh hết cả ý riêng, tâm tính riêng, lợi ích riêng cho đến cả tính mạng cũng không tiếc”.

Nhận thức được xuất phát điểm của nước ta quá thấp, lại bị chiến tranh tàn phá, kinh tế nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở, làm thế nào để kiến thiết, đưa đất nước phát triển đi lên, con đường phải đi của đất nước là phải tiến hành công nghiệp hóa. Để làm được điều đó, trách nhiệm trước hết thuộc về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân cần phải “tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chăm lo học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản”. Doanh nhân Việt Nam muốn tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình vào sự nghiệp “Kháng chiến Kiến quốc” thì phải không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tác phong làm việc khoa học, phải có tư duy “dám nghĩ, dám làm”, không ngừng thực hiện cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, phát minh sáng kiến…

Với quan niệm “đạo đức là gốc của người cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Theo Người, doanh nhân phải nhận thức rõ được vị trí, vai trò, sứ mệnh của mình, ý thức người làm chủ Nhà nước, làm chủ doanh nghiệp, đồng thời thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, thực hành dân chủ, tôn trọng kỷ luật, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp – doanh nhân phải đặc biệt chú ý “3 xây, 3 chống” nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Kế thừa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó đã thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi các doanh nghiệp tư nhân là một thực thể của nền kinh tế bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, ngày 12/6/1999, Quốc Hội thông qua Luật Doanh nghiệp đã tạo khuôn khổ pháp lí bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Qua đó khẳng định sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về về doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục soi sáng sự nghiệp kiến tạo, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay phấn đấu vì một nước Việt Nam hòa bình, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, từng bước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 3, tr.3.

2,3,4,5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 4, tr.53.

  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 10, tr.191-192.
  • Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tập 10, tr.336.

Thạc sỹ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

comment Bình luận

largeer