Đừng chủ quan với hội chứng ngừng thở khi ngủ

 Ngừng thở khi ngủ là hội chứng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí dẫn đến đột quỵ.
26/07/2025 20:04

Sau khi bị ngừng thở khi ngủ, nam bệnh nhân (25 tuổi, Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu. Khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng: Khó thở, suy tim, phù to hai chân dẫn đến không thể di chuyển được, báo Sức khoẻ & Đời sống đưa tin.

Bệnh nhân P. là một trong những trường hợp điển hình bị ngừng thở khi ngủ trên nền mắc nhiều bệnh lý mạn tính như béo phì (nặng nặng 175kg), bệnh gout mạn tính, đái tháo đường... Đặc biệt, trong 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân P. tăng cân hơn 10kg không kiểm soát do sử dụng nhiều các đồ uống như trà sữa, nước ngọt...

Hình ảnh đường hô hấp trên bình thường, luồng khí thở thông thoáng và đường hô hấp trên khi bị tắc nghẽn. Ảnh: VnExpress

Hình ảnh đường hô hấp trên bình thường, luồng khí thở thông thoáng và đường hô hấp trên khi bị tắc nghẽn. Ảnh: VnExpress

Theo ThS.BS. Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Thông qua thăm khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bệnh nhân P. được chẩn đoán mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Hội chứng này thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa như béo phì, gout, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não…".

Theo báo VnExpress, nam giới trên 40 tuổi, người béo phì, tiền căn viêm xoang, viêm mũi dị ứng, thường trào ngược dạ dày... dễ ngưng thở khi ngủ, gây các biến chứng, thậm chí tử vong.

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng hô hấp bị gián đoạn lặp đi lặp lại khi ngủ, làm giảm oxy trong máu. Sự tạm ngưng hô hấp có thể kéo dài hơn vài chục giây và xảy ra có thể nhiều đến vài chục, vài trăm lần trong đêm.

Biểu hiện sớm của bệnh, có thể chỉ xuất hiện tình trạng ngáy hay nấc trong giấc ngủ ban đêm, làm giảm chất lượng cuộc sống, hay bị viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản. Theo thời gian, khi xuất hiện tình trạng ngưng thở, sức khỏe người bệnh sẽ suy giảm nhanh chóng, thậm chí có thể gây ra đột quỵ.

Với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh, gây tắc nghẽn lưu lượng khí, kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ, gây ra ngưng thở.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một quá trình bệnh lâu dài. Nếu cảm thấy có vấn đề về giấc ngủ, nên đi khám chuyên khoa hô hấp. Tùy theo nguyên nhân bác sĩ có biện pháp điều trị thích hợp. Ở mức độ nhẹ, chủ yếu thay đổi lối sống, giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần.

Gia Bảo (Tổng hợp)

comment Bình luận