Hà Nội thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên"

Ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà ký ban hành Kế hoạch 79/KH-UBND về thực hiện Dự án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội.
12/03/2024 15:23

Kế hoạch nhằm tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội bảo đảm kịp thời, hiệu quả đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Thành phố đặt mục tiêu 100% nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật gắn với nhiệm vụ, hoạt động thường xuyên của nhà trường trong từng năm học; thiết lập các kênh tiếp nhận những thông tin, phản ánh để tư vẫn, hỗ trợ, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong nhà trường; 100% nhà trường tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội về nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; 100% nhà trường xây dựng, duy trì ít nhất 1 mô hình về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; Tối thiểu 95% nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. Phấn đấu hàng năm giảm số vụ, số người phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến người học.

997_c41777171bf9b3a7eae8

(Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)

Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp gồm: Tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm và phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật; Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật vào chương trình và hoạt động giáo dục trong nhà trường; Nâng cao năng lực của các thành viên trong nhà trường về công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật; Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các cơ quan ban, ngành của địa phương trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý người học nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, tuyên truyền các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm; các quy chế, quy định về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động, học sinh, sinh viên trong nhà trường. Tuyên truyền về hậu quả, ảnh hưởng; các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến; những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và sự tác động, lôi kéo đối với người học; kỹ năng phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động văn nghệ, giao lưu; các cuộc thi tìm hiểu dưới dạng bài viết hoặc sân khấu hoá, vẽ tranh, áp phích, sáng tác, biểu diễn tiểu phẩm về đề tài phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho người học.

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong công tác quản lý, giáo dục không để người học phạm tội, vi phạm pháp luật và đặc biệt quan tâm đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt; Tổ chức ký cam kết giữa Nhà trường - Ban đại diện cha mẹ học sinh - Công an địa phương về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục phổ thông.

Giao UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các nội dung phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh trên địa bàn và chịu trách nhiệm chính về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; môi trường văn hóa ngoài trường học, để không ảnh hưởng xấu đến văn hóa ứng xử trong trường học.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer