Hội chứng ủ quá ấm cho bé có thể gây ra hiện tượng gì?

Vào những ngày trời trở rét, bố mẹ thường lo lắng con bị lạnh nên mặc rất nhiều quần áo vào người trẻ. Thế nhưng, đôi khi hành động lo lắng quá mức này của bố mẹ lại có thể gây ra hội chứng ủ quá ấm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
15/12/2020 15:07

Hội chứng ủ quá ấm cho bé là gì? Hội chứng này có thể gây ra hiện tượng  gì?

4-cach-giu-am-cho-tre-so-sinh-mua-dong-giup-co-the-be-am-ap-hon

Hình minh họa

Hội chứng ủ quá ấm cho trẻ hay còn được gọi là hội chứng che phủ - muggy dễ xảy ra vào mùa lạnh, thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi. Việc ủ ấm quá lâu hoặc để trẻ ngạt thở quá lâu có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy, sốt cao, vã mồ hôi, mất nước, co giật, hôn mê và suy hô hấp, tuần hoàn, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong, rất dễ để lại di chứng thần kinh nặng nề.

Tại sao bé lại dễ mắc hội chứng ủ quá ấm?

3

Hình minh họa

Cha mẹ mới sinh con đầu lòng chưa có kinh nghiệm thường sợ con bị lạnh vào mùa đông nên mặc quá nhiều và che phủ quá nhiều chăn, lại để con ngủ chung giữa cha và mẹ sẽ gây ra tình trạng quá nhiệt, quá nóng. Vì trẻ còn quá nhỏ, chức năng trung tâm điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện, khả năng thích nghi với ngoại cảnh và khả năng điều chỉnh kém, không kịp điều chỉnh khi gặp tình trạng quá nhiệt, quá nóng này.

Ngoài ra, bé không có khả năng truyền đạt cảm xúc, suy nghĩ, không thể tự yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ, do đó, khi cha mẹ thấy có điều gì đó không ổn thì bé đã ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Biểu hiện nào cho thấy bé đang mắc hội chứng ủ quá ấm?

Nếu các trường hợp sau đây xảy ra, bạn nên xem xét liệu con mình có mắc hội chứng ủ quá ấm không:

- Có tiền sử rõ ràng về việc bị che phủ, ủ ấm, chẳng hạn như ôm em bé, cho bé mặc quá nhiều áo, hoặc quấn chăn mền quá chặt, nhiệt độ trong phòng quá cao...

- Em bé có sức khỏe tốt trước khi phát bệnh và thường khởi phát sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 41-43 độ C, toàn thân vã mồ hôi, ướt đẫm quần áo, đầu tỏa ra nhiều hơi nước nóng, thân nhiệt có thể giảm hoặc không tăng sau khi vã mồ hôi, toàn thân ê ẩm, không cử động được, không ăn uống được.

- Trẻ cũng có thể có nước da, môi tím, thở nhanh hoặc không đều hoặc ngừng thở tạm thời. Một phần lớn trẻ sẽ bị co giật và trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bất tỉnh.

Tránh tình trạng bé mắc hội chứng ủ quá ấm bố mẹ cần lưu ý gì?

mac-nhieu-quan-ao-phunutoday_vn-1(1)
  • Không được ủ ấm quá mức

Nhiều mẹ lo sợ bé yêu bị lạnh nên đã chọn cách đóng kín cho con bằng việc mặc quần áo thật dày, kín trước khi đi ngủ. Nhưng trên thực tế đây là cách giữ ấm không khoa học.

Mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi, làm nhiễm lạnh ngược và bé dễ bị viêm phổi. Ngoài ra, việc ủ quá nhiều lớp áo, chăn gây nóng còn dễ khiến làn da mỏng manh của trẻ bị viêm, ngứa, gây cho bé sự khó chịu. Ở một mức độ nào đó, ủ ấm quá mức còn khiến trẻ bị đột tử.

Để tạo giấc ngủ ngon và an toàn cho sức khỏe của bé, mẹ cần chọn quần áo ngủ cho con sao cho thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của bé không nên dày, bí quá. Mẹ nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm, giúp da “thở” được như cotton là tốt nhất.

Tránh đồ ngủ có ruy-băng, dây buộc, đính chuỗi hạt hoặc những chi tiết trang trí khác vì nó có thể quấn cổ bé. Các mẹ cũng nên tránh mua những bộ đồ ngủ có quá nhiều kim tuyến lấp lánh vì ánh sáng của kim tuyến trong bóng tối có khả năng thu hút côn trùng rất cao.

  • Không nên đội mũ ấm đi ngủ

Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.

  • Giữ ấm bụng và chân

Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn. Khi bé ngủ, bạn vẫn có thể quấn khăn để đề phòng bé đạp chăn sẽ bị hở bụng.

Mẹ nên nhớ đeo cho bé một đôi tất. Đây là cách tốt để giữ ấm cho những ngón chân của bé khi trời lạnh. Đừng đắp quá nhiều chăn dày, nặng cho bé vì nóng quá sẽ làm bé tăng thoát nhiệt ở đầu, dẫn tới dễ bị đột tử khi ngủ.

  • Chú ý nhiệt độ trong phòng

Để giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, mẹ cần đảm bảo phòng ngủ của trẻ đủ kín đáo, không bị gió lùa. Cần đặt bé ngủ ở chỗ tránh hơi của máy điều hòa phả vào và tránh nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.

Nếu dùng máy điều hòa ấm thì mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ trong phòng bé là 20-25ºC. Nếu dùng quạt sưởi hay máy sưởi thì mẹ cần tính toán khoảng cách giữa bé và nguồn nhiệt. Từ đó, có quyết định giữ ấm cho bé hợp lý. Mẹ cần lưu ý các thiết bị tạo nhiệt sẽ làm không khí trong phòng bị khô, do đó một chiếc máy tạo độ ẩm hoặc một bát nước đặt trong phòng giúp không khí dễ chịu hơn.

Diệu Hằng

comment Bình luận

largeer