Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam: Hành trình 15 năm phát triển

Nhân kỷ niệm 15 năm Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, tìm hiểu về quá trình thành lập và những kết quả đạt được trong hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như trong xây dựng và phát triển Hội 15 năm qua là một việc rất cần thiết
08/01/2024 16:40

Để làm cho mọi cán bộ hội viên của Hội và cộng đồng thấy rõ được ý nghĩa chính trị, nhân văn, đạo lý sâu sắc, tôn chỉ, mục đích cao cả của sự nghiệp mà Hội đang phấn đấu. Qua đó, tập hợp, động viên mọi người cùng đồng tâm hiệp lực phấn đấu vì sự nghiệp “Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”.

c1

Quá trình thành lập Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Cùng với tìm hiểu về truyền thống dân tộc, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện, tài liệu liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trực tiếp là Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, ý tưởng thành lập Hội ra đời. Ngày 23/10/2007, Ban vận động được hình thành với 12 thành viên và ngày 29/01/2008 Bộ Y tế ra quyết định số 345/QĐ-BYT công nhận Ban vận động thành lập Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam”.

Ngày 25/12/2008, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 1710 /QĐ – BNV cho phép thành lập “Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam”.

Công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội được quan tâm hàng đầu

Với vai trò là người sáng lập, Chủ tịch đầu tiên của Hội, ông Vũ Oanh (lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam) luôn là người rất tâm huyết, hết lòng hết sức chăm lo vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng và cải thiện chất lượng nòi giống của dân tộc Việt Nam. Ông cùng với lãnh đạo Trung ương Hội luôn để hết tâm trí suy nghĩ, phát huy thế mạnh của mình, đề xuất nhiều ý tưởng, nội dung, phương thức hoạt động của Hội cũng như trong việc tập hợp, kết nối mọi thành phần, đối tượng trong cộng đồng tham gia để đẩy mạnh hoạt động, xây dựng và phát triển Hội.

Mặc dù Hội là một tổ chức xã hội, hoạt động với tinh thần tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và không vì mục đích lợi nhuận, Hội đã vận động, kết nối được nhiều chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao; nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu ở các ngành, các cấp, các doanh nhân, doanh nghiệp, các dòng họ tham gia vào Ban lãnh đạo, các Ban chuyên môn của Trung ương Hội và hội viên của Hội

Hội đã tổ chức thành công 3 kỳ đại hội đại biểu nhiệm kỳ. Tại mỗi kỳ đại hội, ngoài việc kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ qua một cách nghiêm túc, các đại hội đều đã đề ra được mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ hoạt động của nhiệm kỳ tới một cách toàn diện, phù hợp với thực tiễn và một tinh thần phát triển. Các đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội của nhiệm kỳ bao gồm chủ yếu là các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo cấp cao, các doanh nhân tham gia. Chủ tịch Hội khóa I là ông Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), Chủ tịch khóa II và III của Hội là ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng.  

Đại hội Đại biểu lần thứ I được tổ chức ngày 14/3/2009 tại Hà Nội, có sự tham dự của 284 đại biểu, đã thông qua dự thảo Điều lệ, và ngày 12/10/2009, được Bộ Nội vụ ra Quyết định số 1442/QĐ-BNV phê duyệt Điều lệ - Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam chính thức bước vào hoạt động. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Ban kiểm tra Trung ương Hội; cùng với Chủ tịch Vũ Oanh, Ban lãnh đạo Trung ương Hội có sự tham gia của các ông bà: PGS.TS Nguyễn Thị Chính, PGS.TS Dương Xuân Đạm, GS.VS Phạm Song, Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, ông Cư Hòa Vần, BS Thân Đức Tài.

Đại hội quyết định lấy ngày 25/12 là ngày truyền thống của Hội

Đại hội Đại biểu lần thứ II được tổ chức ngày 20/3/2016 tại Thủ đô Hà Nội, cùng với đánh giá kết quả thực hiện sự nghiệp của khóa I, Đại hội đã xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 – 2021 là: “Tiếp tục phấn đấu theo mục đích tôn chỉ đã khẳng định, đồng thời phải đưa sự nghiệp phát triển lên một tầm cao mới”, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Công tác vận động, tập hợp, quy tụ phải được mở rộng rãi với mọi cá nhân, tổ chức, các dòng họ, các chuyên gia, mọi người, mọi nhà và toàn xã hội cùng đồng tâm thực hiện sự nghiệp; Giữ mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan Đảng và Nhà nước để nhận sự chỉ đạo và giúp đỡ.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội được đại hội bầu ra có nhiều sự đổi mới trong chuyển giao thế hệ, sự tham gia của lực lượng trẻ tuổi và của các doanh nghiệp. Ban lãnh đạo Trung ương Hội, cùng với Chủ tịch Nguyễn Hồng Quân, các Phó Chủ tịch có sự tham gia của GS.TS.BS.TTND Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, nguyên Vụ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Chính... Ngoài ra, trong nhiệm kỳ còn bầu bổ sung TS Nguyễn Thiên Trưởng, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số-Gia đình & Trẻ em Việt Nam), PGS.TS.TTND Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế làm Phó Chủ tịch Hội.

Đại hội nhất trí suy tôn ông Vũ Oanh làm Chủ tịch Danh dự của Hội

Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức ngày 25/12/2021, bằng hình thức online và offline với hơn 10 đầu cầu do đại dịch COVID-19. Đại hội đã khẳng định tính chất, ý nghĩa cao cả của sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Trung ương được bầu ra gồm những người có tâm huyết, trẻ khỏe, có kiến thức và điều kiện tham gia. Ông Nguyễn Hồng Quân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch cùng với 7 Phó Chủ tịch gồm: TS Nguyễn Thiện Trưởng, PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh; PGS.TS Nguyễn Thị Chính, TS Lê Đình Tiến (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), TS.BS.TTND Lê Thị Hằng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Thản (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Ao Vua), TS. Vương Văn Việt (Tổng Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng), Doanh nhân Vũ Việt Anh. Đại hội nhất trí tiếp tục suy tôn cụ Vũ Oanh làm Chủ tịch Danh dự của Hội.

Hội đã xây dựng được Cơ quan Trung ương Hội với 10 ban chức năng, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng (in, điện tử) và trang website; thành lập được 10 viện nghiên cứu và 19 trung tâm có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động như một đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ; 3 khối chuyên môn: Khối Dương sinh Tâm thể với 40 đầu mối các loại hình đơn vị với hơn 40 vạn người tham gia, triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp Dưỡng sinh Tâm Thể; Khối Chăm sóc sức khỏe sắc đẹp và Spa thẩm mỹ với 41 chi hội và hơn 500 hội viên tập thể trực thuộc, đã thu hút được hơn 2.000 cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe sắc đẹp, đào tạo cho hàng nghìn lượt nhân viên kỹ thuật; Câu lạc bộ doanh nhân doanh nghiệp vì sức khỏe cộng đồng đã kết nối tập hợp gần 300 doanh nghiệp. Đặc biệt, Hội đã thành lập và kết nạp được trên 3.000 liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ ở cơ sở, hội và trung tâm cấp tỉnh, với hàng triệu hội viên, hoạt động trên địa bàn của hơn 50 tỉnh, thành phố. Đây là lực lượng chủ yếu tạo ra những phong trào quần chúng chăm sóc sức khỏe chủ động rộng rãi và hiệu quả tại các cộng đồng dân cư.

Phát triển được mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị

 Hội đã được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành tiếp và làm việc, động viên và cho nhiều ý kiến chỉ đạo sâu sắc. Hội đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân giai đoạn 2019 – 2026 với Bộ Y tế; Các chương trình phối hợp với Hội Nam Y Việt Nam, Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, Hội Quân dân y Việt Nam, Hội Bác sĩ gia đình Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam; Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam; Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Nông nghiệp tuần hoàn; Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo... nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hoạt động hợp tác quốc tế với một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng được tích cực triển khai. Trên cơ sở hợp tác, Hội đã được Hội Xúc tiến ngoại giao Nhật Bản tài trợ 20 xe cứu thương, phân cấp cho các đơn vị hội viên liên kết, để vận chuyển bệnh nhân rất hiệu quả, nhất là tham gia vận chuyển nhân đạo bệnh nhân trong giai đoạn dịch COVID-19.

Hoạt động giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

Quán triệt các quan điểm của Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt”, hoạt động của Hội trong những năm qua được tập trung triển khai khá toàn diện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Một số hoạt động nổi bật là:

Công tác truyền thông về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe đạt hiệu quả thiết thực

Đây là chức năng, nhiệm vụ trung tâm, nội dung được tập trung là tuyên truyền, tư vấn, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức và phương pháp về sức khỏe và tự bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe; về chế độ dinh dưỡng, ăn uống; vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và bảo vệ môi trường...; các bệnh không lây nhiễm, kiểm soát đường huyết và bệnh đái tháo đường, bệnh cơ xương khớp và tim mạch...

Hướng dẫn và tổ chức tập luyện các bài vận động dưỡng sinh (dưỡng sinh tâm thể, dưỡng sinh kinh lạc, dưỡng sinh dịch cốt trụ, yoga...) cũng như các phương pháp chăm sóc sức khỏe chủ động để tăng cường sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật; theo dõi, tầm soát sớm sức khỏe, thăm khám - chữa - điều trị  bằng các phương pháp y học cổ truyền cho cộng đồng... tạo nên phong trào luyện tập tự chăm sóc sức khỏe rộng rãi, sôi nổi ở nhiều địa phương với sự tham gia thường xuyên của hơn 2 triệu người.

Cùng với tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, các đơn vị trong Hội còn tổ chức hàng năm từ 30 đến 40 các hội thảo khoa học, diễn đàn, lớp tập huấn; công tác truyền thông còn được qua Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, cổng thông tin điện tử, với hơn 2 triệu lượt người cập nhật thường xuyên; biên soạn và xuất bản gần 30 đầu tài liệu, làm nhiều phim tài liệu, video clip;... để phổ biến đến cộng đồng.

Nhiều đề án, dự án, sự kiện được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực

Hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng như: “Chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng”; Đề án “Góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cơ sở”; Đề án “Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng”; Đề án “Góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở”. Các chương trình, dự án hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các hội viên doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp; Các đơn vị trực thuộc hội cũng xây dựng và triển khai nhiều đề án, dự án phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Bộ Y tế và một số tổ chức quốc tế hàng năm tổ chức các dự án như: Dự án truyền thông về tác hại của thuốc lá, về sinh an toàn thực phẩm, dự án sữa cho bà bầu... cho hội viên của Hội và cộng đồng trong cả nước.

Tổ chức hàng loạt các sự kiện “Vì sức khỏe người Việt”; “Vinh danh người thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng”, “Chung tay chăm sóc sức khỏe cộng đồng”; phối hợp tổ chức hàng chục “Ngày hội sức khỏe người cao tuổi”; “Hành trình vì sức khỏe cộng đồng”; “Giải bóng chuyền hơi toàn quốc” cho người trung, cao tuổi... tại các địa phương, thu hút sự tham gia của hàng trăm, hàng nghìn người trong mỗi sự kiện.

Mô hình giáo dục sớm trẻ em từ 0-6 tuổi đi vào cuộc sống và phát triển sâu rộng 

Hội mà trực tiếp là Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người- IPD đã đẩy mạnh nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, biên soạn hàng chục tài liệu, liên kết hợp tác với các trường đại học đào tạo giáo viên mầm non, các trường thực nghiệm, trường mầm non thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm... tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng rộng rãi các kiến thức, kỹ năng, mô hình về giáo dục sớm cho cộng đồng. Đồng thời tổ chức thành công nhiều hội thảo, diễn đàn về chủ đề “Giáo dục sớm nâng cao năng lực trẻ em những năm đầu đời, lý luận và thực tiễn”, “Giáo dục sáng tạo và thích ứng đối với trẻ em trong thời kỳ bình thường mới”…, qua đó làm rõ hơn ý nghĩa, cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn về giáo dục sớm trẻ em; thực tiễn nhận thức về giáo dục sớm ở nước ta hiện nay, qua đó có nhiều những đề xuất kiến nghị về chủ trương, chính sách cho Nhà nước, được dư luận đánh giá cao.

Hoạt động thiện nguyện được tổ chức thường xuyên, công khai, kịp thời, đúng đối tượng

Trong suốt 15 năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây, toàn Hội và các hội viên đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tri ân những người có công; hỗ trợ đồng bào vùng bị bão lũ, vùng sâu vùng xa, người nghèo, khuyết tật; đặc biệt là hỗ trợ đồng bào vùng bị dịch bệnh, dịch COVID-19; xây dựng cầu qua sông suối, kênh rạch; tặng phương tiện, thiết bị cơ sở vật chất khám chữa bệnh; tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ xóa đói giảm nghèo,... với giá trị quyên góp lên đến nhiều tỷ đồng mỗi năm. Từ năm 2020 đến nay, Hội đã tổ chức khoảng 50 đợt từ thiện, với tổng giá trị hiện vật và tiền mặt lên đến gần 20 tỷ đồng, riêng Văn phòng đại diện của Hội tại TP. HCM, từ năm 2018 đến nay, đã vận động thiện nguyện và trao quà trị giá gần 3 tỷ đồng.

 Các hoạt động thiện nguyện nêu trên đến nay vẫn đang được lan tỏa và được các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên và hội viên tiếp tục vận động cộng đồng triển khai thường xuyên, liên tục tại các địa phương trong cả nước.

Hoạt động của Hội được triển khai tích cực, rộng rãi, đa dạng trên các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, gắn với cơ sở địa phương, đã góp phần thiết thực trong chăm sóc - nâng cao sức khỏe - đẩy lùi bệnh tật cho cộng đồng, giảm tải cho các bệnh viện và tiết kiệm chi phí xã hội, cũng như chi phí của người dân và gia đình. Kết quả hoạt động của Hội được lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành và cơ quan chức năng các cấp, các địa phương, xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

 NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát huy các thành tích, kết quả đã đạt được trong 15 năm qua, cán bộ hội viên trong toàn Hội đang tập trung triển khai mạnh mẽ các mặt công tác chính sau đây:

Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của Hội theo hướng tinh gọn, năng động, linh hoạt, hiệu quả. Đa dạng các loại hình tổ chức cơ sở Hội. Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên trên tinh thần tự nguyện. Chú trọng vùng sâu vùng xa khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Tiếp cận và triển khai toàn diện hoạt động trong các lĩnh vực về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe (sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe môi trường, sức khỏe dân số) với các nội dung, hình thức, bước đi thích hợp. Tích cực tham gia nghiên cứu phát huy và phát triển y dược học cổ truyền, các phương pháp bài thuốc dân gian trong chăm sóc nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, phòng chống dịch COVID - 19; giữ gìn bảo vệ môi trường. Mở rộng áp dụng chương trình, kiến thức, kỹ năng giáo dục sớm trẻ em từ 0-6 tuổi trên phạm vi cả nước.

Phối hợp triển khai rộng rãi và hiệu quả Đề án “Góp phần xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở” và Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng”.

 Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như về hình ảnh, xây dựng và phát triển Hội trong tình hình mới.

Tăng cường các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế để giới thiệu về sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hoạt động của Hội, kêu gọi sự phối hợp và  hỗ trợ giúp đỡ. Triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp đã hoặc sẽ ký kết.

Đẩy mạnh công tác phản biện xã hội, phản ánh tình hình thực tiễn và tham gia đóng góp có chất lượng, hiệu quả vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Tích cực vận động, huy động các nguồn lực xã hội và tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo những điều kiện cần thiết, để thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Hội đề ra. Thành lập “Quỹ Từ thiện vì cộng đồng” và nhanh chóng đưa quỹ đi vào hoạt động vì hội viên và cộng đồng.

Đại tá Tạ Quang Vinh

(Tổng Thư ký Trung ương Hội GDCSSKCĐ Việt Nam)

comment Bình luận

largeer