Hội nghị tế bào gốc 2023: Nội dung "Ghép tế bào gốc trung mô điều trị lão hóa, viêm" thu hút sự quan tâm

Ngày 8/12, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị khoa học tế bào gốc lần thứ 12 với chủ đề "Các công nghệ và sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc" và ra mắt chi Hội Chống lão hóa TP.HCM.
09/12/2023 21:48

Trong các nội dung báo cáo, nội dung "Ghép tế bào gốc trung mô điều trị lão hóa, viêm" của Bác sĩ Phan Thanh Hào - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Quốc tế DNA, tân chủ tịch chi hội Chống lão hóa TP.HCM thu hút sự quan tâm.

Sau 40 tuổi, cơ thể của con người đã bắt đầu quá trình lão hóa, độ tuổi càng lớn thì quá trình này diễn ra càng nhanh. Lão hóa sẽ khiến cơ thể con người giảm khả năng chống chọi với stress, mất dần cân bằng nội môi và tăng nguy cơ mắc bệnh tật. Đây là vấn đề được hầu hết mọi người quan tâm và tìm giải pháp để hạn chế quá trình lão hóa của bản thân.

hoi nghi te bao goc 4

Bác sĩ Phan Thanh Hào chia sẻ kết quả ban đầu trong nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trung mô điều trị lão hóa, viêm

Ngày nay, khoa học ngày càng tiến bộ đã đưa con người tiếp cận với nhiều phương pháp như công nghệ gene, sự biến đổi của tế bào. Nhằm ứng dụng công nghệ vào thực tiễn phục vụ cuộc sống, tại Hội nghị khoa học Tế bào gốc 2023, BS. Phan Thanh Hào cho biết, nhóm nghiên cứu của Bệnh viện DNA đã dùng tế bào gốc trung mô để thực hiện phương pháp nghiên cứu giải quyết vấn đề lão hoá.

Lão hoá là vấn đề rộng, liên quan nhiều nhóm bệnh về cơ xương khớp, thần kinh, tim mạch, bệnh chuyển hoá như tiểu đường, mỡ máu, béo phì, hay nhóm bệnh ung thư. Ở đề tài nghiên cứu, các bác sĩ của bệnh viện đã tập trung vào phương pháp ghép tế bào gốc từ mô mỡ tự thân ở bệnh nhân viêm cấp độ thấp liên quan đến lão hoá đối với Cytokine tiền viêm và Cytokine chống viêm còn gọi lão hoá liên quan hệ miễn dịch. Sau khi được Bộ Y tế cấp phép thực hiện đề tài, 12 bệnh nhân, độ tuổi từ 40 đến 64 (7 nam và 5 nữ) đã tham gia vào quá trình nghiên cứu. “Chúng tôi thực hiện nghiên cứu trên cơ sở sử dụng tế bào gốc trung mô (tế bào gốc có từ tủy xương, mô cuống rốn của em bé). Đây là mô mỡ tự thân của những người có vấn đề lão hoá viêm để nuôi cấy, truyền tế bào gốc lại cho chính người đó. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện pha 1 trên 12 bệnh nhân. Tế bào gốc hiện đã được truyền vào bệnh nhân 2 lần” – BS. Thanh Hào cho biết.

hoi nghi te bao goc 3

PGS.TS.BS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, cho biết tế bào gốc điều trị cả lão hóa

Sau khi truyền tế bào gốc, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá các kết quả về sự an toàn và những tác động liên quan. Theo đó, tất cả các bệnh nhân đều khỏe mạnh bình thường, không có bất kỳ biến cố nào. Xét nghiệm đánh giá tình trạng của người bệnh trước và sau khi truyền cho thấy có sự cải tiến rõ rệt, các yếu tố cytokine gây viêm giảm hẳn.

Theo nhận định của BS. Thanh Hào, thực tế trên cho thấy, phương pháp truyền tế bào gốc tự thân có giá trị đánh giá về mặt khoa học. “Chúng tôi khẳng định việc truyền tế bào gốc tự thân này đạt được 2 tiêu chí là cải thiện các chỉ số gây viêm, thứ hai là an toàn. Kết quả nghiên cứu pha 1 đã được bệnh viện trình Bộ Y tế phê duyệt thông qua giai đoạn 1. Bộ Y tế đã đồng ý cho phép thực hiện tiếp giai đoạn 2 trên quy mô 60 bệnh nhân, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2023. Đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục trình kết quả nghiên cứu pha 2 lên Bộ Y tế” BS. Thanh Hào nói.

BS. Phan Thanh Hào chia sẻ thêm: “Đây là đề tài chống lão hoá sử dụng tế bào gốc trung mô, do bệnh viện DNA thực hiện đầu tiên tại Việt Nam. Kết thúc quá trình truyền 6 tháng, qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng ở 12 bệnh nhân cho thấy, chỉ số lão hóa viêm giảm rõ rệt. Về mặt lâm sàng da dẻ bệnh nhân hồng hào, căng mịn, ngủ ngon, tinh thần thoải mái”.

Hoi nghi Te bao goc

Ra mắt Chi hội Chống lão hóa TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.BS Trần Công Toại, chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM, cho biết: "Với khả năng đặc biệt của mình, tế bào gốc đã mở ra một thế giới mới về điều trị bệnh, y học tái tạo. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc ứng dụng tế bào gốc để chữa trị nhiều loại bệnh lý, từ các bệnh lý ung thư cho đến các vấn đề về tim mạch và thậm chí là lão hóa".

Còn ông Lê Thanh Minh, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho rằng: "Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng, nơi sự hiểu biết và ứng dụng về gene và tế bào gốc đã và đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội.  Từ việc nắm bắt khả năng chữa trị các bệnh lý di truyền đến khả năng tái tạo mô cơ thể, chúng ta đang chứng kiến thành quả to lớn của sự tiến bộ về khoa học và công nghệ".

Ông Minh cũng thông tin thêm về những chính sách đột phá của TP.HCM có liên quan để thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực ưu tiên của TP, trong đó có lĩnh vực gene và tế bào gốc.

hoi nghi te bao goc 2

Tân chủ tịch Chi hội Chống lão hóa TP.HCM nhận nhiệm vụ

Trong khuôn khổ của hội nghị tế bào gốc lần thứ 12 tại TP.HCM, Ban Chấp hành Hội Tế bào gốc TP.HCM đã ra mắt Chi hội Chống lão hóa TP.HCM, bầu bác sĩ Phan Thanh Hào làm Chủ tịch chi hội này. Chức năng, nhiệm vụ của chi hội thực hiện theo điều lệ của Hội Tế bào gốc TP.HCM.

Tình Vũ (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer