Làm gì khi bị hạ đường huyết vào buổi sáng?

Hạ đường huyết vào buổi sáng là khi lượng đường trong máu xuống quá thấp khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, lo âu... khi thức dậy vào buổi sáng. Tình trạng hạ đường huyết cần được xử trí nhanh, kịp thời để hạn chế những biến chứng nặng nề do hạ đường huyết gây nên.
12/08/2023 09:05

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.

Bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà

Bệnh nhân đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà

Nguyên nhân gây hạ đường huyết vào buổi sáng?

Hạ đường huyết vào buổi sáng khá phổ biến ở những người dùng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Đường huyết có thể giảm sau một đêm ngủ dậy, chỉ số đường huyết lúc này được gọi là đường huyết lúc đói. Mức đường huyết lúc đói bình thường đối với người mắc đái tháo đường là từ 70 đến 130mg/dl. Khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới 70mg/dl, người bệnh có thể gặp các triệu chứng hạ đường huyết.

Một số nguyên nhân khác gây ra đường huyết thấp vào buổi sáng bao gồm: mang thai, sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích, sử dụng một số loại thuốc như thuốc trị tiểu đường, insulin hoặc thuốc điều trị viêm phổi pentamidine. Chế độ ăn không hợp lý và mắc bệnh nền như ung thư hoặc các khối u lớn cũng khiến cơ thể cần sử dụng nhiều glucose và insulin hơn.

Triệu chứng hạ đường huyết

Ban đầu, các triệu chứng hạ đường huyết sẽ là nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, run tay và đói. Tuy nhiên, nếu lượng đường trong máu tiếp tục giảm, người bệnh có thể cảm thấy đau đầu, lẫn, cáu kỉnh, co giật và thậm chí hôn mê nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng chung thường gặp bao gồm: bồn chồn, run rẩy hoặc đổ mồ hôi, mất phối hợp, lo lắng, cáu gắt, kiệt sức, đau đầu, yếu, chóng mặt, khó tập trung, nhịp tim nhanh, tái xanh, buồn nôn hoặc đau dạ dày, đau cơ, mờ mắt.

Nếu hạ đường huyết không được điều trị, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn như ngất xỉu và mất ý thức, co giật. Hạ đường huyết nghiêm trọng là một cấp cứu y tế khẩn cấp.

Cách xử lý khi bị hạ đường huyết

Điều trị hạ đường huyết phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do đói, cần ăn một bữa ăn giàu glucose, như trái cây ngọt và bánh ngọt, một cốc nước ép trái cây, viên glucose hoặc kẹo... Những người bệnh đái tháo đường hay bị hạ đường huyết vào buổi sáng có thể trao đổi với bác sĩ điều trị để thay đổi liều lượng thuốc hoặc thay đổi chế độ ăn uống phù hợp.

Nếu hạ đường huyết vì rượu, nên tránh uống nhiều rượu. Nếu không thể tránh được việc uống rượu, cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trước và sau khi uống rượu, tránh mất glucose trong cơ thể.

Các nguyên nhân khác gây hạ đường huyết buổi sáng có thể nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, những người thường xuyên gặp phải tình trạng hạ đường huyết vào buổi sáng nên đi khám bác sĩ.

Phòng ngừa hạ đường huyết

- Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức.

- Không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.

- Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh đái tháo đường.

- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác...

- Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

- Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khỏe. Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường... trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.

CDC Đà Nẵng

comment Bình luận

largeer