Lãnh đạo CDC Hà Nội nói về ổ dịch Bệnh viện Việt Đức: Rất phức tạp

Trước diễn biến mới của ổ dịch Bệnh viện Việt Đức khi các ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng, lãnh đạo CDC Hà Nội đã đưa ra những đánh giá ban đầu.
By Hải Yến/ Sức Khỏe Cộng Đồng
02/10/2021 18:26
Lực lượng chức năng lập rào chắn ở ổ dịch Bệnh viện Việt Đức.

Lực lượng chức năng lập rào chắn ở ổ dịch Bệnh viện Việt Đức.

Tin mới liên quan đến tình hình tại ổ dịch Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tính đến chiều 2/10, đã có tổng cộng 28 ca nhiễm.

Trong số đó, Hà Nội ghi nhận 22 trường hợp dương tính, các tỉnh, thành phố khác cũng phát hiện ca nhiễm liên quan ổ dịch này là Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Nam Định (3), Hải Dương (1).

Các trường hợp nhiễm COVID-19 tại đây gồm 9 người nhà bệnh nhân, 8 bệnh nhân đang điều trị nội trú, 5 nhân viên, một người bán cơm trước cổng bệnh viện.

Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức đã có thời gian lây nhiễm dài

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội nhận định, ổ dịch liên quan Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lưu hành tại bệnh viện trước đó một thời gian. Tải lượng virus ghi nhận ở các bệnh nhân ở nhiều cấp độ khác nhau, nên ổ dịch này đã qua nhiều chu kì lây nhiễm, những người mắc bệnh đầu tiên có thể đã khỏi bệnh.

CDC Hà Nội dự báo số ca nhiễm sẽ còn tăng lên, có thể lây lan ra nhiều tỉnh thành khác, vì Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện Trung ương, ngoại khoa, tuyến cuối của cả nước và là nơi thu dung điều trị cho các bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội, mà còn các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Nam... nên lượng người bệnh, người nhà rất nhiều.

"Do bệnh nhân từ khắp cả nước đổ về, nên để xác định nguồn lây thực sự rất khó. Bệnh viện hiện đã phong tỏa toàn bộ", lãnh đạo CDC nói.

Trao đổi với báo chí, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho biết: Đối với nguồn lây ở "ổ dịch" này hiện chưa xác định được cụ thể.

Đoàn Công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Việt Đức.

Đoàn Công tác của Bộ Y tế làm việc tại Bệnh viện Việt Đức.

Nhưng qua các chỉ số bước đầu cho thấy, ở đây, đã có nhiều mức hay độ tuổi của mức độ lây nhiễm bệnh rồi chứ không phải 1 mức, tức là có trường hợp nhiễm cũ và lây nhiễm mới.

Dự báo khó khăn

Lãnh đạo CDC Hà Nội đánh giá, tại Bệnh viện Việt Đức có các khối nhà riêng biệt nên việc cách ly từng khối nhà khi có ca nhiễm cũng thuận tiện. Tuy nhiên, đây là bệnh viện T.Ư, ngoại khoa, tuyến cuối của cả nước và là nơi thu dung điều trị cho các bệnh nhân ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc, miền Trung... nên lượng người bệnh, người nhà rất nhiều.

Ngoài ra, còn đội ngũ nhân viên, đối tác, nhân viên giao hàng, giao thuốc, vật tư, giao máu... Đồng thời, hiện mới làm xét nghiệm và có kết quả của hơn 1.500 cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện còn số cán bộ, nhân viên ở nhà chưa được xét nghiệm. Số nhân viên phục vụ vẫn đang tiếp tục được lấy mẫu, xét nghiệm chưa có kết quả. Số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện vẫn đang được rà soát, lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài ra, tại một số tỉnh là Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận các ca dương tính SARS-CoV-2 là người trở về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Do đó, hiện nay, chưa thể đánh giá, dự báo rõ ràng được. Con số thực tế các ca nhiễm sẽ chỉ ra khi có kết quả xét nghiệm.

"Bước đầu, chúng tôi nhận định, tình hình dịch ở đây có thể sẽ khó khăn, phức tạp hơn chứ không giống như nhận định lúc đầu là dịch chỉ khoanh vùng ở tầng 7, tầng 8 là khu D của bệnh viện", Phó giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh.

Về việc có nên kiến nghị phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức như đối với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, hay Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 không, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay, hiện chưa thực hiện việc này.

Tuy nhiên, khi chưa đánh giá được hết nguy cơ thì Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải tạm thời phong tỏa các khu vực liên quan phát hiện ca bệnh và dừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh thông thường, chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, nguy kịch, chạy thận nhân tạo.

comment Bình luận

largeer