Lãnh đạo đường sắt nói về đề xuất nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản: Cũ người mới ta?

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất Thủ tướng cho nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản. Nhiều băn khoăn được dư luận đưa ra.
By Hải Yến/ Sức Khỏe Cộng Đồng
17/10/2021 16:59
Lãnh đạo đường sắt nói về đề xuất nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản đang gây xôn xao.

Lãnh đạo đường sắt nói về đề xuất nhập 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản đang gây xôn xao.

Tin tức về việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề nghị Thủ tướng cho phép nhập khẩu 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản, đang khiến dư luận xôn xao.

Được biết, các toa tàu này được sản xuất từ năm 1979-1982, đã qua sử dụng do doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản chuyển giao miễn phí để cải tạo, khai thác.

Nhập khẩu 37 toa tàu 40 năm tuổi của Nhật Bản - "cũ người mới ta"?

Theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Vừa qua, đối tác của VNR là Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) thông báo sẽ ngừng khai thác một số toa xe tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 để chuyển sang dòng xe mới hơn.

JR East sẵn sàng chuyển giao miễn phí cho VNR 37 toa xe trên nếu có nhu cầu (phía Việt Nam sẽ chịu các chi phí liên quan như nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với quy định Việt Nam).

Các toa xe Kiha 40 và Kiha 48 là loại toa xe tự vận hành, chuyên chở khách, được sản xuất từ năm 1979-1982. Toa xe trang bị ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68-82 chỗ ngồi, 28-34 chỗ đứng, tốc độ vận hành tối đa 95km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067mm của Nhật Bản.

Các toa xe này có thể vận hành độc lập hoặc dễ dàng ghép nối thành đoàn tàu với quy mô tùy theo nhu cầu sử dụng. Sau khoảng 40 năm vận hành, cả 2 loại toa xe Kiha 40 và Kiha 48 không gặp bất cứ vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng.

Thực tế, trong những năm gần đây, phía Nhật Bản đã chuyển giao hàng trăm toa xe DMU và EMU đã qua sử dụng cho đường sắt các nước Myanmar, Indonesia và Philippines để khai thác vận tải hành khách.

Đường sắt Việt Nam hiện đang sử dụng toa xe truyền thống với đoàn tàu gồm 1 đầu máy kéo hoặc đẩy đoàn toa xe. Việc thành lập, dồn dịch đoàn tàu thường mất thời gian, tốn kém chi phí.

Đặc biệt, trên các tuyến có khối lượng vận tải ít vẫn phải duy trì chạy tàu phục vụ an sinh xã hội vẫn phải duy trì đoàn tàu với 1 đầu máy và đoàn toa xe.

Do đó, VNR cho rằng việc tiếp nhận các toa xe DMU đã qua sử dụng để cải tạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam khai thác chở khách trên đường sắt Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, việc này làm giảm đáng kể chi phí đầu tư đóng mới toa xe do chi phí nhập khẩu, cải tạo toa xe phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với chi phí đóng mới toa xe khách hiện đại; tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ việc đóng mới, sử dụng loại toa xe tự hành để chở khách trên đường sắt Việt Nam trong tương lai; tạo điều kiện phát triển cơ khí đường sắt để cung cấp các sản phẩm phục vụ đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

Ngoài ra, việc sử dụng toa xe tự vận hành sẽ giảm được thời gian lập tàu, giảm chi phí chạy tàu; thuận lợi khi chủ động bố trí chiều dài đoàn tàu tùy nhu cầu khai thác vận tải trên từng tuyến có cự ly ngăn đế tối ưu hóa chi phí vận tải.

Hiện đại hóa hay cổ vật hóa?

Việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị nhập 37 toa xe cũ sản xuất giai đoạn 1979-1982, được Nhật Bản chuyển giao miễn phí cũng nhanh chóng đã tạo một cuộc tranh luận sôi nổi từ phía dư luận.

Nhiều người có quan điểm ủng hộ việc nhập các toa tàu cũ đều cho rằng tuy cũ nhưng đồ Nhật bền và an toàn.

Trong khi đó, không ít người cho rằng việc nhập các toa tàu cũ sẽ khiến đường sắt phải cải tạo, từ đó chi phí cũng tương đối lớn. Đồng thời cho rằng, đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu rồi giờ mà thêm tàu cũ nữa thì biết bao giờ mới thay đổi được?

Báo Tiền Phong dẫn trao đổi từ lãnh đạo VNR cho biết: Khổ ray cũ của các toa xe Nhật Bản loại lần này là hơn 1m, trong khi khổ ray của mình là 1m, nên nếu được tiếp nhận, đường sắt sẽ phải cải tạo lại cho phù hợp.

Theo VNR, việc tiếp nhận các toa tàu của Nhật đã qua sử dụng, cải tạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư đóng mới toa xe; tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới phục vụ việc đóng mới...

Theo quy định hiện hành, toa tàu chở khách đã qua sử dụng nhập khẩu không được quá 10 năm. Niên hạn với toa tàu khách Việt Nam quy định không quá 40 năm. Do đó, VNR phải kiến nghị và Thủ tướng đồng ý mới được phép nhập khẩu, đưa vào sử dụng.

comment Bình luận

largeer