Móng chân đen cảnh báo bệnh gì?

Nhiều trường hợp móng chân bị đen có thể là do chấn thương nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm mà chúng ta không thể coi thường được.
23/04/2021 15:53

Cấy tạo của móng chân

Móng có chức năng bảo vệ, giúp mạng lưới thần kinh dày đặc ở các đầu chi khỏi bị tổn thương, đồng thời chúng còn có tác dụng tăng độ nhạy của xúc giác ở các đầu ngón tay, chân. Bên cạnh đó, nó còn là một thứ vũ khí để tự vệ, tấn công, đồng thời móng cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể.

Ở người khỏe mạnh, mỗi ngày móng dài thêm khoảng 0,1-0,15 mm, móng tay phát triển nhanh hơn móng chân, tốc độ tăng trưởng tùy thuộc vào từng cá thể khác nhau (tăng nhanh ở trẻ em và người trẻ, giảm ở người lớn tuổi) và cũng khác nhau giữa các móng. Bên cạnh đó, thời tiết cũng cho thấy có sự ảnh hưởng nhất định, cụ thể mùa hè móng sẽ tăng trưởng nhanh hơn mùa đông. Thời gian tăng trưởng trung bình của móng từ lớp biểu bì liên móng (eponychium) đến bờ móng là khoảng 6 tháng.

Móng mọc trực tiếp từ biểu bì (epidermis) và được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm cứng như sừng gọi là keratin Keratin cũng là thành phần căn bản của tóc và lớp ngoài cùng của da.

mong chan

Móng chân đen cảnh báo bệnh gì?

Xét về cấu trúc, cấu tạo móng chân người, móng tay người thường bao gồm 3 lớp:

  • Đĩa móng/ Bản móng: là phần ngoài, có thể nhìn thấy được của móng. Được cấu tạo bởi lớp sừng keratin và phát triển suốt đời. Đĩa móng có màu hồng do nằm trên giường móng có nhiều mạch máu nuôi dưỡng. 

  • Giường móng: là phần mô mềm nằm bên dưới đĩa móng, có chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cho móng có màu hồng. 

  • Mầm móng: được coi là phần “rễ”, tập trung các mạch máu, chịu trách nhiệm nâng đỡ và phát triển móng.

Móng chân bị đen cảnh báo bệnh gì?

Tụ máu dưới móng: Làm rơi một vật nặng lên chân hoặc bị chấn thương trong quá trình vận động có thể gây vỡ mạch máu dưới móng khiến máu chảy ra bên dưới. Đây chính là nguyên nhân khiến móng chân có màu thâm đen.

Nhiễm nấm: Móng chân đặc biệt rất dễ bị nhiễm nấm vì khi chúng ta đi giày, tất khiến chân bị bí bách, ẩm ướt. Đây là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh mẽ. Do đó nấm có thể sinh trưởng dưới móng, khiến móng có màu đen và còn bốc mùi. Trong một số trường hợp, nấm từ bàn chân có thể lây lan sang phần móng, gây đổi màu móng. Khi bị bệnh, chúng ta nên đi khám để được tư vấn điều trị và dùng thuốc thích hợp. 

Ung thư hắc tố da (melanoma): ung thư hắc tố da là dạng ung thư da nguy hiểm nhất, thường xuất hiện trước hết với một điểm sẫm màu trên da. Điểm sẫm màu này có thể phát triển  bên dưới móng chân, khiến chúng trở nên tối màu. Nếu phát hiện móng chân đổi màu một cách chậm chạp nhưng không phải do chấn thương hay đau đớn gì, nên đi khám ngay.

Lưu ý: Cần chú ý sự thay đổi màu sắc của móng chân để kịp thời phát hiện và điều trị. Ngoài ra, chúng ta cần vệ sinh chân sạch sẽ, giữ cho chân khô thoáng, thường xuyên cắt tỉa móng chân để tránh nhiễm bệnh. Ngoài ra, không nên lạm dụng việc làm móng chân, sơn móng chân vì các hóa chất có trong sơn tạo màu có thể khiến móng bị tổn thương, không khỏe mạnh và dễ sinh bệnh.

Hồng Anh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer