Nam giới đừng chủ quan với phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH) là tình trạng tuyến tiền liệt to lên ở nam giới, gây rối loạn tiểu tiện và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Hiểu rõ chức năng tuyến tiền liệt, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
27/06/2025 09:22

Tuyến tiền liệt: Cơ chế hoạt động và vai trò sinh lý

Tuyến tiền liệt là một cơ quan nhỏ có hình dáng như quả óc chó, nặng khoảng 10 - 20 gram và chỉ có ở nam giới. Vị trí của tuyến nằm ngay bên dưới bàng quang, bao quanh đoạn đầu của niệu đạo. Vai trò chính của tuyến tiền liệt là tiết ra dịch lỏng giàu dinh dưỡng, tạo thành một phần của tinh dịch, giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng. Ngoài ra, tuyến này còn hoạt động như một “hàng rào sinh học”, góp phần ngăn vi khuẩn, độc tố và các hóa chất xâm nhập vào đường tiết niệu.

Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH) có thể khởi phát từ sau tuổi 30 nhưng thường chỉ biểu hiện rõ rệt ở nam giới trên 50 tuổi, đây là độ tuổi được ghi nhận có hơn 50% người mắc phải. Khi tuyến tiền liệt phát triển quá mức, nó gây chèn ép lên niệu đạo, buộc bàng quang phải co bóp mạnh hơn để đẩy nước tiểu ra ngoài. Kết quả là dòng tiểu yếu, tiểu khó, tiểu đêm và cảm giác tiểu không hết… những triệu chứng điển hình của BPH do ứ đọng nước tiểu kéo dài.

phi-dai-tuyen-tien-liet-1

Phì đại tiền liệt tuyến bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 30 (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt

Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra phì đại tuyến tiền liệt lành tính (BPH), nhưng các nghiên cứu cho thấy bệnh có mối liên hệ mật thiết với tuổi tác và sự thay đổi nội tiết tố. Thực tế, BPH không xảy ra ở những nam giới bị cắt tinh hoàn trước tuổi dậy thì, điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của hormone sinh dục nam trong sự phát triển của tuyến tiền liệt.

Hai giả thuyết nổi bật giải thích cơ chế hình thành BPH gồm:

- Mất cân bằng giữa Estrogen và Testosterone: Khi tuổi tác tăng, lượng testosterone trong cơ thể nam giới giảm dần, trong khi estrogen (một hormone cũng hiện diện với nồng độ thấp ở nam giới) lại không giảm tương ứng, dẫn đến sự gia tăng tương đối của estrogen. Tình trạng này có thể kích thích sự phát triển quá mức của tế bào tuyến tiền liệt.

- Tích tụ Dihydrotestosterone (DHT): DHT là dạng chuyển hóa mạnh hơn của testosterone, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì kích thước tuyến tiền liệt. Dù testosterone trong máu suy giảm theo tuổi, tuyến tiền liệt vẫn tiếp tục sản xuất DHT và tích tụ ở mức cao, kích thích các tế bào tăng sinh, dẫn đến phì đại.

Triệu chứng phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt gây ra nhóm triệu chứng đường tiểu dưới (LUTS) do niệu đạo bị chèn ép và bàng quang phải hoạt động quá mức. Người bệnh thường tiểu nhiều lần trong ngày (trên 8 lần), buồn tiểu gấp, khó nhịn. Việc tiểu khó, dòng tiểu yếu, phải rặn hoặc tiểu ngắt quãng là dấu hiệu thường gặp. 

Ngoài ra, thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu (tiểu đêm), rò rỉ nước tiểu không kiểm soát (són tiểu) cũng là những biểu hiện điển hình. Trong một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị ho kéo dài hoặc tức ngực do bàng quang ứ nước tiểu gây áp lực vùng bụng.

Biến chứng và đối tượng nguy cơ

Dù phần lớn trường hợp BPH không gây biến chứng nghiêm trọng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với các vấn đề như bí tiểu (cấp hoặc mãn tính), tiểu máu, nhiễm trùng tiết niệu tái phát, giãn hoặc suy yếu bàng quang. Về lâu dài, BPH còn có thể dẫn đến tổn thương thận, suy giảm chức năng thận, thậm chí gây suy thận. Ngoài ra, tình trạng ứ đọng nước tiểu cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi bàng quang.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc BPH bao gồm nam giới trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh, người thừa cân, ít vận động hoặc có các bệnh lý như tiểu đường tuýp 2, tim mạch và rối loạn cương dương. Lối sống không lành mạnh cũng góp phần thúc đẩy tiến triển của bệnh.

Điều trị phì đại tuyến tiền liệt 

Tùy vào mức độ nặng nhẹ, điều trị BPH có thể bắt đầu bằng thay đổi lối sống như hạn chế uống nhiều nước buổi tối, tránh caffeine, rượu và một số thuốc gây tiểu nhiều. Tập cơ sàn chậu và điều trị táo bón cũng giúp cải thiện triệu chứng. 

Nếu cần, bác sĩ sẽ kê thuốc chẹn alpha hoặc thuốc ức chế 5-alpha reductase để giảm kích thước tuyến tiền liệt và cải thiện dòng tiểu. Trong trường hợp thuốc không hiệu quả hoặc triệu chứng nặng, các thủ thuật xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật sẽ được xem xét để khắc phục triệt để.

Huỳnh Đạt (tổng hợp)

comment Bình luận