Người dân gửi tiền từ thiện cho Thủy Tiên "là một dạng hợp đồng cho-tặng có điều kiện"

Những ngày qua, các vấn đề liên quan đến từ thiện đang được cộng đồng quan tâm và bình luận xôn xao hơn bao giờ hết. Vấn đề này nổi lên sau chuỗi các hoạt động từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên sau khi nhanh chóng quyên góp được số tiền lớn ủng hộ bà con miền Trung.
31/10/2020 14:18

Thuỷ Tiên muốn cho lại ai, cho bao nhiêu, đó là quyền của cô ấy

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn Luật sư TPHCM đưa ra quan điểm dưới góc độ pháp lý.

Theo luật sư, không tự nhiên mà các mạnh thường quân (là những người không quen biết) lại chuyển tiền ủng hộ vào tài khoản cho Thuỷ Tiên với số tiền rất lớn. Theo thông báo của Thuỷ Tiên trên facebook thì số tiền đã lên tới con số 150 tỷ đồng. Điều đó cho thấy độ xác tín của Thuỷ Tiên trong lòng nhiều người.

Hành động của Thủy Tiên giữa lúc đồng bào miền Trung đang phải chịu nhiều mất mát, đau thương là vô cùng kịp thời, cao cả, không trái với thuần phong mỹ tục, không đi ngược với luân thường đạo lý, và đặc biệt không bị đóng khung bởi các quy định của pháp luật.

ngap

Đồng bào miền Trung chịu nhiều thiệt hại sau bão lũ. 

Như đã nói, con số 150 tỷ là con số vô cùng lớn và có ích đối với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lúc này. Tuy nhiên, việc sử dụng số tiền ấy của Thủy Tiên lại đang được nhiều người đánh giá, bình luận.

Xét về mặt pháp luật, các mạnh thường quân chuyển tiền vào tài khoản của Thuỷ Tiên 150 tỷ đồng, ở đây có thể hiểu người ủng hộ và Thuỷ Tiên đã giao kết với nhau một hợp đồng tặng - cho tài sản có điều kiện - điều này trong Bộ Luật Dân sự đã quy định và điều chỉnh rất rõ. Đó là giao dịch dân sự tự nguyện và khi nhận, Thuỷ Tiên muốn cho lại ai cho bao nhiêu đó là quyền của cô ấy. Nội dung chuyển khoản: “tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung” đơn thuần chỉ là một điều kiện trong giao dịch dân sự này.

Đây là giao dịch dân sự tự nguyện, hoàn toàn hợp pháp, đối tượng giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật.

ls huy tuan

Luật sưu Trần Huy Tuấn - Đoàn Luật sư TPHCM.

Luật sư Huy Tuấn nhân định, trường hợp, nếu người tặng - cho có chứng cứ xác thực là điều kiện của giao dịch không được thực hiện, thì người tặng - cho có quyền khởi kiện ra Toà án đề nghị huỷ bỏ hợp đồng tặng - cho. Mặt khác, nếu có chứng cứ Thuỷ Tiên dùng tiền mà người dân tặng (có điều kiện) mà cô ấy sử dụng cho mục đích cá nhân, thì Thuỷ Tiên đã vi phạm điều kiện của hợp đồng, vậy người dân có quyền đòi lại thông qua việc khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng tặng - cho.

"Nếu việc sử dụng tiền, hàng cứu trợ kéo quá dài thì cần làm rõ lý do"

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Vũ Quang Bá – Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho biết:

Việc các cá nhân dùng uy tín và ảnh hưởng của mình để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ những người dân gặp thiên tai, là những hành động nêu trên rất đáng quý, cần được khuyến khích khi thực hiện theo đúng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân Việt Nam.

“Tuy nhiên, việc sử dụng tiền, hàng hóa từ thiện phải đảm bảo trong thời hạn hợp lý, đúng mục đích của người ủng hộ, cũng như cam kết của người tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ nhằm kịp thời hỗ trợ cho người dân vùng lũ. Nếu việc sử dụng tiền, hàng cứu trợ kéo quá dài thì cần làm rõ lý do có mục đích gian dối, động cơ vụ lợi không, hay vì nguyên nhân khách quan nào khác.

 Bởi lẽ nếu không sử dụng kịp thời tiền, hàng cứu trợ sẽ không đảm bảo tính hiệu quả cho việc cứu trợ người dân, hàng cứu trợ có thể hư hỏng, không sử dụng được…điều này cũng phần nào không đảm đúng mục đích mong muốn của người ủng hộ cũng như đúng những cam kết của người tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”, Luật sư nhận định.

Theo đó, trường hợp, người tiếp nhận có hành vi gian dối như đưa ra những thông tin sai sự thật về việc từ thiện, sử dụng tiền, hàng cứu trợ để chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ hoặc vì vụ lợi mà cố ý sử dụng trái phép tiền, hàng cứu trợ thì tùy từng mức độ có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác hoặc hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nếu hành vi của người tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015) hoặc tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 Bộ luật hình sự năm 2015). Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

ls

Luật sư Vũ Quang Bá - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Hiện nay, về hoạt động từ thiện ngoài nghị định 64/2008/NĐ-CP, thì còn có nghị định số 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Việc thành lập quỹ từ thiện mục đích nhằm đảm bảo việc tiếp nhận và sử dụng quỹ từ nguồn tiền quyên góp của các cá nhân, tổ chức được thực hiện công khai, minh bạch, hiệu quả.

Khó khăn khi lập quỹ từ thiện?

Theo Luật sư Vũ Quang Bá, để thành lập quỹ từ thiện không phải dễ dàng. Theo Nghị định 93/2019/NĐ-CP về việc thành lập quỹ từ thiện, một trong những “khó khăn” khi lập quỹ từ thiện là trình tự, thủ tục, thời hạn để quỹ từ thiện đủ điều kiện hoạt động tốn khá nhiều thời gian. Theo đó, để quỹ từ hiện đủ điều kiện hoạt động thì sau khi quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, còn phải tiếp tục “hành trình” nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động.

Theo đó, quỹ từ thiện do cá nhân lập trong thời hạn 40 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ nếu đủ điều kiện thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp phép thành lập. Tiếp đó, trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập, quỹ có trách nhiệm gửi hồ sơ theo quy định đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét quyết định công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động và công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ. Như vậy, lúc này quỹ từ thiện mới được coi là đủ điều kiện để hoạt động theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 93/2019/NĐ-CP một trong những “khó khăn” khi lập quỹ từ thiện là việc các sáng lập viên phải có cam kết và cung cấp tài liệu chứng minh tài sản đóng góp tài sản thành lập quỹ. Theo đó, nếu quỹ hoạt động trong phạm vi liên tỉnh hoặc toàn quốc thì phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập là 6.5 tỷ đồng; đối với quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh là 1,3 tỷ đồng; cấp huyện là 130 triệu đồng và cấp xã là 25 triệu đồng. Trường hợp quỹ có sự tham gia góp tài sản của người nước ngoài thì số tiền cam kết đảm bảo sẽ cao hơn. Như liên tỉnh là 8,7 tỷ đồng, trong phạm vi cấp tỉnh là 3,7 tỷ đồng…

Tài sản đóng góp thành lập quỹ phải được chuyển quyền sở hữu cho quỹ trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ.

Dương Nhung

comment Bình luận

largeer