Nhũ hương giúp tan máu bầm, điều trị mụn nhọt sưng tấy và trúng gió độc

Trong kho tàng cây thuốc, vị thuốc Việt Nam có rất nhiều dược liệu thơm. Những loại này không chỉ được dùng làm thuốc mà còn trở thành nguyên liệu trong chế tạo nước hoa và hương nhang. Trong số đó, có thể kể đến nhũ hương.
09/06/2023 16:26

Vài nét về nhũ hương

Nhũ hương là nhựa gôm của cây Pistacia lentiscus, hay còn gọi là cây huân lục hương, cây dương nhũ hương. Loài này có xuất xứ từ Ấn Độ và các nước ven Địa Trung Hải (vì vậy, nguồn dược liệu hiện có ở nước ta là nhập khẩu).

Đặc điểm cây: Thân gỗ nhỡ, cao khoảng 5m, lá kép lông chim, toàn cây có nhựa.

Đặc điểm nhựa (nhũ hương):

Thu hoạch: Nhựa cây thường được thu vào tháng 6 và phơi trong chỗ râm mát.

Tính chất: Nhựa lúc trên cây nhỏ xuống có dạng hình giọt, sau khi thu lấy thì không có hình thù nhất định và có tính mềm dẻo. Lúc mới trích, nhựa có màu vàng nhạt và trong suốt, để lâu thì chuyển sang màu đục hơn (nhìn bên ngoài thì có màu trắng mờ, bên trong thì bóng và trong suốt, nếu cắn vào thì sẽ dính răng).

Mùi vị: Khi đốt lên, nhũ hương tỏa hương thơm mát, dễ chịu (tro than có màu đen).

Tính vị: Nhũ hương vị cay và có tính ấm.

Nhũ hương giúp tan máu bầm, điều trị mụn nhọt sưng tấy và trúng gió độc. Ảnh: Caythuoc.org

Nhũ hương giúp tan máu bầm, điều trị mụn nhọt sưng tấy và trúng gió độc. Ảnh: Caythuoc.org

Nhũ hương có công dụng gì?

Nói đến nhũ hương là nói đến tác dụng hoạt huyết, hành khí. Khi đi vào cơ thể, dược chất thông vào gan, thận; giúp điều khí, tiêu giải ung độc và bài trừ các loại khí độc.

Các sách y học còn ghi lại nhiều công dụng của nhũ hương như:

- Trừ các chất độc kết tụ trong mụn nhọt, chứng gân cốt cứng và phụ nữ khó sinh nở.

- Điều trị các chứng như cấm khẩu do trúng gió độc, say rượu bị trúng gió lạnh, giúp tiêu độc sang nhọt và dùng cho trường hợp phụ nữ huyết trệ.

- Dùng cho người bị chấn thương do đòn ngã, máu bầm sưng đau hoặc tức ngực do huyết ứ, khí trệ và ho.

Liều lượng: Mỗi ngày dùng từ 3 – 6g bằng cách sắc uống hoặc tán bột uống (gia giảm theo tình trạng bệnh và chỉ dẫn của thầy thuốc).

Ngoài ra, ở Ấn Độ, cây này còn được biết đến với tác dụng lợi niệu, giúp ngừng ho. Vì vậy, dân gian cũng dùng nó trong điều trị ho, viêm phế quản và bí tiểu tiện.

Những người không nên dùng nhũ hương

Người bị bệnh mà không có ứ trệ hoặc ung nhọt đã vỡ mủ thì không nên dùng.

Vì thuốc có tính hoạt huyết nên phụ nữ mang thai và những người kinh nguyệt ra quá nhiều cũng không nên dùng.

Các bài thuốc thường dùng

Khi bị hóc xương, nếu có nhũ hương, bạn có thể lấy một ít (khoảng 4g), nghiền thành bột rồi pha với nước và uống.

Không chỉ thế, trong nhiều trường hợp, nhũ hương còn được dùng chung với các vị thuốc khác để hỗ trợ, hiệp đồng về hoạt tính, từ đó giúp bệnh mau khỏi hơn. Có thể kể ra một số trường hợp như:

Điều trị máu bầm tím và sưng đau do chấn thương, đòn ngã, bị đánh

Chuẩn bị: Nhũ hương, xuyên khung và một dược (mỗi loại 5g), cam thảo Bắc (3g), huyết kiệt (6g), xích thược, sinh địa và mẫu đơn bì (mỗi loại 10g).

Thực hiện: Nghiền các vị trên thành bột rồi trộn đều và để dùng dần.

Liều lượng: Mỗi lần uống 3g bột, mỗi ngày uống hai lần và uống bằng nước ấm (nếu người bệnh biết uống rượu và không bị bệnh gan thì có thể uống thuốc bằng rượu trắng thông thường).

Điều trị mụn nhọt sưng tấy gây đau nhức (mụn chưa vỡ mủ)

Chuẩn bị: Nhũ hương, một dược (mỗi loại 5g), cam thảo Bắc, hoàng kỳ, đại hoàng, mẫu lệ, ngưu bàng tử, thiên hoa phấn (mỗi loại 10g) và kim ngân hoa (15g).

Thực hiện: Nấu lấy nước uống mỗi ngày một thang.

Cao dán nhọt giúp tiêu độc

Chuẩn bị: Các loại nguyên liệu như nhũ hương, phèn chua đã phi lên, hoàng cầm, hoàng liên, hạt xà sàng, khổ sâm và đại hoàng…

Thực hiện: Xay các vị trên cho nhuyễn rồi cho vào nồi, đổ mỡ lợn vào và nấu cho thành cao rồi phết lên giấy, sau đó dán lên mụn nhọt.

Ghi chú: Cao dán này dùng cho trường mụn nhọt lâu ngày (hoặc mụn nhọt lặn chỗ này rồi lại mọc chỗ khác).

Phân biệt: Ở tỉnh An Giang có cây mò giấy (hay còn gọi là mò gỗ, chập chạ trắng) có tên khoa học là Litsea monopetala. Cây này cũng được gọi là nhũ hương (lá mọc so le, phiến lá to hơn chứ không phải lá kép lông chim như cây nhũ hương trong bài viết này). Vì vậy, khi dùng cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer