Những bộ phận cơ thể cần quan tâm đặc biệt sau tuổi 50

Sau 50 tuổi, cơ thể bắt đầu có nhiều thay đổi do quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Nếu muốn duy trì sức khỏe tốt nhất có thể, các chuyên gia sức khỏe Mỹ khuyến nghị mọi người cần đặc biệt chú ý một số bộ phận cơ thể quan trọng như sau.
01/11/2023 18:00

Mắt

Bác sĩ nhãn khoa Alice C. Lorch cho biết ngay cả khi bạn có thị lực hoàn hảo, thì vẫn nên duy trì thói quen khám mắt từ 1-3 năm/lần để sớm chẩn đoán và kiểm soát các bệnh mắt phổ biến do tuổi tác - như thoái hóa điểm vàng và tăng nhãn áp. Để bảo vệ mắt, các chuyên gia cho biết ngoài tránh xa thuốc lá, chúng ta có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng bằng cách bổ sung vitamin. Còn khi phát hiện thị lực bị mờ vì đục thủy tinh thể, cần hỏi ý kiến bác sĩ để tìm giải pháp điều trị kịp thời.

Răng và nướu

Hiệp hội Nha khoa Mỹ cho biết, mặc dù thói quen vệ sinh răng miệng cơ bản đã giúp mọi người giữ được hầu hết bộ răng cho đến cuối đời, song chúng ta vẫn phải chăm sóc răng và nướu kỹ lưỡng khi qua tuổi trung niên. Lý do là khi lớn tuổi, quá trình tụt nướu và tiêu xương diễn ra nhanh hơn và có thể làm lộ một số chân răng. Sau 50 tuổi, chúng ta cũng giảm tiết nước bọt, vốn giúp hòa tan các axít tạo ra từ quá trình phân hủy thức ăn, nên cũng dễ hại răng hơn.

Nhằm giữ cho răng và nướu khỏe mạnh lâu dài, ngoài tăng cường vệ sinh răng miệng, chúng ta cần tránh nhai đá lạnh hoặc cắn vật cứng để không bị sứt mẻ men răng.

Ảnh minh họa: AAPR

Ảnh minh họa: AAPR

Chân

Bác sĩ chuyên khoa chân Michael Tritto cho biết, nhiều bệnh nhân trên 50 tuổi mắc bệnh nghiêm trọng về chân, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Bên cạnh sức ép lâu dài do gánh chịu trọng lượng cơ thể, các vết chai ở lòng bàn chân, tình trạng biến dạng ngón chân cái là những nguyên nhân phổ biến làm cho chân kém linh hoạt, dễ dẫn đến bệnh về đầu gối, hông và lưng. Không chỉ vậy, người từ 40-60 tuổi còn dễ mắc bệnh viêm gân gan bàn chân, dải mô nối xương gót chân với các ngón chân. 

Để phòng tránh các vấn đề ở gan bàn chân, đau gót chân và viêm gân Achilles, bác sĩ Tritto khuyến nghị người có tuổi nên thường xuyên mang giày dép để nâng đỡ chân, ngay cả khi đi trong nhà. 

Cơ sàn chậu

Nhiều người có thể nghĩ rằng cơ sàn chậu - phần cơ trải dài từ xương mu đến xương cụt - là mối quan tâm của phụ nữ, nhưng nó cũng quan trọng đối với nam giới. “Cơ sàn chậu nâng đỡ ruột, bàng quang và tử cung nếu là nữ hoặc tuyến tiền liệt nếu là nam”, chuyên gia vật lý trị liệu Kandis B. Daroski giải thích. Thông thường, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người bị rối loạn sàn chậu (thường là do sinh nở). Tình trạng suy yếu cơ vùng chậu ở phụ nữ có thể dẫn đến tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ, gây đau và sa trễ khi các cơ quan vùng chậu chùng xuống. Nam giới cũng có thể bị tiểu không tự chủ, đặc biệt là khi có vấn đề ở tuyến tiền liệt.

Hông và đầu gối

Neil J. Cobelli, Chủ tịch khoa phẫu thuật chỉnh hình tại Trung tâm Y tế Montefiore cho biết: “Đầu gối và hông là những khớp xương chịu sức nặng, cũng như phải chịu nhiều áp lực hơn các khớp xương khác như vai hoặc khuỷu tay. Và việc bị đau ở đầu gối hoặc hông sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống”. Tuy nhiên, đau hông và đầu gối là tình trạng phổ biến sau 50 tuổi và thường dẫn đến phẫu thuật. Nguyên nhân gây đau thường là do vận động mạnh, chơi môn thể thao dễ bị chấn thương đầu gối, hoặc do béo phì. 

Theo Cobelli, giảm cân và tập thể dục là những biện pháp tốt để giảm thiểu đau khớp hông và đầu gối, trường hợp phẫu thuật chỉ được xem xét khi tình trạng tổn thương ở những bộ phận này ở mức nghiêm trọng. 

Tai 

Bác sĩ tai mũi họng Daniel Rontal cho biết quá trình suy giảm thính lực thường diễn ra ở độ tuổi 50-60. Nhưng theo Hiệp hội Khiếm thính Mỹ, những thay đổi về thính giác không dễ nhận thấy qua từng năm và trung bình một người phải mất 7 năm mới tìm đến biện pháp trợ thính. Do đó, kiểm tra thính lực định kỳ từ sau tuổi 50 có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ nguy cơ mất thính giác, cũng như nguy cơ trầm cảm và mất trí nhớ - hai bệnh đều liên quan đến thính giác kém. Bác sĩ Rontal cho biết một lý do khác để chăm sóc sức khỏe đôi tai là vì cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong khả năng giữ thăng bằng và phòng ngừa té ngã, nguy cơ phổ biến và nguy hiểm đối với người lớn tuổi.

Theo AARP

comment Bình luận

largeer