Phát hiện vật thể lạ trong phế quản khiến người phụ nữ ho liên tục suốt 2 năm

Trưa 31/12, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thông tin vừa mổ nội soi, lấy ra ngoài mảnh xương, thịt gà nằm suốt 2 năm trong phế quản cho bà N.T.T. (62 tuổi, nhà ở quận 7).
31/12/2020 15:04

Qua khai thác bệnh sử, bà T. chỉ bị tăng huyết áp, tiểu đường, chứ không mắc bệnh về hô hấp. Cố gắng hỏi thăm bệnh nhân, bác sĩ phát hiện cách đây 2 năm, bà T. bị sặc cháo gà, lúc đó bà không khó thở, không tím tái, chỉ bị ho. Cơn ho cho đến nay vẫn không dứt.

Nghi ngờ bệnh nhân có thể bị dị vật đường thở nhưng… bị bỏ quên nên bác sĩ chụp CT ngực. Kết quả cho thấy, phế quản bên trái có dị vật, xơ hóa nhẹ ngoại vi thùy lưỡi trái. Ngay trong đêm, bác sĩ đã mổ nội soi, xử lý dị vật cho bà T.

ho keo dai

Bác sĩ hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bà T.

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Thúy – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng cho biết: “Dị vật được xác định là mảnh xương gà kích thước 1x1,5cm. Mảnh xương này vẫn còn phần thịt gà dính vào. May mắn, phần thịt không bị phân hủy, xương gà không đâm vào các mô phế quản hay mạch máu. Vì vậy, sau khi mảnh xương được gắp ra ngoài, bà T. đã khỏe lại, dứt các cơn ho. Đây là trường hợp dị vật “ngủ quên” lâu nhất mà bệnh viện tiếp nhận”.

Không còn bị các cơn ho hành hạ, bà T. không giấu được sự vui mừng: “Tôi mệt mỏi không thể tả khi các cơn ho ngắn, dài liên tục kéo đến. Mỗi lần ho xong lại bị đau ngực, đau âm ỉ theo nhịp thở. Tôi đi khám nhiều bệnh viện, có nơi bác sĩ nói tôi bị viêm phổi mạn tính, hen phế quản rồi cho thuốc uống. Tôi uống thuốc rất đúng giờ, nhưng hết thuốc là lại ho.

Bất lực, con tôi nghe nói có thầy Đông y giỏi, đưa tôi đến bốc thuốc. Tôi uống vài thang thuốc, cả thuốc tễ vẫn không ăn thua. Thầy kêu phải kiên nhẫn nhưng tôi chịu không nổi.

Tuần trước, tôi ho… tưởng chết, con trai tôi thấy vậy đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM. Lúc này mới biết chỉ vì mảnh xương gà tôi bị hóc cách đây tận 2 năm”, bà T. nói.

Nhớ lại tình huống tai hại này, bà T. cho biết, năm 2018, khi đang ăn cháo gà cùng gia đình thì bị sặc. Lúc đó bà hơi khó thở, có cảm giác mảnh xương gà nằm trong cổ họng nên cố gắng khạc xương ra ngoài. Khạc gần 1 tiếng đồng hồ, bà thấy không còn vướng xương nữa, nghĩ mảnh xương này đã xuống dạ dày. Khoảng vài tháng sau, bà xuất hiện cơn ho rồi kéo dài đến nay. Bà T. rất lo ngại bởi bà bị điều trị nhầm bệnh trong thời gian dài.

Về vấn đề này, bác sĩ Thúy cho biết, điều trị kháng sinh kéo dài nên bà T. đối diện với nguy cơ kháng kháng sinh sau này. Bên cạnh đó, thuốc hen suyễn có thành phần corticoid, uống quá lâu, bà T. cũng có thể bị một số biến chứng như run tay, mệt mỏi... 

Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - nếu dị vật bị bỏ quên quá lâu, nguy cơ xảy ra biến chứng và tổn thương phổi sẽ tăng lên. Bệnh nhân có thể bị ho kéo dài, ho ra máu, viêm phổi, nhiễm trùng, nặng hơn sẽ gây áp-xe phổi, xẹp phổi, tràn khí màn phổi dẫn đến tử vong.

Vì vậy, nếu xuất hiện các cơn ho sau khi bị sặc nước, sặc thức ăn, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa, khai thật rõ bệnh sử để bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Từ đó phát hiện và xử lý kịp thời, tránh kéo dài gây nguy hiểm cũng như giảm chất lượng cuộc sống.

Theo Phunuonline

comment Bình luận

largeer