Quảng Ninh cảnh báo tình trạng tai nạn do bỏng gia tăng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh trung bình 1 tháng thường thăm khám và điều trị cho khoảng 20 - 30 ca bỏng mức độ từ nhẹ đến nặng.
05/08/2022 10:11

BSCKI. Lê Xuân Thịnh, Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Với những ca bỏng nhẹ chỉ sưng đỏ, đau rát ngoài da thì sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cấp đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Trường hợp bỏng mức độ nặng, tổn thương bỏng rộng và sâu, đau nhiều thì bệnh nhân cần nhập viện để được chăm sóc và điều trị tích cực, giảm nguy cơ di chứng về sau.

tai-nan-bong-16596289870421629587886

Bệnh nhân bị bỏng khí gas (Ảnh: BVCC)

Khoa Chấn thương chỉnh hình thời gian qua tiếp nhận khá đông bệnh nhân bỏng nhập viện, có tuần điều trị nội trú cho hơn chục ca bỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: nước sôi, cồn, lửa, ống bô, điện, hóa chất... ở tất cả các độ tuổi từ trẻ đến già.

"Chúng tôi đã từng điều trị cho những trường hợp trẻ dưới 1 tuổi cho đến cụ già 70 - 80 tuổi, nhưng đa số thường gặp nhất là những đối tượng trong độ tuổi lao động, do họ thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong quá trình sinh hoạt hay từ công việc hàng ngày" - bác sĩ Thịnh cho biết thêm.

Empty

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bỏng vùng mặt do hơi nước (Ảnh: BVCC)

Mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận bệnh nhân L.V.T. (55 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị bỏng bàn tay nặng nề.

Trong quá trình sinh hoạt, bệnh nhân không may bị bỏng khí gas khiến hai bàn tay sưng phồng, rộp nước hoàn toàn. Sau thăm khám đánh giá, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng độ II, III nông toàn bộ bàn và ngón tay hai bên với diện tích 10%.

Bệnh nhân đã được cắt lọc và làm sạch tổ chức da bị hoại tử, băng ép sạch, kết hợp bù dịch, sử dụng kháng sinh, giảm đau, chống viêm toàn thân, tư vấn dinh dưỡng đầy đủ.

Sau 10 ngày được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và điều trị tích cực, các tổn thương đỏ rát, sưng tấy trên bàn tay của bệnh nhân đã lên da non, gần như phục hồi hoàn toàn, có thể tiếp xúc vận động và sinh hoạt bình thường.

"Nguy hiểm với những trường hợp bỏng như bệnh nhân trên là tình trạng sốc bỏng, nhiễm độc bỏng cấp tính, biến chứng nhiễm khuẩn… có thể khiến bệnh cảnh thêm nặng nề, làm suy giảm miễn dịch đề kháng, gây rối loạn chức năng toàn thân. Để điều trị bỏng hiệu quả thì cần đánh giá đúng mức độ, tình trạng tổn thương bỏng và diễn tiến bệnh để có phác đồ điều trị tích cực, tối ưu nhất. Bên cạnh đó, việc sơ cứu bỏng đúng cách ngay sau khi gặp nạn cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế những di chứng nặng nề về sau" - bác sĩ Thịnh cho hay.

Empty

Bàn tay của bệnh nhân phục hồi trước và sau điều trị (Ảnh: BVCC)

Để tổn thương bỏng nhanh chóng phục hồi, không chỉ nhờ vào việc điều trị, chăm sóc tích cực tại bệnh viện mà còn phụ thuộc nhiều vào sơ cứu ngay sau bỏng. Vì vậy, sơ cứu bỏng ban đầu có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp chống sốc, giảm diện tích, độ sâu của bỏng, làm diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm các biến chứng nhiễm khuẩn và nguy cơ tử vong, hạn chế di chứng về sau.

Nếu thực hiện không đúng cách sẽ làm tăng thêm độ sâu tổn thương, sốc bỏng, nhiễm khuẩn, nhiễm độc… gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, điều trị tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi bị bỏng, cần tìm mọi cách để sớm loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi nạn nhân. Ngay sau khi bị bỏng, cần lập tức ngâm vùng bị bỏng vào nước mát khoảng 20 - 30 phút hoặc cho vòi nước chảy qua nhẹ nhàng.

Trường hợp bỏng do hóa chất phải rửa sạch hóa chất bằng nước sạch. Trường hợp bỏng điện phải tách người bị nạn ra khỏi nguồn điện một cách an toàn.

Nếu bệnh nhân ngừng thở, cần thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi tim bệnh nhân đập trở lại, sau đó mới băng vết bỏng. Che phủ vết thương bằng băng gạc, vải sạch… và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, không nên sử dụng các cách chữa bỏng dân gian, truyền miệng để bôi lên vết bỏng để tránh những biến chứng nặng nề do nhiễm trùng, làm chi phí điều trị cao hơn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên chườm đá lạnh lên vết thương bỏng sẽ làm cho tổn thương càng nghiêm trọng.

Theo VTV

comment Bình luận

largeer