Số ca COVID-19 tại Hà Nội tăng, lo ngại nguy cơ bùng phát dịch diện rộng

Số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội liên tục tăng trong những ngày gần đây khiến cho nhiều người lo ngại nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn trên diện rộng.
By Minh Hải/ Sức Khỏe Cộng Đồng
11/11/2021 06:55
Số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội liên tục tăng trong những ngày gần đây khiến cho nhiều người lo ngại nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn trên diện rộng.

Số ca mắc Covid-19 tại TP Hà Nội liên tục tăng trong những ngày gần đây khiến cho nhiều người lo ngại nguy cơ bùng phát một đợt dịch lớn trên diện rộng.

Chỉ trong vài ngày gần đây, số ca bệnh tại Hà Nội liên tục tăng. Đặc biệt trong ngày hôm qua 9/11, Hà Nội ghi nhận 222 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 105 ca ngoài cộng đồng.

Tính từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5.326 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 2.122 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.204 ca.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, số F0 của thành phố Hà Nội tăng lên trong những ngày qua là rất dễ hiểu. Do dịch bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, người dân đi lại nhiều nên chuỗi lây nhiễm vẫn tồn tại.

Nhiều người tỏ ra lo ngại TP Hà Nội có thể bùng phát dịch mạnh như TP HCM, PGS Huy Nga khẳng định, dịch xảy ra ở Hà Nội khó có thể bùng phát như tại TP HCM. Do số lượng người tiêm vắc xin tại Hà Nội ở mức độ cao cho nên số ca bệnh nặng sẽ giảm. Như vậy hệ thống y tế sẽ không rơi vào tình trạng quá tải.

Để đáng giá mức độ nguy hiểm tình hình dịch tại Hà Nội là rất khó, vì Hà Nội chỉ đưa con số F0 mà không có báo cáo về người có triệu chứng nặng phải nhập viện, người tử vong, tỷ lệ người đã được tiêm vắc xin dương tính... Có những con số này thì mới có thể nhận định được tình hình dịch của thành phố.

PGS Huy Nga phân tích: "Đừng nhìn vào con số F0 tăng lên mà lo sợ, F0 tăng nhưng không có triệu chứng, không có ca nặng cần nhập viện thì không có gì lo ngại. Tại Thái Lan số ca mắc hàng ngày vẫn rất cao nhưng nước họ vẫn mở cửa cho gần 70 nước tới du lịch, trong đó có cả Việt Nam".

Tuy nhiên, vị chuyên gia dịch tễ cũng chỉ ra Hà Nội cần phải thay đổi tăng cường hệ thống cơ sở, đẩy mạnh chuyên môn để hệ thống y tế này sẽ tham gia vào chẩn đoán, điều trị và phân loại ca bệnh dương tính. Trường hợp F0 không triệu chứng có thể điều trị tại nhà. Những F0 có nguy cơ cao mới cần tới viện điều trị.

F1 thì nên cách ly tại nhà. Việc cách ly tập trung gây ra việc tốn kém và tăng nguy cơ lấy nhiễm chéo trong khu cách ly. Trên thực tế, không ít trường hợp hết thời gian cách ly tập trung khi về nhà phát hiện dương tính.

"Chúng ta dần hướng tới cuộc sống bình thường hoá cho người dân, thì việc cho F0 điều trị, F1 cách ly tại nhà cũng là cách để người dân tự giác hơn trong việc bảo vệ sức khoẻ của chính minh", PGS Huy Nga chia sẻ.

Theo CDC Hà Nội, trong ngày 10/11, thành phố phát hiện 140 ca bệnh mắc Covid-19, trong đó, 28 ca ở cộng đồng, 67 ca ở khu cách ly và 45 ca ở khu phong tỏa.

Trong số này có 79 ca đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, 23 ca đã tiêm 1 mũi.

So với 222 ca phát hiện cao 'kỷ lục' ngày 9/11, thì ngày 10/11, số lượng ca được phát hiện tại Hà Nội đã giảm mạnh.

140 ca này thuộc 10 chùm ca bệnh, ổ dịch cũ, ngoài ra có 40 ca thuộc chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt; 11 ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt; 6 ca liên quan các tỉnh có dịch; 5 ca liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát.

Phân bố 140 ca tại 17/30 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm (28), Ba Đình (27), Gia Lâm (21), Hoàng Mai (10), Hà Đông (8), Mê Linh (7), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (6), Thanh Trì (4), Ba Vì (4), Bắc Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Long Biên (4), Hoài Đức (2), Phú Xuyên (2), Chương Mỹ (1), Hai Bà Trưng (1).

comment Bình luận

largeer