Stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, những người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng, mắc bệnh mãn tính, đái tháo đường hay những người căng thẳng thần kinh, stress… có nguy cơ bị mắc bệnh lao rất cao.
18/05/2018 16:25

1. Bệnh tăng nặng vì chủ quan

Hơn một năm trước, anh N.V.T thấy người mệt mỏi, ho kéo dài và hay sốt nhẹ về chiều và đêm. Đi khám, anh được phát hiện bị bệnh lao. Điều trị một thời gian thấy lên cân, không còn bị ho kéo dài, da dẻ hồng hào nghĩ đã khỏi bệnh nên anh tự ngưng dùng thuốc. Gần đây, anh lại hay bị ho kéo dài. Nghĩ chỉ là ho thông thường, uống thuốc vào là khỏi nên anh chủ quan.

Thế nhưng, những cơn ho vẫn cứ giày vò, cơ thể anh ngày càng gầy, xanh xao. Khi thấy ho ra máu, gia đình mới vội đưa anh vào viện. Lúc này các bác sỹ cho biết anh đã bị lao kháng thuốc. Dù anh được điều trị phác đồ mới nhưng khả năng thành công thấp.

Chị Chu Thị Thanh (ở Quảng Ninh) trước đó, chị thấy ho và sốt kéo dài nghĩ là sốt virus. Dùng các loại thuốc mà không đỡ, gia đình khuyên lên Bệnh viện Phổi Trung ương kiểm tra, chị mới biết mình bị lao. Ban đầu chị không tin vào kết quả vì gia đình không ai mắc bệnh này. Khi bác sĩ giải thích, chị mới chấp nhận điều trị theo phác đồ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, có nhiều trường hợp không có triệu chứng gì nhưng khi vào viện đã ở trong giai đoạn nặng. Bởi có nhiều người cho rằng lao chỉ hay gặp ở người nghèo và có tính chất di truyền nên nếu gia đình nào có người bị lao thường bị hàng xóm xa lánh. Nhưng đây là một quan niệm hết sức sai lầm.


Khi bị ho trên 2 tuần cần đi chụp phổi để phát hiện bệnh lao sớm. Ảnh: T.G

 

Stress làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao. Khi bị ho trên 2 tuần cần đi chụp phổi để phát hiện bệnh lao sớm

Vi khuẩn lao trú ngụ ở các hang, hốc trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai mang vi khuẩn lao cũng mắc bệnh lao. Điều này có nghĩa những người khỏe mạnh vẫn đang có vi khuẩn lao trong người. Người nghèo có nguy cơ mắc lao cao hơn 2,5 lần và cái nghèo khiến họ không đủ điều kiện điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Điều trị lao khác với các bệnh khác cần thời gian dài, ít nhất 6 tháng thậm chí 2 năm nếu lao kháng thuốc. Dù vậy, nhiều bệnh nhân không kiên trì bỏ dở phác đồ điều trị nên dễ tái phát, dẫn tới tình trạng lao kháng thuốc ngày càng tăng. Nguy cơ lây bệnh sang những người khác rất cao.

Ngoài ra, bệnh lao là do vi khuẩn lao gây ra, bệnh truyền nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp, không phải là bệnh di truyền. Đây là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Ở Việt Nam, năm 2016 ước tính có 126.000 người mắc lao mới, số người chết do lao ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với số tử vong do tai nạn giao thông.

“Đáng ngại là một người mắc bệnh lao không được điều trị, mỗi năm sẽ gây bệnh cho 15 - 20 người khác. Vì vậy, giúp cho phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh cho người mắc lao chính là giúp cho mỗi chúng ta giảm nguy cơ mắc lao và tiến tới chấm dứt bệnh lao. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao gồm những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây; trường hợp suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, suy dinh dưỡng, mắc bệnh mạn tính, đái tháo đường hay những người căng thẳng thần kinh, stress… Người sử dụng các loại thuốc giảm miễn dịch kéo dài như Corticoid, hoá chất điều trị ung thư có nguy cơ mắc lao cao, cần phải cảnh giác để chủ động phát hiện bệnh lao”, PGS Nhung cho hay.

Ho, sốt kéo dài hai tuần cần nghĩ tới lao

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay, bệnh lao có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Nước ta là một trong số ít các nước có thể điều trị được tất cả các thể lao, trong đó có thể lao thông thường, lao đa kháng và thậm chí là lao siêu kháng thuốc với tỷ lệ chữa khỏi cao.

Dấu hiệu cơ bản của bệnh lao là ho kéo dài, có thể gầy sút cân, sốt, ra mồ hôi... Tuy nhiên, ho cũng là dấu hiệu của nhiều bệnh thông thường như viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... nên nhiều người chủ quan ngộ nhận lao với những bệnh thông thường nên chẩn đoán chậm. Điều này khiến bệnh có nguy cơ lây lan rộng trong cộng động và khó chữa, đặc biệt là lao phổi.

“Nếu ho, sốt kéo dài 2 tuần cần nghĩ đến bệnh lao. Đôi khi không cần đến hai tuần, mọi người nên đi chụp X-quang phổi để loại trừ. Kỹ thuật này ở đâu cũng thực hiện được từ tuyến huyện. Cùng với đó nên làm xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, đặc biệt nếu có bất thường trên phim X-quang phổi có thể làm xét nghiệm Xpert để chẩn đoán sớm bệnh lao.

Trước đây, phải cần tới 2 - 4 tháng mới biết kết quả có vi trùng lao hay không và vi trùng có kháng thuốc hay không. Nhưng với xét nghiệm Xpert sẽ cho kết quả sau 2 giờ đồng hồ. Nếu làm được như thế sẽ phát hiện sớm, việc điều trị cũng trở nên dễ sàng”, PGS.TS Nhung khuyến cáo, đây chính là chiến lược 2 X (X-quang- Xpert) của Việt Nam, sẽ được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới đây.

Stress lam tang nguy co mac benh lao

Khi được xác định mắc bệnh lao, người bệnh không nên quá lo lắng vì lao ngày nay có thể chữa lành. Nếu được phát hiện sớm, khả năng chữa khỏi tới 90%. Trước tiên, bệnh nhân lao cần thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế dù điều trị trong mạng lưới chương trình chống lao hay điều trị ở y tế tư nhân. Hiện nay, thuốc điều trị lao được cấp miễn phí trên phạm vi toàn quốc kể cả lao đa kháng và lao siêu kháng.

Trong quá trình điều trị phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc điều trị dùng thuốc đúng và đủ thời gian. Bệnh nhân điều trị đủ thời gian theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì. Không được tự ý ngừng thuốc khi cảm thấy khoẻ, bởi như vậy vi khuẩn lao có cơ hội sống sót và phát triển thành lao kháng thuốc. Lúc đó việc điều trị lao kháng thuốc sẽ khó khăn hơn gấp nhiều lần. Khi uống thuốc có thể xảy ra các phản ứng phụ, cần liên hệ ngay với cán bộ y tế, tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc, rất nguy hiểm.

Để phòng tránh bệnh, ngay từ lúc mới sinh, trẻ nhỏ có thể trạng bình thường cần được tiêm chủng vaccine BCG giúp ngăn ngừa các bệnh lao cấp tính. Bệnh lao chủ yếu lây qua đường không khí, vì vậy người bệnh, không được khạc nhổ bừa bãi xuống đất, mà phải nhổ vào giấy hoặc cốc rồi đem đốt đi. Khi bệnh đang tiến triển thì nên ngủ giường riêng, dùng riêng chén đũa, cốc chén và nhất là ở phòng thoáng, có thông khí tốt. Đeo khẩu trang hoặc dùng khăn che miệng khi ho, giao tiếp với người khác. Cần kiên trì điều trị lao đúng thời gian và theo hướng dẫn của thầy thuốc cho đến khi khỏi hẳn.

comment Bình luận

largeer