Truy xuất nguồn gốc đào rừng chơi Tết: Cần có quy định cụ thể tránh gây thiệt thòi cho người dân

Càng những ngày cận Tết, việc truy xuất nguồn gốc đào rừng hay đào nhà được người dân rất quan tâm. Nhiều chuyên gia cũng thể hiện quan điểm về vấn đề này làm sao để vừa hạn chế được việc chặt phá đào rừng vừa không làm khó người dân buôn bán.
27/01/2021 13:28

Quy định cấm chặt đào rừng chơi Tết

Từ lâu, hoa đào đã trở thành loại cây không thể thiếu trong những ngày Tết tại miền Bắc. Theo quan niệm dân gian, loài hoa này là biểu tượng của mùa xuân, mang lại nét tươi đẹp, ấm áp, mang lại sự may mắn và hạnh phúc và đặc biệt có tác dụng trừ tà ma theo truyền thuyết dân gian, ngoài ra nó làm cho tình bạn ngày càng gắn kết, thân thiết trường tồn.

Ngày nay, nhiều người ưa chuộng trưng đào rừng trong mỗi dịp Tết thay vì các loại đào trồng thông thường bởi độ đẹp, lạ mắt mà đào thường không có được. Tuy nhiên, đào rừng khi mang xuống dưới xuôi thường không tận dụng trồng lại được vì chỉ có cành đào, khí hậu và thời tiết không phù hợp nên sauTết, chúng biến thành củi khô và bị bỏ đầy đường. Điều này gây lãng phí và trở thành hình ảnh không đẹp.

 

dao rung

Đào rừng là loại cây được ưa chuộng chơi trong dịp Tết. (Hình minh họa).

Trước đó, trong bài phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp chiều 24/12, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tuyệt đối không được chặt đào và các cây khác trồng ở rừng về chơi Tết. Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kiến nghị thực hiện truy xuất nguồn gốc cây đào của tỉnh Sơn La.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 273/VPCP-NN ngày 12 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2021.

Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, trong văn bản nêu rõ, trừ cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng cây và cành đào, mai. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

“Cần có chiến lược lâu dài...tránh gây thiệt thòi cho người dân”

Thực tế, việc nghiên cứu đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc cây đào đang gặp phải nhiều tranh luận. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi – Viện Sử học nêu ý kiến với Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng: “Trước hết cần phải quy hoạch khu vực trồng đào một cách cụ thể, có chiến lược lâu dài, phù hợp với chất đất để tránh việc đào rừng do dân trồng không đẹp bằng đào rừng tự nhiên”.

nguyen thi phuong chi

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi - Viện Sử học.

Thứ trường Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ với báo chí, ngày 18/1/2021, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

“Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bất kỳ hàng hóa nào là xu hướng tất yếu chúng ta phải làm, kể cả trong xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Chắc chắn trong tương lai, hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp đều phải có truy xuất nguồn gốc.

Nhưng chúng tôi cũng quán triệt và chỉ đạo là không làm phát sinh thêm thủ tục, không gây ách tắc lưu thông đào cũng như các loại hàng hóa khác, không để việc chứng nhận nguồn gốc ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trong dịp Tết”, ông Tuấn khẳng định.

Về quan điểm về truy xuất nguồn gốc đào rừng, Bà Phương Chi cũng cho hay: “Theo tôi, về truy xuất nguồn gốc cây đào rất khó. Phải có một lực lượng nhân lực có trình độ để làm, khi Thủ tướng Chính Phủ cấm chơi đào rừng tự nhiên, người ta có thể chuyển sang mận cổ.  Đây cũng là một bài toán đặt ra cho các nhà quản lý. Cần phải có quy định, chính sách cụ thể, đề ra chính sách thì phải đi kèm theo đó các quy định, hướng dẫn cụ thể về trồng, quản lý và tiêu thụ, tránh gây thiệt thòi cho người dân”.

Theo ghi nhận, hiện nay Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia được giao chủ trì triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và là đơn vị xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, hỗ trợ Sở KH&CN tỉnh Sơn La thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc cây đào trên địa bàn tỉnh.

7 huyện của Sơn La đang triển khai dán tem truy xuất cho toàn bộ đào trồng. Hơn 5.000ha đào trồng của Sơn La cần khoảng 500.000 tem truy xuất. Các hộ dân đã nhận được đủ số lượng từ Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối với internet, người mua đào chơi Tết có thể kiểm tra được nguồn gốc cây đào qua tem dán truy xuất nguồn gốc.

Phạm Huyền - Dương Nhung

comment Bình luận

largeer