Vì sao Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường hơn 114 triệu USD?

Nhà thầu thuộc dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đòi bồi thường 114,7 triệu USD, nếu hòa giải không thành, có thể phải giải quyết tại tòa Trọng tài quốc tế.
By Hải Yến/ Sức Khỏe Cộng Đồng
29/10/2021 07:20
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường hơn 114 triệu USD.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường hơn 114 triệu USD.

Liên quan đến dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, mới đây đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, từ năm 2018 đến nay, nhà thầu nước ngoài (Liên danh Hyundai - Ghella) thi công ga ngầm và đoạn tuyến ngầm đã 3 lần gửi khiếu nại yêu cầu dự án bồi thường 114,7 triệu USD do chậm bàn giao mặt bằng thi công, dẫn đến chậm tiến độ, gây thiệt hại cho nhà thầu.

"Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại do chậm giải phóng mặt bằng (GPMB), chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công.

Từ năm 2018, nhà thầu đòi bồi thường khoảng 90 triệu USD do chậm GPMB, sau đó mặt bằng tiếp tục bị chậm nên họ tiếp tục đòi bồi thường lên đến con số trên. Nhà thầu đã gửi văn bản lên Trọng tài quốc tế. Đây là con số đơn phương nhà thầu đưa ra, còn giá trị thiệt hại thực tế cần phải được chứng minh", báo Giao Thông dẫn lời đại diện MRB.

Điều đáng chú ý, nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6 năm 2021 và đã có văn bản số HGU-MLT-00459-21-E/V ngày 26/ 6/ 2021 thông báo tạm dừng công việc. Nhà thầu đã yêu cầu thành lập Ban giải quyết tranh chấp (DB), Ban Quản lý dự án cũng đã cử thành viên đại diện chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của hợp đồng.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu thi công gói CP03 (thi công hầm và các ga ngầm).

Chậm tiến độ kéo dài tại Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm (Kim Mã - ga Hà Nội, với 4 ga gầm).

Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Dự án được chia thành 9 gói thầu xây lắp, thiết bị (5 gói xây lắp, 4 gói thiết bị), 1 gói tư vấn chung và đều đang triển khai. Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể, riêng đoạn trên cao đạt 89,41%.

Được khởi công năm 2009 và sau nhiều lần lùi tiến độ, dự án được điều chỉnh mốc hoàn thành vào cuối năm 2022; trong đó, dự kiến khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là GPMB và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên dự án không kịp khai thác vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021; trong khi đoạn tuyến đi ngầm gặp vướng mắc về GPMB nên nhà thầu nước ngoài dừng thi công từ 7/2021.

Theo MRB, tính đến 30/8/2021, dự án gặp chậm trễ, vướng mắc về GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, chậm trễ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi khoan tuyến hầm từ 1-6 năm.

comment Bình luận

largeer