Vụ học sinh lớp 6 không đọc được chữ: Đề nghị không áp chỉ tiêu giáo viên

Trước hiện tượng nhiều học sinh lớp 6 trên địa bàn chưa đọc, viết thành thạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã chỉ ra nguyên nhân và giải pháp.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
11/04/2021 06:57
Trường THCS-THPT Tân Mỹ, nơi có hiện tượng học sinh lớp 6 chưa đọc, viết thông thạo.

Trường THCS-THPT Tân Mỹ, nơi có hiện tượng học sinh lớp 6 chưa đọc, viết thông thạo.

Hiện tượng nhiều học sinh lớp 6 ở Trường Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp không đọc, viết thông thạo, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Mới đây, Sở GD&ĐT Đồng Tháp đã có công văn gửi các phòng Giáo dục và các nhà trường nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng.

Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho rằng, việc học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng xảy ra tại các cơ sở giáo dục do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục thực hiện chưa tốt việc dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học; thậm chí, có cơ sở giáo dục còn gây áp lực cho giáo viên bằng chỉ tiêu thi đua không phù hợp. Thực trạng này tuy chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đã ảnh hưởng đến toàn ngành và gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Để chấn chỉnh thực trạng học sinh không đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Đồng Tháp yêu cầu Trưởng phòng các Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng các trường THPT và Thủ trưởng các cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX) triển khai thực hiện ngay các công việc, như: Kiểm tra, rà soát, thống kê số học sinh, học viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng tối thiểu, báo cáo về Phòng GD&ĐT (đối với các trường Tiểu học, THCS) và Sở GD&ĐT (đối với các trường THPT, cơ sở GD&ĐT) trước ngày 15/4.

Một em học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo được phản ánh. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Một em học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo được phản ánh. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn nghiêm túc phân tích nguyên nhân của việc học sinh còn yếu về kiến thức kỹ năng, trong đó phân tích kỹ nguyên nhân về phía nhà trường (như tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh yếu kém…). Từ đó, có biện pháp khắc phục cụ thể, khả thi, phù hợp.

Tổ chức kèm cặp, bồi dưỡng học sinh, học viên yếu bằng các biện pháp, hình thức phù hợp để các em từng bước củng cố lại kiến thức, kỹ năng chưa đạt.

Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong việc quản lý giờ giấc học tập, việc tự học ở nhà, động viên, khích lệ tinh thần, động cơ, thái độ học tập tích cực của con em.

Các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên và không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện "cứng" hay "khống chế" trong đánh giá, xếp loại và xét thi đua khen thưởng giáo viên vào cuối năm học.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ GDĐT.

Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT được lên lớp.

comment Bình luận

largeer