Vụ nam thanh niên bị đào hố chôn sống: 13 đối tượng bị xử tội gì?

Cơ quan Công an đã bắt giữ 13 đối tượng liên quan đến video "chôn sống" nam thanh niên dưới hố cát, gây xôn xao dư luận.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
28/03/2021 18:22
11 trong số 13 đối tượng liên quan đến vụ việc nam thanh niên bị chôn sống.

11 trong số 13 đối tượng liên quan đến vụ việc nam thanh niên bị chôn sống.

Vụ việc nam thanh niên bị trói tay, đào hố chôn sống rồi quay clip lan truyền trên mạng đang, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định có 13 đối tượng liên quan đến vụ việc này. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng bị tạm giữ để điều tra.

Theo Công an, 13 đối tượng khai nhận V. là một thanh niên hư hỏng, có mượn xe máy của một đối tượng trong nhóm này nhưng không trả. Bố mẹ V. sau đó cũng nhờ nhóm đối tượng này dọa V. nhưng nhóm này làm hơi thái quá.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Công an thành phố Vinh (Nghệ An) cho hay: Cơ quan công an đã tạm giữ các đối tượng về hành vi Bắt giữ người trái pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là vụ việc gây bức xúc và phẫn nộ trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh nam thanh niên bị bịt mắt, đào cát chôn sống.

Hình ảnh nam thanh niên bị bịt mắt, đào cát chôn sống.

"Theo thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ động cơ mục đích của nhóm thanh niên khai nhận do nạn nhân chơi bời, nợ nần nên bắt giữ "chôn sống" với mục đích đe dọa, bắt nạn nhân trả nợ.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến quyền tự do thân thể và quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ. Trong vụ án này, các đối tượng đã có hành vi lên kế hoạch bắt giữ nạn nhân đưa đến địa điểm định trước và tại đó đã sử dụng vũ lực trói tay, trùm đầu, "chôn sống" dưới hố cát như thời trung cổ nhằm bắt nạn nhân trả nợ...", luật sư Thơm nhận định.

Luật sư đánh giá, xét hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm tội Bắt giữ người trái pháp luật và Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 157 và Điều 168 Bộ luật hình sự.

"Để thực hiện được việc chiếm đoạt tài sản thì đầu tiên phải xâm phạm đến quan hệ nhân thân như sử dụng vũ lực trói tay, trùm đầu, lột quần áo, đẩy nạn nhân xuống hố đất rồi lấp cát đe dọa nạn nhân.

Đối với tội Cướp tài sản, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền các đối tượng bắt nạn nhân trả nợ để làm căn cứ xử lý tương ứng theo định khung quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự.

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các đối tượng cùng thống nhất tham gia bắt giữ nạn nhân và dùng vũ lực bắt nạn nhân trả nợ nên phải chịu chung về hành vi phạm tội bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản.

Tội cướp tài sản là loại tội có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ;

d) Phạm tội 02 lần trở lên;đ) Đối với 02 người trở lên;

e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;

b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

comment Bình luận

largeer