Vụ thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách 'quan hệ': Ai phải nuôi 2 đứa trẻ?

Theo luật sư, vụ thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách "quan hệ", rất có thể thầy lang phải cấp dưỡng nuôi 2 đứa trẻ nếu chứng minh là con thầy.
By Hải Yến/ Sức Khỏe Cộng Đồng
26/09/2021 06:46
Thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách 'quan hệ' khiến bệnh nhân sinh 2 con trai (thầy lang H. đứng) được giám định là con của thầy lang. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách "quan hệ" khiến bệnh nhân sinh 2 con trai (thầy lang H. đứng) được giám định là con của thầy lang. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Tin tức về vụ việc thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách "quan hệ" với người bệnh ở Bắc Giang, đang gây xôn xao dư luận.

Thầy lang nói trên là ông V.T.H. (SN 1975) ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nạn nhân là cặp vợ chồng anh X. chị Y. ở cùng huyện.

Đáng chú ý, kết luận giám định nêu rõ ông V.T.H. là cha đẻ của cả 2 con do chị Y. sinh ra với xác xuất 99.99%.

Nhiều ý kiến thắc mắc, nếu 2 đứa trẻ do chị Y. sinh ra đều là con thầy lang H. thì sự việc sẽ giải quyết thế nào? 2 đứa trẻ sẽ được ai nuôi? Và rằng thầy lang H. có phạm tội cưỡng dâm hay không?

Chữa bệnh bằng "quan hệ tình dục" chẳng lẽ bệnh nhân không biết?

Luật sư Đặng Văn Cường - (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá: "Rất khó có thể xử lý hình sự thầy lang trên về tội "Cưỡng dâm", bởi hành vi quan hệ tình dục với chị Y. diễn ra không chỉ một lần, mà ở những thời điểm khác nhau và sinh được 2 con".

Luật sư Cường cho rằng, nếu là một người bình thường thì sẽ nhận thức được rằng việc chữa bệnh Đông y sẽ bằng hình thức bấm huyệt, uống thuốc Nam, chứ không có phương pháp chữa bệnh nào bằng hình thức quan hệ tình dục trực tiếp với người bệnh.

Nhiều lá cây ở trong phòng 'đả thông kinh mạch' của thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách 'quan hệ'. (Ảnh: Afamily).

Nhiều lá cây ở trong phòng "đả thông kinh mạch" của thầy lang chữa bệnh hiếm muộn bằng cách "quan hệ". (Ảnh: Afamily).

"Nếu là thầy bói thì có thể tuyên truyền về những hành vi mê tín dị đoan, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nạn nhân để quan hệ tình dục với nạn nhân. Tuy nhiên, nếu là thầy lang thì chuyện này rất khó có thể xảy ra, bởi hoạt động của thầy lang khác với thầy bói.

Bấm huyệt để đả thông kinh mạch là một hoạt động chữa bệnh trong Đông y tương đối phổ biến. Động tác bấm huyệt khác hoàn toàn với hành vi quan hệ tình dục giữa nam với nữ.

Người phụ nữ trong sự việc trên đã có chồng, nhiều năm hai vợ chồng quan hệ tình dục nhưng vẫn chưa thụ thai, cũng đã đi chữa trị, tìm hiểu nhiều nơi nhưng không có kết quả. Điều này cho thấy, đối với chị Y. sẽ có những hiểu biết nhất định về hoạt động tình dục cũng như việc thụ thai của phụ nữ", luật sư Cường phân tích thêm.

Theo luật sư, đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn thì có thể nguyên nhân do vợ hoặc do chồng. Nếu chồng yếu sinh lý, vô sinh thì 2 vợ chồng sẽ không có con chung nhưng người vợ hoàn toàn có thể có con với người khác.

Luật sư cho rằng, việc người phụ nữ quan hệ tình dục với người khác và sinh con trong khi người chồng vô sinh là chuyện hết sức bình thường, đây không phải là một biện pháp khám chữa bệnh gì cả.

"Kết quả giám định ADN cho thấy 2 đứa trẻ không phải là con của người chồng mà chính là con của thầy lang. Điều này cho thấy, hành vi quan hệ tình dục giữa người phụ nữ này và thầy lang diễn ra không chỉ một lần, mà ở các thời điểm khác nhau và dẫn đến kết quả mang thai và sinh ra 2 đứa bé.

Với sự việc như vậy thì có thể nhận thấy chị Y. hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, người phụ nữ trong tình huống này cho rằng mình không tự nguyện quan hệ tình dục với thầy lang thì có quyền đưa sự việc ra pháp luật để làm rõ hành vi có được coi là cưỡng dâm hay không", luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cho biết thêm, nếu có đơn thư tố cáo, tố giác thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, làm rõ hành vi quan hệ tình dục đã diễn ra như thế nào, ý chí của thầy lang và người phụ nữ này như thế nào? Chị Y. có biết hành vi của thầy lang là quan hệ tình dục hay không, nhận thức của chị này như thế nào đối với hành vi quan hệ tình dục và hoạt động chữa bệnh?

Để xử lý hình sự về tội cưỡng dâm thì cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh mối quan hệ giữa hai bên, làm rõ có sự lệ thuộc nào về vật chất, tinh thần giữa thầy lang này với người phụ nữ hay không?

Thầy lang phải cấp dưỡng cho 2 con

Luật sư Cường cho rằng: Việc điều trị vô sinh của các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể thực hiện ở bệnh viện, các cơ sở y tế, có nhiều sự lựa chọn, chứ không nhất thiết là ở một cơ sở y tế hay một thầy thuốc, thầy lang nhất định. Bởi vậy, cho rằng chị Y. có quan hệ lệ thuộc đối với thầy lang Hải là rất khó chứng minh…

Bên cạnh đó, theo luật sư, hoạt động khám chữa bệnh và quan hệ tình dục nam nữ là hoàn toàn khác nhau, không thể có chuyện người một phụ nữ đã có gia đình nhầm lẫn giữa bấm huyệt và quan hệ tình dục.

"Một người phụ nữ bình thường có thể phát hiện ra hành vi chữa bệnh bất thường của thầy lang bằng lời nói, cử chỉ, hành động chứ chưa cần phải chờ đến lúc cởi quần áo của nhau ra… Bởi vậy, để chứng minh là người phụ nữ này bị lệ thuộc, phải miễn cưỡng quan hệ tình dục với thầy lang này là một chuyện rất khó có thể xảy ra trên thực tế.

Để nói rằng việc quan hệ tình dục là do bị miễn cưỡng, ép buộc, thậm chí nhiều lần như vậy thì rất khó có cơ sở để chứng minh...", luật sư Cường nhận định.

Chiếc giường khám bệnh đã được tháo rời. (Ảnh: Afamily).

Chiếc giường khám bệnh đã được tháo rời. (Ảnh: Afamily).

Luật sư Cường cho biết thêm, trường hợp kết quả xác minh cho thấy giữa thầy lang và chị Y. không có quan hệ lệ thuộc, người phụ nữ không rơi vào tình trạng quẫn bách buộc phải miễn cưỡng giao cấu với người đàn ông đó thì sẽ không khởi tố hình sự. Trong trường hợp này chỉ là quan hệ tình cảm, dân sự. Chị Y. có quyền yêu cầu thầy lang Hải phải cấp dưỡng cho 2 đứa trẻ đến khi trưởng thành.

"Sự việc có thể là nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của người phụ nữ, hoặc cũng có thể là nhận thức hay lý do khác. Qua sự việc này cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ việc khám chữa bệnh của thầy lang này có giấy phép hay không, có gây ra hậu quả gì xấu cho xã hội hay không để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật", luật sư Cường nói.

Trong trường hợp hoạt động khám chữa bệnh là tự phát, không có giấy phép, không có sự quản lý của cơ quan chức năng thì chính quyền địa phương cần phải đóng cửa cơ sở khám bệnh này. Đồng thời, những người đã khám chữa ở đây nếu có thiệt hại thì có quyền yêu cầu thầy lang phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng cũng sẽ xử phạt hành chính do hành vi khám chữa bệnh không có giấy phép theo quy định tại nghị định 117/2020/NĐ-CP về sự phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

comment Bình luận

largeer