Hiểm nguy từ bè mảng

Bám biển đánh bắt thủy hải sản là truyền thống bao đời nay của ngư dân ven biển. Thế nhưng, việc bám biển với một số ngư dân tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) là việc không hề đơn giản, trái lại nó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, bởi phương tiện đi biển của họ chỉ là những chiếc bè mảng được làm từ những vật liệu thô sơ và vô cùng đơn giản.
By Phạm Thắng - Thu Hiền
03/07/2020 10:19

Nguy hiểm rình rập

Xã Diễn Kim là một trong những địa phương nằm ven biển của huyện Diễn Châu (Nghệ An) phát huy lợi thế này. Phần lớn người dân Diễn Kim mưu sinh bằng nghề đi biển. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc mua sắm tàu có công suất lớn ra khơi đánh bắt là điều không thể, việc bám biển chủ yếu từ những chiếc bè mảng tự làm khá thô sơ, chi phí khá thấp. Tuy nhiên, việc dùng các bè mảng đi biển lại đối diện với vô số nguy hiểm trước sóng gió của biển cả.

Ông Phạm Xuân Lân (ngư dân xóm Yên thịnh, xã Diễn Kim) cho biết, gia đình ông có 4 người, thu nhập chủ yếu bằng nghề đi biển trên bè mảng. Việc làm bè mảng này là tự phát, xã không quản lý. Theo ông Lân, để làm một cái bè mảng và mua sắm các dụng cụ đánh bắt hải sản hết khoảng 100 triệu đồng. Sau khi đánh bắt về các bè mảng neo đậu lung tung thôi chứ không có bến bãi. “Làm nghề này vất vả cực nhọc lắm. Một ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào chiều tối trong ngày. Do gia đình tôi không có đất sản xuất nên phải bám nghề đi biển dẫu biết hiểm nguy rình rập. Những lúc bè bị lật do sóng to gió lớn chúng tôi phải gọi các bè khác tới cứu để giữ tính mạng của mình còn tài sản thì chấp nhận mất hết”, ông Lân tâm sự.

Dọc bãi cát thuộc xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim, những chiếc bè mảng của ngư dân nằm la liệt

Theo ghi nhận, tại khu vực bờ biển thuộc xóm Yên Thịnh, xã Diễn Kim những chiếc bè mảng của ngư dân nằm la liệt dọc theo dãy cát, chủ các bè mảng vô tư neo đậu mà không có sự quản lý của lực lượng chức năng. Với chiều dài chỉ hơn 1 km nhưng có hàng trăm chiếc đậu san sát nhau, thi thoảng lại xuất hiện một vài ngư dân vừa đi biển về, một số khác lại chuẩn bị cho chuyến đi mới. Xa xa, một nhóm người đang chờ những chiếc bè về để mua lại số hải sản vừa đánh bắt được đem ra chợ bán. Lại gần “bạn đồng hành” của ngư dân, chúng tôi thấy nó được làm khá đơn giản, vật liệu chủ yếu là cây mét, nứa kếp hợp với những tấm xốp dày, bộ phận phức tạp nhất của bè chỉ là một chiếc máy nổ có công suất dưới 20 CV được gắn vào phần sau của bè có tác dụng đẩy bè di chuyển trên biển.

“Ở đây bè mảng nhiều lắm, đánh bắt từ bờ biển ra khơi khoảng 20 hải lý. Bè mảng được làm từ cây mét chẻ ra ghép lại ép vào những tấm xốp lớn, bè chạy được nhờ vào một chiếc máy nổ chạy cánh quạt để đi. Tôi làm nghề được 5 năm rồi, đi bè như thế này không có thiết bị cứu hộ đâu, mà cũng không cần thiết vì nó luôn nổi. Tuy nhiên, nó luôn tiềm ẩn rủi ro. Biết là thế nhưng chúng tôi phải bám trụ vì không có tiền mua tàu thuyền công suất lớn”, ông Nguyễn Trí Lực (ngư dân xóm Tiền Tiến, xã Diễn Kim) tâm sự.

Ông Phạm Xuân Bang - Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết, toàn xã có 170 chiếc bè mảng tập trung chủ yếu ở các xóm Phú Thành, Hoàng Châu, Xuân Châu, Thái Thịnh, Yên Thịnh, Tiền Tiến 1, Tiền Tiến 2. Khi được hỏi về mức độ an toàn của những chiếc bè mảng, ông Bang thừa nhận, dùng bè mảng đánh bắt cá trên biển thì không đảm bảo an toàn lao động cho ngư dân, tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm.

Những chiếc bè mảng được làm khá thô sơ và đơn giản

Nằm ngay bên cạnh, xã Diễn Hải cũng là một trong những địa phương của huyện Diễn Châu có số lượng bè mảng lớn nhất huyện. Toàn xã Diễn Hải có 220 chiếc bè mảng phân bổ ở nhiều xóm, trong đó tập trung chủ yếu ở xóm 3 và xóm 4 với hơn 100 chiếc. Ông Phan Văn Thuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Hải trao đổi: “Những chiếc bè mảng này chủ yếu đánh bắt gần bờ, vì trên bè không có dụng cụ cứu hộ như phao áo cứu sinh nên hoạt động của bè mảng rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm. Năm 2016 xã Diễn Hải đã có một trường hợp đi bè mảng bị tàu lớn đâm trúng dẫn đến cái chết thương tâm của một ngư dân, còn tình trạng bè bị lật mất hết tài sản thì nhiều”.

Ngoài xã Diễn Kim, Diễn Hải thì bè mảng còn xuất hiện khá nhiều ở các xã như Diễn Thịnh, DIễn Trung, Diễn Thành, Diễn Hùng và Thị Trấn Diễn Châu. Theo số liệu của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Diễn Châu toàn huyện có khoảng 500 chiếc bè mảng.

Khó quản lý

Trước thực trạng hoạt động của bè mảng vùng ven biển khu vực huyện Diễn Châu, vấn đề đặt ra cho chính quyền sở tại là việc quản lý hoạt động của các chủ bè mảng như thế nào? Những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý đang trở thành vấn đề dư luận khá quan tâm.

Chủ tịch UBND xã Diễn Kim – ông Phạm Xuân Bang thừa nhận: “Công tác quản lý hoạt động của các bè mảng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại không có bến đậu cho bè mảng mà đậu chủ yếu xen lấn giữa bãi biển du lịch và bến hải sản. Mặt khác, ngư dân đang tự do đánh bắt mà chưa có tổ đội quản lý. Trong thời gian tới, xã sẽ thành lập các tổ đội của bè mảng để dễ quản lý hơn, thế nhưng việc thành lập tổ đội này cũng cần cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí để dễ hoạt động”.

Những chiếc bè mảng quá bé nhỏ so với biển khơi

Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu chia sẻ: Toàn huyện có hơn 500 bè mảng, tập trung chủ yếu ở các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Thành, Diễn Trung,.... Đây là nghề truyền thống của bà con hàng ngàn đời nay. Để đảm bảo an toàn, huyện đã thường xuyên ra văn bản tuyên truyền cảnh báo bà con ngư dân không khai thác xa bờ.

Nói về trách nhiệm quản lý, ông Hiếu cho hay: “Quản lý trực tiếp là các xã. Hơn nữa các xã ven biển không có bến cụ thể để bè neo đậu, công tác quản lý của xã chưa bài bản, mang tính kiêm nhiệm. Đối với các ngư dân, họ thích thì họ đi biển chứ không báo với ai, vì chưa có các chế tài quy định ràng buộc. Công tác xử lý gặp nhiều khó khăn vì đó là nghề sinh nhai, sinh kế của người dân. Chúng tôi đang tiến hành giải pháp xử lý những bất cập trong hoạt động của bè mảng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có phương án giúp bà con chuyển đổi nghề”.

comment Bình luận

largeer