Để bạo lực học đường không còn tiếp diễn tại trường học

Bạo hành học đường luôn dấy lên nhiều lo ngại với phụ huynh và giáo viên, không chỉ có học sinh đánh nhau ngay trong lớp học, đánh nhau hội đồng. mà thậm chí còn có rất nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh. Điều này dẫn đến sự sợ hãi cho các học sinh khác và khiến phụ huynh lo lắng, cũng như làm xáo trộn kỷ cương của trường học.
17/09/2021 17:45

Tại buổi Giao lưu trực tuyến “Trường học hạnh phúc: Trao yêu thương, nhận nụ cười”, đã có câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề bạo hành học đường và được giáo viên đưa ra lời giải đáp.

Câu hỏi: Hàng năm, ngành giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhà trường… có sự chỉ đạo, nâng cao ý thức của giáo viên trong vấn đề bạo lực học đường hay không? Theo cô, hoạt động này có cần thiết không?

Cô Đỗ Huyền Trang, Giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội: Hàng năm ngành giáo dục, Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân, Ban Giám hiệu trường Tiêu học Phan Đinh Giót đều luôn có sự chỉ đạo sát sao và nâng cao ý thức của giáo viên trong vấn đề bạo lực học đường.

Tại nơi tôi đang công tác, đã loại bỏ đi những phong trào thi đua mang nặng tính phong trào, hình thức vô bổ. Ban Giám hiệu đã giảm các loại sổ sách ghi chép thủ công nhằm “giải phóng” giáo viên chúng tôi ra khỏi chính những áp lực.

Nhà trường cũng tạo điều kiện cho chúng tôi trau dồi chuyên môn, nâng cao ý thức của mỗi thầy cô. Dành thời gian và không gian để giáo viên dồn hết tâm huyết và thoải mái cho các hoạt động dạy học bằng tất cả những điều tốt đẹp nhất đối với học sinh.

Khi được tạo điều kiện và môi trường thuận lợi làm việc nhất thì bản thân mỗi giáo viên sẽ tránh được sự nóng giận, hết lòng vì học sinh và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

BAOLUCHOCDUONG

Câu hỏi: Trường học hạnh phúc cũng bao hàm ở đó học sinh được an toàn về thân thể, tinh thần. Trong khi đó, những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường ở một bộ phận giáo viên mang lại cho học sinh có xu hướng gia tăng. Theo cô, điều đó sẽ dẫn tới hệ lụy gì? Cách nào để giáo viên vượt qua những xung đột tâm lý để luôn hạnh phúc với công việc?

Cô Đỗ Huyền Trang, Giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót, Thanh Xuân, Hà Nội: Bạo lực học đường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với học sinh. Ví như, với học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi khi bị bạo lực học đường sẽ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, tâm lý lo lắng và ám ảnh. Có học sinh trở nên nhút nhát, không dám ra ngoài chơi, đến trường, không thể tập trung học tập.

Ngay cả những học sinh bị chứng kiến hành vi bạo lực học đường cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Các em sẽ cảm thấy sợ hãi và cũng có thể hùa theo, ủng hộ hành vi này. Thậm chí nhiều khả năng các em có hành vi bạo lực trong tương lai.

Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến chính gia đình các em. Khi thấy các em lo lắng và sợ hãi thì không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng.

Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của giáo viên sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng. 

Câu hỏi: Cô có ý kiến như thế nào khi xem những video cô giáo bạo hành trẻ em mầm non? Theo cô có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này để phụ huynh có thể yên tâm cho con đi học?

Cô Hà Thị Liêm, Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La: Đó là một hành động xấu xa cần phải lên án. Bác Hồ đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Ấy thế mà có những búp non đã chưa được nâng niu đúng mực.

Quản lý một lớp học đông đến vài chục cháu học sinh, trong khi mỗi cháu lại có những hành động, biểu hiện khác nhau ở cùng thời điểm. Có cháu ốm, sốt, có cháu quấy khóc; lại có cháu chẳng chịu ăn, chịu học… điều này rất dễ gây ra tâm lý ức chế với giáo viên.

Nếu giáo viên không kiểm soát được cảm xúc và hành động trong những lúc như vậy thì rất dễ có những suy nghĩ và hành động lệch chuẩn. Tôi cho rằng như vậy thì không nên. Dù đó là hành động nhất thời, song khi sự việc xảy ra sẽ bị xã hội lên án. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh nhà giáo, ảnh hưởng đến những nỗ lực mà toàn ngành đang cố gắng xây dựng.

Giải pháp cho tình trạng này, theo tôi trước tiên nhà giáo phải làm chủ được suy nghĩ và hành động trong mọi tình huống. Làm được điều này nghĩa là phải thực sự dành tình cảm cho công việc của mình, dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ ngây thơ, non nớt.

Về góc độ pháp lý, tôi cho rằng nhà trường cũng cần có những biện pháp can thiệp và xử lí thích đáng với những người coi bạo hành là hình thức giáo dục.

 Thu Trang

 

comment Bình luận

largeer